Dân Việt

Chỉ ươm rau giống, trồng hoa mà gái đảm miền Tây thu 3 tỷ/năm

Văn Báu 22/02/2018 13:10 GMT+7
Bén duyên với chàng trai Đà Lạt, từ Hậu Giang miền Tây sông nước, chị Thạch Ngọc Mai theo chồng lên thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tập tành làm nông trồng hoa, ươm cây. Chỉ sau ít năm, đôi vợ chồng trẻ này đã xây nên cơ ngơi hàng chục tỷ đồng, doanh thu mỗi năm lên tới 3 tỷ đồng từ việc bán các loại giống rau.

Đến thăm cơ ngơi của gia đình chị Thạch Ngọc Mai, ngụ đường Nguyên Tử Lực, Phường 8, TP Đà Lạt, khó ai có thể tin được gia chủ của khối tài sản lớn này mới chỉ ở tuổi 35. Điều đáng nói, trước khi lấy chồng và lên Đà Lạt sinh sống, người phụ nữ này chưa ngày nào làm nghề trồng hoa, ươm rau, kinh nghiệm làm nông nghiệp đối với chị là con số không.

img

Chị Thạch Ngọc Mai (phải) trao đổi với công nhân tại vườn ươm rau giống của gia đình. Ảnh: Văn Báu

Vượt lên cái khó

Với nghề nông, có lẽ sản xuất, kinh doanh cây giống rau đem lại hiệu quả cao nhất, bởi vốn đầu tư không nhiều mà đầu ra thì luôn ổn định và ít gặp rủi ro hơn so với trồng rau thương phẩm”, chị Thạch Ngọc Mai nhận xét với chúng tôi ngay tại vườn ươm cây giống của mình.

“Nhập gia tùy tục”, nhà chồng đất đai vốn sẵn, ngày ra ở riêng, vợ chồng chị Thạch Ngọc Mai được cha mẹ bên chồng cho 1 ha đất ở vùng giáp ranh giữa TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, thuộc khu Đất Mới Phường 7. Bấy giờ, đôi vợ chồng trẻ này mới tập tành làm nông nghiệp với vô vàn bỡ ngỡ, khó khăn.

img

Vườn ươm của vợ chồng chị Thạch Ngọc Mai có nhiều chủng loại giống rau, củ, quả. Ảnh: Văn Báu.

Thiếu vốn đầu tư sản xuất đã đành, thiếu luôn cả kiến thức, kinh nghiệm, nhưng khi nhìn sang những gia đình kế bên, mỗi vụ hoa cúc cho thu về cả trăm triệu đồng tiền lãi, đôi vợ chồng trẻ lại quyết thử vậy may, nuôi ý chí làm giàu từ nghề nông. Năm 2012, vợ chồng chị Thạch Ngọc Mai quyết định vỡ đất gieo trồng hoa cúc, cẩm chướng.

“Do chưa nắm vững kỹ thuật trồng, thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cây bị sâu bệnh liên tục. Việc canh cho hoa nở đúng tết cũng rất khó khăn. Hoa mình trồng cứ nở sau tết nên bán chẳng được bao nhiêu. Đã vậy, khi hoa được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa nên thua lỗ liên tục, có vụ lỗ cả 200 - 300 triệu đồng”, chị Mai tâm sự.

Lứa hoa đầu tiên thất bại là bài học đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ Thạch Ngọc Mai. “Nhưng cũng chính việc mất trắng lứa hoa này mà vợ chồng tôi bắt đầu có cái nhìn đúng hơn về nghề làm nông. Nó không chỉ là màu hồng mà như người ngoài cuộc vẫn nghĩ. Không phải cứ trồng là được thu hoạch, cứ bán là có lãi!..”- chị Thạch Ngọc Mai chia sẻ.

Không nản chí, vợ chồng chị Mai lại vay mượn thêm tiền của hai bên gia đình nội ngoại để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư. Lần này để “có ăn”, gia đình đã chia đôi thửa đất, một phần trồng các loại rau, hoa, phần còn lại làm vườn ươm một số loại giống rau để cung cấp cho người dân trong vùng.

Để khắc phục điểm yếu về kỹ thuật canh tác, “vùng đen” về kiến thức trồng rau, hoa, ban ngày vợ chồng chị Mai tiếp tục vỡ đất làm vườn, đêm về lại lên mạng tìm kiếm, ghi chép thông tin, kỹ thuật trồng hoa, ươm rau giống. Không những thế, vợ chồng chị còn cất công tìm tới nhiều gia đình có kinh nghiệm và những trang trại trồng rau, hoa lớn của TP Đà Lạt và các huyện lân cận để trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp.

Khi vườn ươm các loại giống rau của gia đình đã hình thành, hằng ngày vợ lo làm vườn, chồng chạy khắp nơi giới thiệu sản phẩm cây giống để tìm mối tiêu thụ. Đôi vợ chồng trẻ nhiều đêm thức trắng vì lo cho vườn rau phát triển đúng như mong muốn, phần lo đầu ra, giá cả thị trường ở thời buổi cạnh tranh khốc liệt…

Mới bước vào nghề, mối quan hệ trên thị trường giống rau chưa có, đối với vợ chồng chị Mai tất cả mới chỉ bắt đầu trong khi tại Đà Lạt đã hình thành rất nhiều vườn ươm, nuôi cấy mô có quy mô rất lớn, sản xuất hàng chục triệu cây giống mỗi năm. “Phải cạnh tranh với những vườn ươm như thế, thật chẳng khác nào lấy trứng chọi đá!..” - chị Thạch Ngọc Mai nhớ lại những tháng ngày vợ chồng gian khổ khởi nghiệp.

Nữ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Trải qua những tháng ngày thăng trầm, vất vả, cuối cùng gia đình chị Thạch Ngọc Mai cũng đã đặt chân tới con đường của sự thành công với nghề làm nông. Chị Mai tiết lộ, trong nghề làm nông không trồng gì lãi nhanh và nhiều bằng việc ươm giống rau. Đối với nghề ươm giống rau giá cả đầu tư không nhiều, đầu ra lại khá ổn định, tỉ lệ rủi ro thấp hơn người chuyên canh trồng rau thương phẩm...

img

Tại vườn ươm các loại giống rau của vợ chồng chị Thạch Ngọc Mai luôn có hàng chục công nhân miệt mài làm việc. Ảnh: Văn Báu.

Và để có cây giống tốt và bán được cho khách hàng thì trước hết cây phải đạt chất lượng; đồng thời phải chăm sóc khách hàng, tư vấn cho khách hàng cách chọn giống, thậm chí mình phải đến tận vườn của họ để xem đất rồi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây thế nào cho phát triển tốt, chị Mai chia sẻ “bí quyết”. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhiều khi khách hàng bảo quản cây giống không tốt, trồng cây không phát triển gọi điện thoại là chị đến ngay để xử lý giúp khách.

Bây giờ, gia đình chị Mai đang sở hữu vườn ươm rộng 1 ha trong nhà kính, được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động, hiện đại, với hơn chục công nhân đang khẩn trương làm việc. Chị Thạch Ngọc Mai cho biết, trải qua nhiều thất bại, nay công việc ươm, bán các loại giống rau của gia đình chị đã đi vào nền nếp, đầu ra ổn định và cho thu nhập cao.

Vườn ươm rau giống của gia đình chị Mai đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng trăm nhà vườn tại Đà Lạt và những vùng lân cận. Không chỉ cung cấp các loại giống, người mua cây giống của gia đình chị Mai còn được chị cho người tới hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gieo trồng và đảm bảo cam kết về mặt chất lượng giống cây trồng. Nhờ tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng mà hiện nay, vườn ươm của gia đình chị Mai luôn trong tình trạng không đủ hàng để cung cấp cho nhà vườn.

Với 1 ha vườn ươm, trung bình mỗi tháng chị Mai cung cấp ra thị trường 4 - 5 triệu cây giống các loại, doanh thu hơn 300 triệu đồng/tháng, mỗi năm vợ chồng chị Thạch Ngọc Mai thu về khoảng 3 tỷ đồng tiền bán cây giống. Vườn ươm của gia đình chị Mai còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức lương từ 5-9 triệu đồng/tháng, đã bao luôn chỗ ở và 10 lao động thời vụ. Trong thời gian, qua chị đã giúp đỡ cho 100 hộ khó khăn về vốn, cây giống và kỹ thuật canh tác.

Với thành quả đạt được, những năm qua, gia đình chị Thạch Ngọc Mai liên tục được nhận bằng khen, giấy khen của UBND TP Đà Lạt, năm 2016 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.