Hàng chục người ngộ độc
Huyện Tân Kỳ là vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh Nghệ An, với hơn 4.000ha. Thời điểm này cây mía sắp đến ngày thu hoạch nhưng xuất hiện dịch bệnh rệp xơ bông trắng, gây thiệt hại lớn tới năng suất, sản lượng cây mía. Trước tình hình đó, cán bộ nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con cấp cho bà con loại thuốc BVTV bằng cách rắc xuống đất để trừ rệp.
Người dân phản ánh cán bộ nông vụ Công ty CP Mía đường Sông Con đã cung ứng thuốc độc hại. |
Theo phản ánh của người dân trồng mía huyện Tân Kỳ, loại thuốc mà họ được cán bộ nông vụ Công ty CP Mía đường Sông Con cung ứng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bao bì có nền màu đỏ, chữ Trung Quốc và có ghi chữ Foxim 30%. Thuốc có mùi hôi và xông hơi cực mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới người sử dụng và môi trường.
Chị Nguyễn Thị Yến (xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân) cho biết: "Nhà tui trồng hơn 10ha mía, bị dịch bệnh rệp xơ bông trắng làm hư hại nặng. Vừa rồi, tui có nhận từ Công ty CP Mía đường Sông Con 5kg thuốc để phòng trừ dịch bệnh hại mía nhưng không có tác dụng. Khi sử dụng tui thấy chóng mặt buồn nôn, sau đó về phải nằm mất mấy ngày".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các xã Giai Xuân, Tân Xuân, Tân Long, Nghĩa Đồng hàng chục người dân đã bị ngộ độc, thậm chí phát sinh bệnh tật, đau ốm khi sử dụng loại thuốc BVTV này cho mía. Điều lạ là cán bộ nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con cung ứng cho bà con loại thuốc BVTV này nhưng chỉ hướng dẫn sử dụng bằng miệng chứ không có một thứ giấy tờ hay văn bản nào.
Không nằm trong danh mục cho phép sử dụng
Ông Nguyễn Hữu Triển - Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân
Ông Nguyễn Bá Quy - Trạm trưởng Trạm BVTV Tân Kỳ cho biết: “Khi phát hiện bà con sử dụng loại thuốc nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng, chúng tôi đã khuyến cáo bà con không nên sử dụng. Đồng thời chúng tôi phối hợp với các cơ quan ban ngành tiến hành lập biên bản thu giữ 107kg tại xã Nghĩa Đồng.
Hiện số thuốc này đang nằm trong kho của Trạm BVTV Tân Kỳ”. Cũng theo báo cáo từ Trạm BVTV huyện Tân Kỳ, đây là loại thuốc độc hại do cán bộ nông vụ Công ty CP Mía đường Sông Con nhập về và cung ứng cho bà con trong tháng 9.2011.
Ngay sau khi nhận được phản ánh từ người trồng mía, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo Công ty CP Mía đường Sông Con để xác minh, tìm hiểu thì chỉ nhận được câu trả lời qua điện thoại: “Đó là loại thuốc trôi nổi trên thị trường. Chúng tôi không liên quan” (?!)
Vậy ai là người mang danh cán bộ nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con cung cấp loại thuốc độc hại nói trên cho bà con vùng nguyên liệu mía huyện Tân Kỳ?
Tiến Dũng