Một lần, người viết gặp ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Hoà Bình - ở một dự án lớn do Hoà Bình làm tổng thầu tại Đà Nẵng. Ông đi rất nhanh, với dáng vẻ gần như lao người về phía trước và chỉ kịp nói với: “Chào các bạn”, khi có người trong đoàn nhận ra và cất tiếng hỏi.
Dáng vẻ tất tả của ông hoàn toàn trái ngược với ngữ điệu chậm rãi của giọng nói. Khi nói, ông luôn nhả từng chữ rất chậm rãi, rõ ràng. Nếu không để ý, rất khó để người nghe biết lúc nào ông đã nói xong.
1. Họ tung tin đồn để dìm giá cổ phiếu
- Năm 2017, Hoà Bình gặp nhiều vấn đề với các thông tin trên thị trường, từ việc bị Khải Silk xù nợ đến liên quan dự án của Vũ “nhôm”?
Tin đồn có là do người ta thấy với tốc độ phát triển như thế thì chắc chắn trong thời gian ngắn chúng tôi có thể vượt quá doanh nghiệp số một. Họ thấy triển vọng nên dìm giá cổ phiếu để mua vào. Không phải tự nhiên mà mua thế, chỉ có thể giải thích là đối thủ cạnh tranh và phá hoại.
Trên thị trường cũng nêu ra những con số trong báo cáo tài chính có thể nói là ngưỡng hơi rủi ro (vay nợ gấp hơn 2 lần vốn - pv). Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những con số đó thì không thấy được mặt tích cực của chúng tôi.
Nếu nhìn tích cực sẽ thấy chúng tôi được ngân hàng tín nhiệm, cho vay với mức cao nhất, gấp hơn 2 lần so với vốn; thấy là chúng tôi biết dùng đòn bẩy tài chính để kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn cao nhất thị trường, xuất khẩu lao động ra nước ngoài… Không có doanh nghiệp nào làm được như vậy.
- Thực tế cổ phiếu của doanh nghiệp cũng giảm giá khoảng 30% trong 2 tháng?
Thời gian này, tôi lo lắng nhất là có nhiều cổ đông bị thiệt hại do tin đồn. Công ty cũng chịu thiệt là phải phát hành cổ phiếu trong thời điểm giá không phản ánh đúng giá trị thực.
Tuy nhiên, tất cả đều có giải pháp. Việc tăng vốn chưa phải quá cấp bách dù công ty tăng tưởng đến 3-4 lần mà không có tăng vốn là cả một thử thách.
May mắn là các tích lũy trong lợi nhuận những năm trước của Hòa Bình cũng khá cao. Hy vọng lần này cổ đông chấp nhận việc giữ lợi nhuận lại cho phát triển công ty trong trường hợp chưa phát hành được cổ phiếu. Các năm trước, chúng tôi vẫn chia cổ tức.
Thực ra, để làm cho cổ đông yên tâm với những tin đồn không phải nói mình tốt là đủ mà phải chứng minh được điều đó. Giá cổ phiếu bây giờ không phù hợp nếu không nói là rất thấp so với giá trị thật, công ty sẽ mua vào.
Tuy nhiên, sau khi nộp đơn xin mua cổ phiếu quỹ, chúng tôi được Ủy ban Chứng khoán báo không phù hợp quy định vì mới phát hành cổ phiếu ESOP trước đó. Công ty đã cố gắng thuyết phục nhưng không được. Sau đó tôi đã phải quyết định mua vào cổ phiếu doanh nghiệp. Không có tiền để mua nhưng tôi cũng phải xoay sở, huy động tiền cá nhân để mua vào cổ phiếu quỹ.
2. Trong khởi nghiệp, người ta nỗ lực 10, mình phải nỗ lực 15-20
- Hơn 30 năm kinh doanh hẳn là luôn có những khó khăn như thế. Vậy ông đã vượt qua như thế nào vì theo những gì ông chia sẻ thì mọi thứ có vẻ như “dễ và nhẹ nhàng”?
Có những lúc nhìn lại thì đúng là rất khó khăn và có những rủi ro khi mình đưa ra quyết định song khi có lựa chọn thì phải chấp nhận nó.
Tôi từng gặp phải nhiều khó khăn, nhà không có, tài sản không có gì nhưng đó là chuyện nhỏ thôi vì tôi tay trắng làm nên sự nghiệp thì dù có về trắng tay mình vẫn sống được. Nhu cầu của tôi cũng không có gì ghê gớm.
Tuy nhiên, phải nói là trong giai đoạn khó khăn mình đã có phần may mắn để vượt lên được. Mỗi quyết định đưa ra thì đều không dễ nhưng vẫn có cơ sở để tin là quyết định đúng do đã phân tích nhiều góc cạnh.
- Bây giờ, nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp cũng nói về những khó khăn. Là người đi trước, ông khuyên họ những gì?
Tôi nghĩ là mỗi thời kỳ có một cái khó trong khởi nghiệp. Thế nhưng trong bất kỳ thời kỳ, lĩnh vực kinh doanh nào, muốn thành công cũng phải nỗ lực. Mọi người đều có niềm khao khát thành công nhưng người ta nỗ lực 10 mình phải 15-20 thì mới vượt qua được.
Nỗ lực vượt bậc có ý nghĩa chỉ khi nào mình yêu thích, đam mê công việc đó. Nếu không hứng thú, đam mê thì không thể làm được.
Khi khởi nghiệp, có đam mê, thì phải luôn suy nghĩ việc mình làm sẽ đem cái gì cho xã hội, cộng đồng. Khi xác định mình làm được, thì phải làm hết sức mới có khả năng thành công.
Thứ hai là trong điều kiện kinh tế có trình độ cao hiện nay, muốn làm cái gì đấy khác biệt thì phải rất chuyên sâu mới có chỗ đứng. Ham làm nhiều thứ thì mình sẽ không giỏi được. Phải lo tìm cho được sự khác biệt cho doanh nghiệp mình chứ không phải theo kiểu bỗng dưng lập ra một doanh nghiệp mà chưa có định hướng hay xác định được sản phẩm dịch vụ nào có thể phát triển được.
- Ông từng chia sẻ khá nhiều về chuyện khởi nghiệp của mình. Chỉ có vài dòng ngắn gọn như thế này: Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc rồi làm việc tại công ty quản lý nhà, lập văn phòng sau đó thì xây khách sạn đầu tiên Riverside… Nhưng mọi chuyện có đơn giản như thế?
Ban đầu, khi lập ra văn phòng xây dựng Hòa Bình tôi, cũng đã nghĩ là mình có thể làm thay đổi được cái gì đó.
Ngành công nghiệp xây dựng ở thời điểm đó cực kỳ lạc hậu. Internet cũng chưa có nhưng tôi nghe được thông tin thế giới đã được công trình này kia, làm cách này cách kia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn làm rất lạc hậu. Mình muốn học cách làm và đưa những cái kiến thức, kỹ năng, phương pháp đó vào Việt Nam.
Tôi có định hướng ngay tư đầu là phải thay đổi chứ không làm theo cách cũ Và khi lập công ty, ngay cả chọn tên, tôi cũng chọn cái tên có ý nghĩa, có giá trị đối với mọi người trên thế giới, không phải riêng Việt Nam.
Đó cũng là một cái hoài bão lâu dài, kiên trì trong rất nhiều năm và thế hệ mình chưa làm được thì thế hệ kế tục sẽ làm. Tôi rất mừng khi đến giai đoạn mình nghỉ ngơi thì đã thấy được nó thành công. Khi có hoài bão, mục tiêu rõ ràng và kiên trì kiện định với mục tiêu đó và mình sẽ nhẹ nhàng thoải mái với thử thách.
3. Xây dựng có thể thành ngành mũi nhọn
- Ông có nhớ mình đã xây bao nhiêu công trình?
Từ khi xây khách sạn đầu tiên ở TP.HCM vào năm 1990 đến nay có khoảng hơn 300 công trình. Tôi cũng không thể nhớ từng cái nữa rồi nhưng nhớ những công trình quy mô, công trình gặp sự cố, công trình có sáng kiến, công trình thua lỗ… (cười).
Để mà nói có nhiều kỷ niệm nhất chắc là công trình đầu tiên - khách sạn Riverside ở TP.HCM. Khi đó, doanh nghiệp của tôi mới 3-4 tuổi mà nhận làm tổng thầu thiết kế thi công. Đưa ra thiết kế đã là một vấn đề rồi vì công trình là toà nhà văn phòng thời Pháp. Phương án thi công là làm thế nào vẫn giữ được dáng dấp cổ, thời gian thi công văn phòng vẫn làm việc được và trong đó có một khách sạn đang hoạt động.
Thời kỳ đó, công nghệ xây dựng rất hạn chế, chưa kể việc xin giấy phép xây dựng cũng là vấn đề. Nhưng từ công trình đó, chúng tôi mới có cơ hội để nhận được các công trình sau này.
- Và ông thấy làm dự án ở nước ngoài khác như thế nào so với Việt Nam?
Trước hết chúng ta có thể tin vào trình độ kỹ thuật, công nghệ quản lý của Việt Nam. Về năng lực thi công nhà cao tầng thì khả năng của mình vượt trội so với nhiều đơn vị xây dựng khác do ở các nước không có nhiều công trình cao tầng như Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi hoặc nếu có cũng chia ra rất nhiều nhà thầu.
Tuy nhiên, vừa rồi, họp tổng kết với Bộ Xây dựng tôi có gửi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành cung cấp thông tin dồi dào, đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài vì hiện nay thủ tục mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước cũng nên nắm được tình hình xây dựng của các nước, cung cấp thông tin để chúng ta nắm được.
Tham tán thương mại hiện nay chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam nhưng dường như chưa nghĩ đến xuất khẩu xây dựng. Thực tế là ngành xây dựng của Việt Nam có thể xuất khẩu được, có thể thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nếu mình coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn thì mỗi bộ ngành đều sẽ có vai trò, chức năng, khả năng phục vụ cho chiến lược, tổng lực được thì sẽ phát huy tốt. Ví dụ như hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý lực lượng lao động lớn, xuất khẩu ra nước ngoài nhiều, trong đó có lao động trong ngành xây dựng.
Nhưng theo tôi được biết thì lao động ngành này khi về nước đa phần không có việc làm trong ngành xây dựng mà lại chuyển sang ngành khác. Đó là sự lãng phí. Bộ nên phối hợp với các doanh nghiệp, nhà thầu có kế hoạch làm ở nước ngoài để cung cấp ngược lại lực lượng đó.
4. Phân chia lợi ích là một trách nhiệm, người chia phải công bằng
- Học kiến trúc rồi làm về xây dựng, ông nghĩ như thế nào khi người ta nói “dân” kiến trúc có điểm mạnh là đam mê thì làm đến cùng nhưng cũng có cái tôi rất lớn, không khéo léo?
Tôi nghĩ mình cứ sống chân thật, hướng đến cộng đồng, làm gì thì hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa của từng việc.
Tôi cũng may mắn có nhiều cộng sự dành tình cảm, nhiều người yêu doanh nghiệp của tôi hơn tôi yêu nó. Họ làm việc cho công ty mà tâm huyết với công ty hơn cả người sinh ra nó, giống như việc không phải con của mình mà mình thương nó vậy.
- Triết lý quản trị của ông, để dung hòa các mối quan hệ và lợi ích trong tổ chức ra sao, thưa ông?
Tôi luôn nghĩ đến sự công bằng. Trong công ty hay có mâu thuẫn trong vấn đề lợi ích, phân chia. Tôi nghĩ cái cách mình phân chia lợi ích là một trách nhiệm và cả nghệ thuật. Mình phải biết cách thực hiện làm sao để đạt được công bằng nhất.
Tôi nghĩ doanh nghiệp cần xây dựng một quy chế rõ ràng về khen thưởng, ngạch bậc lương để làm sao đo lường được năng lực nhân viên rồi xác định mức thưởng có định lượng rất cao, đó là kinh nghiệm của tôi.
- Vậy người được thưởng nhiều nhất ở Hoà Bình từng là bao nhiêu?
Theo năm thì khoảng một vài tháng lương thôi nhưng thưởng theo dự án có thể lên đến vài tỷ, tuỳ vai trò, tuỳ dự án.
5. Thứ hạng trên sàn chứng khoán không có nhiều ý nghĩa
- Người ta bầu ông Lê Viết Hải là người giàu trên sàn chứng khoán. Ông thấy như thế nào?
Tôi thì không quan tâm lắm. Thứ hạng thì càng không có ý nghĩa gì, nhất nhì cũng có vai trò gì lắm đâu vì chẳng phải nhất nhì thế giới. Người ta có vài chục tỷ USD, mình có vài chục nghìn tỷ đồng cũng đâu có ý nghĩa gì, đó không phải là mối bận tâm của tôi. Hơn nữa tôi thấy số tiền có được trên sàn chứng khoán thì mình cũng có xài được đâu. Đại gia đen đủi năm 2017: '
Mối quan tâm của tôi chỉ là có một tỷ lệ để đảm bảo cho công ty có thể đưa ra những quyết định đúng hướng. Hoà Bình giờ có rất nhiều cổ đông, nếu không có tỷ lệ hợp lý thì với quy chế quản lý của các công ty đại chúng này thì khó có thể đưa ra quyết định quan trọng.
- Có doanh nhân từng nói đại ý là giờ thì không nghĩ đến là kiếm được bao nhiêu tiền nữa mà sẽ nghĩ đến việc để lại được gì. Góc nhìn của ông về tiền?
Tiền với tôi không quan trọng. Thứ tôi cần là có một năng lực tài chính vững để đảm bảo cho công ty nếu vướng vào những lúc khó khăn, như vừa rồi phải mua cổ phiếu thì tôi cũng phải có một nguồn, khả năng huy động tài chính như thế nào để hỗ trợ thực hiện những công việc giúp cải thiện tình hình công ty.
- 30 năm làm doanh nhân, ông thấy mình được và mất gì?
Niềm vui là khi điều mình làm được nhớ đến. Nhưng điều tôi thấy hối tiếc nhất là không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Một ngày làm việc mười mấy tiếng nhưng ít có thời gian để hưởng thụ. Song cũng có thể vì thế mà những lúc thảnh thơi hưởng thụ mình thấy sự hưởng thụ đó có giá trị, chất lượng hơn. Còn thật sự thì tôi không thấy thoải mái để đi chơi quá nhiều khi mà nhiều người đang phụ thuộc vào quyết định, trách nhiệm, công việc của mình.
- Ở tuổi của ông, một số doanh nhân đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi hay cân nhắc chọn thế hệ kế cận rồi, ông thì sao?
Tôi cũng đã có chuẩn bị cho lực lượng kế tiếp và hiện nay cũng đã sẵn sàng để tiếp nhận. Hiện nay hầu hết mọi người đều ủng hộ phương án chưa giao cho con vì để chúng cần thêm thời gian trưởng thành, học hỏi. Tôi cũng nghĩ không nhất thiết phải là con cái sẽ kế nghiệp mình. Cấp phó của tôi hiện tại cũng là những người có triển vọng.
- Có vẻ như dáng đi, thao tác của ông tỷ lệ nghịch với tốc độ nói vì ông nói chậm so với người khác nhưng đi thì lại rất nhanh?
(Cười). Tôi nói chậm do có một điểm yếu đó là vốn từ không nhiều nhưng lại muốn dùng từ để diễn đạt nó chính xác nhất chứ không dùng từ ngữ gần đúng. Có lúc tôi nói nhanh nếu đó là ngữ cảnh có thể nói chuyện dễ dãi. Còn cách nói và dáng đi “tỷ lệ nghịch” nhau, có lẽ đó là sự bù trừ.
- Cảm ơn ông!