Dân Việt

Tìm cách bảo vệ 800 thương hiệu nông sản

10/11/2011 07:13 GMT+7
(Dân Việt) - Câu chuyện để "mất" thương hiệu nông sản đang đặt ra những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở chuyện của từng doanh nghiệp hay với riêng một sản phẩm nông sản nào...

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam”, do Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật VN vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 8.11.

“Vải thiều Thanh Hà là một trong rất ít sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chỉ dẫn địa lý (có nghĩa là đã đăng ký bảo hộ thương hiệu) thế nhưng, đi đến bất cứ nơi nào mua vải cũng được giới thiệu là vải Thanh Hà” - lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương đưa ra câu chuyện thương mại hóa chỉ dẫn địa lý để khẳng định rằng "thương hiệu này rõ ràng đang bị lạm dụng".

img
Thương hiệu vải thiều Thanh Hà đang bị lạm dụng.

Các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập. Ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá: “Đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, còn việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều.

Một số địa phương đã chi rất nhiều tiền cho hoạt động này nhưng kết quả còn khiêm tốn. Bằng chứng là thời gian qua rất nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng đã bị "mất" và phải tốn một khoản tiền rất lớn mới hy vọng "đòi" lại được". Hầu hết các nhà khoa học đều đồng tình với nhận định của ông Minh bởi lẽ "thương hiệu nông sản không phải tự nó có sau khi sản phẩm đã được đặt tên, được gắn nhãn hiệu".

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện cả nước có khoảng 800 thương hiệu nông sản nổi tiếng ở khắp các địa phương. "Thương hiệu sản phẩm của một doanh nghiệp xây dựng đã khó, thương hiệu nông sản nổi tiếng thường là của một cộng đồng doanh nghiệp thì việc xây dựng và bảo vệ nó còn khó hơn" - ông Tạ Quang Minh nhấn mạnh.

Chính vì vậy, giải pháp được các nhà khoa học kiến nghị nhằm hạn chế tình trạng mất thương hiệu nông sản thời gian tới vẫn là bài học tuy cũ nhưng chưa được thực hiện một cách bài bản là thực hiện một quy trình khép kín “từ chủ động tìm thị trường, phát triển thị trường và cuối cùng là đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, nhãn hiệu”. Thực tế cho thấy, cần phải đẩy mạnh các hoạt động quản lý và phát triển thương hiệu nông sản nổi tiếng, là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, điều, chè...