Dân Việt

Phó giáo sư 29 tuổi là người như thế nào?

10/11/2011 15:18 GMT+7
Không chỉ là một nhà khoa học giỏi, Hoàng Hiệp còn có một gia đình hạnh phúc với một bé trai 2 tuổi. Khi ở trong nước, lúc rảnh rỗi anh thường dành khá nhiều thời gian chơi với bé.

Ở thời điểm được công nhận là phó giáo sư (PGS), người trẻ nhất trong đợt phong tặng lần này, Phạm Hoàng Hiệp (ĐH Sư phạm HN) đang nghiên cứu tại Pháp.

Hoàng Hiệp (sinh năm 1982) đến với Toán như một sự tình cờ: cha anh là là kỹ sư Thuỷ lợi và không nghiên cứu Toán. Cuối năm lớp 9, sau khi đọc một quyển sách về Số học trên giá sách mà bố anh mua cho trước đó rất lâu, Hiệp mới thực sự cảm thấy toán học rất thú vị và thích toán từ khi đó.

Hoàng Hiệp học ở trường THPT Hồng Quang (Hải Dương) rồi vào học tại khoa Toán, trường ĐHSP Hà Nội. Hoàng Hiệp cũng bảo vệ luận án thạc sĩ tại trường ĐH này dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Văn Khuê, cụ thân sinh ra Nguyễn Quang Diệu - vị GS trẻ nhất được phong năm 2011.

img
Phó GS Phạm Hoàng Hiệp ở tuổi 29 (thứ nhất, bên trái).

Ngay từ thời gian đó anh đã có một vài kết quả nghiên cứu gây sự chú ý cho GS. Urban Cegrell ở ĐH Umea (Thụy Điển) và được ông mời sang hợp tác làm việc và bảo vệ luận án Tiến sĩ (TS) vào tháng 3.2008.

Sau khi bảo vệ xong TS Hoàng Hiệp sang Toulouse (Pháp) làm việc một vài tháng với các GS Ahmed Zeriahi và Vicent Guedj. Mới đây, tháng 10.2011, nhận được giúp đỡ của GS Jean-Pierre Demailly, Hoàng Hiệp sang làm việc và nghiên cứu tại viện Fourier, ĐH Grenoble (Pháp).

Là giảng viên khoa Toán, trường ĐHSP Hà Nội, nhưng cũng như nhiều nhà khoa học khác, Hoàng Hiệp cộng tác với các trường đại học danh tiếng của nước ngoài để giảng dạy hoặc nghiên cứu. Anh nói: ở nước ngoài, các nhà khoa học có cơ hội đọc nhiều tài liệu và học hỏi giao lưu với nhiều nhà khoa học giỏi để mở mang kiến thức hơn.

Có thể lấy một ví dụ dễ thấy: trước khi giao lưu khoa học kĩ thuật với các nước tiên tiến hơn thì Nhật Bản và Trung Quốc chỉ là những nước phong kiến lạc hậu. Bây giờ họ là những nước có khoa học kĩ thuật phát triển cao và có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu.

Ngoài ra, bạn cũng có một môi trường tĩnh lặng hơn để toàn tâm toàn ý vào việc học tập, nghiên cứu. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ ra nước ngoài du học. Đó là cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc trong tương lai.

Không chỉ là một nhà khoa học giỏi, Hoàng Hiệp còn có một gia đình hạnh phúc với một bé trai 2 tuổi. Khi ở trong nước, lúc rảnh rỗi anh thường dành khá nhiều thời gian chơi với bé. Như với Toán học, Hoàng Hiệp có một phương pháp giáo dục riêng là dựa trên tình cảm, sự thấu hiểu và tôn trọng con cái.

Ngay từ bây giờ người cha yêu Toán đã nghĩ đến việc biên soạn cho con trai và các bé cùng tuổi ở Việt Nam một bộ sách giáo khoa Toán trực quan, sâu sắc.

Hoàng Hiệp khá ấn tượng với 18 bài báo trên các tạp chí quốc tế nghiên cứu chủ yếu về phương trình Monge-Ampere phức.

Trong đó có một số kết quả nghiên cứu mà anh tâm đắc: Nghiên cứu phương trình Monge-Ampere trên miền siêu lồi cho độ đo không triệt tiêu trên tập đa cực xuất bản ở trên 2 tạp chí Transactions of the American Mathematical Society và Journal de Mathematiques Pures et Appliquees ; Mối liên hệ giữa tính khả tích mũ của hàm đa điều hoà dưới và Monge-Ampere của nó, xuất bản ở tạp chí Advances in Mathematics…

Theo Tiền phong