Những trụ ATM vắng vẻ
Khoảng 22 giờ ngày 1.11, trở lại trụ ATM tại vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) - nơi đã xảy ra vụ dàn cảnh cướp xe máy của chị Nguyễn Thị Thanh Thuận khi đến rút tiền và sau đó là một vụ khác với thủ đoạn tương tự nhưng bất thành, chờ hơn 30 phút, chúng tôi mới thấy có một thanh niên ghé vào rút tiền.
Vừa rút tiền, người thanh niên luôn nhìn trước, ngó sau với vẻ mặt đầy căng thẳng. Biết chúng tôi là phóng viên, anh ta cười nói: "Do cần tiền để đi giải quyết công việc vào sáng sớm mai nên tôi mới ghé vào đây, chứ không ai dại gì đi rút tiền vào giờ này đâu. Vì dễ làm mồi cho bọn cướp lắm".
Lúc 23 giờ, vừa tấp vào trụ ATM đặt tại góc khuất ở sân vận động Hoa Lư (Q.1), chúng tôi phát hiện có hai thanh niên đi xe máy kè theo. Thấy chúng tôi cảnh giác, hai thanh niên kia bỏ đi về hướng Nguyễn Thị Minh Khai.
Càng về khuya, chúng tôi dạo quanh các con đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Trần Quốc Thảo (Q.3), thì thấy nhiều trụ ATM đặt dưới tán cây to trở nên tối và nguy hiểm. Tại góc đường Ngô Thời Nhiệm - Trần Quốc Thảo có 3 trụ ATM chìm trong bóng tối vì thiếu đèn đường. Đối diện đó là vài trụ ATM khác cũng trong tình trạng tương tự. Một anh xe ôm tại đây cho biết: “Giờ này người đi đường một mình qua đây cũng sợ, huống chi đi rút tiền. Ở khu vực này, đêm nào cũng có vài thằng tóc xanh, tóc đỏ lượn lờ”.
Các trụ ATM nằm tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng vắng tanh khi màn đêm buông xuống - Ảnh: Giang Phương |
Vừa rút vừa run
Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi nhận thấy từ sau những vụ cướp táo tợn tại các điểm rút tiền ATM, nhiều người luôn nơm nớp lo sợ khi đi rút tiền. Chị Nguyễn Thanh Tuyền (ngụ Q.3) tỏ vẻ lo lắng: “Tôi luôn bất an khi vào những trụ ATM trên đường Trần Quốc Thảo (gần nhà). Đoạn đường này khoảng 21 giờ là vắng tanh, lại không có đèn đường mà xung quanh toàn là công ty. Nếu lỡ bị cướp cũng không biết kêu ai”.
Cũng theo chị Tuyền, trước đây, tại điểm ATM khu vực này từng xảy ra một vụ cướp khống chế người rút tiền bằng kim tiêm. Một người dân gần đó nói với chúng tôi: “Dù trụ ATM này gần nhà, nhưng tôi ít bao giờ dám tới đây rút tiền. Cả tháng lương mới tới rút một lần, chẳng may bị cướp thì gia đình tôi đói cả tháng”.
Hơn nửa tháng kể từ ngày xảy ra vụ bị cướp dàn cảnh nhốt trong buồng ATM tại vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, gặp lại chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Thuận vẫn còn kinh hãi. “Giờ muốn rút tiền, tôi đều đến những điểm giao dịch của ngân hàng, dù đi xa hơn, đợi lâu hơn chút cũng an tâm hơn” - chị Thuận nói.
Còn chị Nguyễn Thị Hương (ngụ P.Tân Quy, Q.7) người may mắn thoát được một vụ cướp ở trụ ATM tại Q.1 cách đây một tháng, cho biết: “Từ nay tới già tôi không dám đi rút tiền tại các trụ ATM một mình nữa. Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cây kim tiêm mà tên cướp chĩa về phía tôi”.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân tỏ ra lo lắng vì không biết nếu xảy ra sự cố thì không biết gọi ai và ai sẽ bảo vệ họ. Anh Nguyễn Văn Hải (thường rút tiền tại điểm ATM trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10) cho rằng: “Tôi chỉ biết gọi đến 113 để cầu cứu chứ đâu biết số điện thoại của công an phường".
Anh Hải kiến nghị, tại các máy ATM nên gắn số điện thoại và địa chỉ công an địa phương để người rút tiền cầu cứu mỗi khi gặp chuyện bất trắc hoặc cử bảo vệ trực chốt tại các điểm ATM, nhằm kịp thời bảo vệ an toàn cho khách vừa bảo đảm tài sản cho ngân hàng.
Công an bức xúc
Trước tình hình an ninh tại các trụ ATM trên địa bàn ngày càng phức tạp, một cán bộ Công an Q.Tân Bình bức xúc, khi lắp đặt trụ ATM, các ngân hàng không nghiên cứu kỹ địa hình dẫn đến đặt ở những nơi vắng vẻ tạo điều kiện cho bọn tội phạm lộng hành. Hầu hết các máy ATM không có hệ thống báo động, camera quan sát toàn cảnh khiến tình hình trở nên phức tạp.
Trong vụ cướp tại vòng xoay Điện Biên Phủ vừa qua, nếu có hệ thống báo động thì tình hình sẽ khác. Công an quận cũng đã có những kiến nghị, yêu cầu đối với các ngân hàng phải lắp đặt hệ thống báo động, camera quan sát đối với tất cả các trụ trên địa bàn Q.Tân Bình.
Một cán bộ Công an Q.1 cho rằng việc cướp, cưỡng đoạt, trộm tài sản của người đi rút tiền tại các trụ ATM trên địa bàn quận là có. Việc khách tới giao dịch với ngân hàng thì phải trả phí, vì vậy các ngân hàng phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho họ. Lực lượng công an, dân phòng có nhiều chuyện khác phải làm, nên không thể suốt ngày ra trực để bảo vệ các trụ ATM được.
Vị này cũng kiến nghị, các ngân hàng nên rà soát lại các trụ ATM của mình, những nơi nào vắng vẻ thì nên rút máy về hoặc lắp đặt các hệ thống báo động, camera quan sát, cắt cử bảo vệ đến trực. Các trụ ATM nên đặt ở các cơ quan, công sở, ở đó có lực lượng bảo vệ mới đảm bảo an toàn cho máy và người đến rút tiền.