Xuyên nhiều giao thừa đỡ đẻ cho "bệnh nhân" 4 chân
Khoác vội áo khám, đeo găng tay, chuẩn bị đỡ đẻ cho một "bệnh nhân" 4 chân, bác sĩ thú y Hải Đăng tất bật đón những ca đặc biệt của mình từ tay chủ nhân, trên môi không quên nở nụ cười âu yếm cho các “bệnh nhân” này.
Có lẽ khi chứng kiến những cử chỉ nhẹ nhàng đối với từng “bệnh nhân” của bác sĩ Hải Đăng mới có thể thấy được lòng yêu nghề và tình yêu động vật của vị bác sĩ tận tâm này.
Bác sĩ Đăng đang siêu âm cho các "bệnh nhân" 4 chân (Ảnh: HL)
Hơn 20 năm trong nghề, không hiểu sao năm nào cũng có những ca đỡ đẻ qua đêm giao thừa, đến 2h sáng mồng 1 Tết những tưởng xong rồi thì lại có người bê chó tới nữa..., bác sĩ Hải Đăng bắt đầu kể câu chuyện của mình.
Bệnh xá thú y nơi bác sĩ Đăng làm việc là một bệnh viện dành riêng cho những "bệnh nhân" 4 chân: chó, mèo trên đường Lê Duẩn (Hà Nội), lúc nào cũng tất bật người và.. vật nuôi ra vào. Phòng nào sạch sẽ với đầy đủ y cụ của một phòng khám thú y là nơi làm việc của bác sĩ Đăng hơn 20 năm nay. Chừng ấy thời gian gắn bó với nghề khám, chữa bệnh cho thú cưng, tiếp xúc với những "bệnh nhân" 4 chân, vị bác sĩ này luôn tỏ ra phấn khích khi nói về cái nghề khá đặc biệt này.
Nhớ về những kỉ niệm trong nghề, bác sĩ Đăng kể về một trong những lần xuyên đêm giao thừa đỡ đẻ cho chó. "Cách đây khoảng 5-6 năm, khoảng 21h tối trước thềm năm mới, trong lúc chuẩn bị đón giao thừa thì bác sĩ nhận được cuộc điện thoại của một người lạ cầu cứu vì chó Dachshund (hay còn gọi là giống lạp xưởng, xúc xích) đẻ khó. Ngay lập tức chú chó được đưa đến phòng khám để đỡ đẻ", bác sĩ Đăng kể lại.
Vị bác sĩ 7X này tiếp tục kể, chú chó được đỡ đẻ năm đó có 5 thai, và đội ngũ bác sĩ phải làm việc liên tục. Sát nút giao thừa cận kề vẫn còn một thai rất khó, khi siêu âm thì thấy thai này nằm cuộn tròn như quả bóng. Thực ra, nếu cho mổ thì cũng sẽ rất nhanh chỉ khoảng 40 phút, nhưng vì lương tâm của một bác sĩ thú y, rất thương chú chó đó, và điều quan trọng nhất trong tình huống này là: Đẻ thường để tốt nhất cho cả chó mẹ và chó con dù có xuyên giao thừa.
"Thực ra, giao thừa ai chẳng muốn về nhà nhưng nếu là người thì không đẻ ở viện này có thể đẻ ở viện khác nhưng lúc ấy giữa đêm giao thừa thì không có nhiều viện thú y còn hoạt động, mình đã cố rồi thì phải cố nốt....", bác sĩ Đăng lẩm nhẩm.
Và rồi, ca đỡ đẻ khó năm đó được kết thúc lúc 2h sáng mồng 1 Tết. Xong xuôi, bệnh viện chuẩn bị đóng cửa thì từ xa xa lại có bóng một người bước đến với giọng nói hớn hở: "Ôi trời ôi, may quá, may quá, bác sĩ vẫn mở cửa bệnh viện, con sống rồi con ơi, các con của con cũng sống rồi, bác sĩ Đăng đây rồi,..." - một nữ chủ nhân ôm chú chó của mình luôn miệng nói.
Một trong nhiều ca đỡ đẻ đêm giao thừa, trước thềm năm mới của bác sĩ Hải Đăng (Ảnh: NVCC)
Mặc dù đã thấm mệt và mong ước được về bên gia đình nhưng một lần nữa lương tâm của một vị bác sĩ thú y tiếp tục không cho anh Đăng được phép từ chối "bệnh nhân" đặc biệt này. Bởi, năm đó, "bệnh nhân" Chiahuahua ấy đã bị vỡ ối. Kíp trực lại tất tả chuẩn bị dụng cụ như sẵn sàng cấp cứu người. Và vì đây là một trường hợp đẻ mổ nên thời gian nhanh hơn hẳn. Và rồi, ca mổ hoàn thành lúc 4h sáng mồng 1Tết.
Đã thấm mệt nên anh Đăng chợp mắt một lát ngay tại bệnh viện của mình. Chợp mắt đến 6h sáng mồng 1 Tết, bác sĩ lại được gọi cửa và khi tiến đến sát cửa thì âm thanh tụng kinh niệm phật phát ra từ một người phụ nữa: ""Nam mô a di đà phật, con lạy Phật, con lạy Phật, mong sao gọi được bác sĩ, mong được bác sĩ cứu con của con". Và thế là nguyên đêm giao thừa và sáng hôm mồng 1 Tết đó, tôi đã đỡ đẻ cho hàng chục chú chó con ra đời..." bác sĩ Đăng vui vẻ kể lại.
Bác sĩ của những "bệnh nhân" đặc biệt
Tốt nghiệp khoa Thú y – ĐH Nông nghiệp, bác sĩ Hải Đăng nộp đơn vào tại liên đoàn xiếc Việt Nam với mong muốn phát huy nghề y truyền thống và cũng hiểu thêm về ước mong của bố.
Vị bác sĩ 7x chia sẻ: “Nghề bác sĩ thú y về nguyên tắc không mấy khác biệt với bác sĩ về nhân y, đòi hỏi ở bác sĩ sự tận tâm, liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, vừa làm vừa học hỏi, điều đó không bao giờ dừng lại”. Chính bởi lẽ đó nên khi trở thành bác sĩ thú y, bác sĩ Đăng luôn được lòng cả bệnh nhân lẫn... chủ của nó.
Thế giới của loài vật, qua lăng kính của một bác sĩ thú y quả chẳng khác gì thế giới con người với đầy đủ mọi sắc thái. Đó cũng là những sinh linh với cả buồn vui, đau đớn, cũng khao khát sống mạnh khỏe. Vì vậy, bác sĩ chữa cho chúng cũng phải trăn trở, đầy trách nhiệm và yêu thương. Những ca bệnh thường gặp nhất là bệnh về hô hấp, tiêu chảy, da liễu... song cũng có nhiều trường hợp khó khiến bác sĩ trẻ không ít lần loay hoay như phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật hệ tiêu hóa...
Gắn bó với nghề bác sĩ thú y đã hơn 20 năm nay, anh đã không ít lần anh bị chó, mèo bất ngờ quay ra cào cấu, tấn công.
Một trong những "bệnh nhân" đặc biệt của bác sĩ thú y 7x. (Ảnh: NVCC)
Nếu những bệnh nhân bình thường biết kể lại triệu chứng, miêu tả bệnh tình, hay đơn giản chỉ là nghe theo lời bác sĩ nói thì những bệnh nhân của bác sĩ Hải Đăng lại rất đặc biệt.
Bác sĩ Hải Đăng nhớ lại, chăm sóc các chó bị ốm khó hơn chăm người bệnh rất nhiều vì chúng không thể nói cho mình biết cơ thể chúng đang thế nào. Người bác sĩ sẽ phải tự cảm nhận, tự đọc tình trạng "bệnh nhân" của mình. Trước khi biết bệnh của một con chó thì phải có tác động về mặt tâm lý. Vì khi bệnh, con chó ấy sẽ bị stress, kêu nhiều và hay cào cắn người.
Có không ít lần khi khách đưa thú cưng của mình đến, khi bác sĩ chưa kịp quan sát mà khám ngay, chú chó kêu inh ỏi rồi lao vào tấn công, may mà bác sĩ né kịp nên không nguy hiểm gì.
Sau vài ngày chăm sóc, khi chú chó đã quen với bác sĩ rồi thì tình trạng tấn công cũng giảm bớt đáng kể. Tôi đã bị “bệnh nhân” cắn không ít lần, bù lại cơ thể tôi có sức đề kháng, miễn dịch tốt, những vết cắn có thể tự lành nhanh chóng”.
Ngoài ra, không chỉ thường xuyên phải đối mặt với sự nguy hiểm đến từ phía “bệnh nhân”, bác sĩ thú y cũng phải “quen” với nhiều trạng thái tâm lý của chủ nhân vật nuôi. Người thì thái quá, thấy chó cưng của mình hắt hơi một chút là cuống cuồng giục bác sĩ, nhưng có người thì bỏ bê, đợi vật nuôi bệnh đến lê lết mới nhớ tới thầy thuốc.
Thậm chí khi thú cưng chết thì nhốn nháo rồi đổ lỗi cho bác sĩ. Khi nói chuyện với chúng tôi, các bác sĩ thú y bảo rằng, những lúc như thế họ rất buồn, nhưng rồi đều chấp nhận và tìm cách vượt qua để tiếp tục gắn bó với nghề.
Làm bất cứ một nghề nào cũng vậy, ai cũng muốn mình có trí tuệ thông minh, suy nghĩ nhanh nhạy, sắc sảo, tinh thông nghiệp vụ, công việc thông đồng bén giọt và đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt đẹp. Nhà văn được mọi người biết đến thông qua tác phẩm văn học.
Nhà thơ thành danh bằng những bài thơ in sâu trong trái tim, ký ức độc giả. Nhạc sĩ nổi tiếng nhờ những tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian. Họa sĩ sống trong niềm yêu mến và sự ngưỡng mộ của công chúng bởi những bức tranh giàu tính thẩm mỹ và có giá trị nội dung, tư tưởng sâu sắc...
Bác sĩ thú y là một công việc vô cùng thú vị nhưng cũng rất nhiều khó khăn. Để theo đuổi ngành ngày bạn phải có tình yêu thực sự với động vật, không ngại khó, ngại khổ, ngại các việc nhỏ.
Chuyện đỡ đẻ chó hay chữa bệnh cho chó vào ngày Tết đã không còn gì xa lạ với bác sĩ Đăng nói riêng và những nhân viên trong bệnh viện thú y nói chung. Với họ, đỡ đẻ hay chữa bệnh cho những "bệnh nhân" chó đầu năm không còn là xui hay may mà đơn giản đó là quyền, là trách nhiệm, là nghĩa vụ và trên hết là tình thương yêu. Bởi, khi bạn làm việc với những loài động vật, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị, và cũng sẽ biết được rằng chúng ta hoàn toàn có thể yêu thương nhiều hơn!