Việc tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng từ 3.000 đồng/lít tăng lên mức trần 4.000 đồng/lít sẽ tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đời sống người dân (Ảnh minh họa)
Dễ cho Bộ quản lý, khó cho người dân
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đề nghị của Bộ Tài chính, mức thuế đối với mặt hàng xăng từ 3.000 đồng/lít tăng lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng mức thuế từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng mức thuế từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng mức thuế từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.
Riêng nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành. Theo lý giải là mức thuế của nhiên liệu bay đang ở mức trần trong khung thuế suất. Dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cụ thể xăng dầu nhập khẩu từ thị trường Asean và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%), nhưng năm 2017, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường này tiếp tục giảm, trong đó từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016.
Mặt khác, theo Bộ Tài chính, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á nói chung.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính cho biết đã tính toán những tác động tới NSNN. Theo đó, tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm.
Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế GTGT đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu NSNN dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm.
PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng không nên tăng kịch khung thuế BVMT thời điểm này
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính), đề xuất nâng mức thuế BVMT lên kịch khung với xăng, dầu và một số loại nhiên liệu khác của Bộ Tài chính cần xem xét tới tính khả thi và tác động của chính sách tới kinh tế - xã hội.
Ông Long phân tích: “Thứ nhất, khi tăng thuế, xã hội đương nhiên sẽ không đồng thuận. Ở điểm này cần thông cảm cho Bộ Tài chính khi phải thực hiện nhiệm vụ cân đối ngân sách. Trong đó, cách dễ dàng nhất để các cơ quan chức năng, những người nắm ngân khố quốc gia thực hiện việc này là tăng thu thông qua việc nâng mức thuế của các sắc thuế.
Song Bộ Chính trị từng nói rất rõ, trong khi ngân sách mất cân đối, cần tái cơ cấu cả thu và chi. Trong đó, phải chú ý chi làm sao cho hiệu quả, nếu chỉ chú ý tới tăng thu là chưa đủ. Bản thân vấn đề thu cũng phải tái cơ cấu lại, phải mở rộng diện thu thuế, đối tượng chịu thuế, không nên dồn gánh nặng lên một sắc thuế.
Thứ hai, một điều được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới ngày đầu năm là không nên tăng thuế và phí trong năm nay.
Thứ ba, mỗi lít xăng phải chịu rất nhiều loại thuế và phí. Đây đồng thời là vật tư chiến lược đầu vào của nền kinh tế. Vậy mà giờ lại đánh thuế nặng quá, nếu neo giá thuế BVMT với xăng ở mức 4.000 đồng/lít, nó sẽ trở thành một mức cố định để làm giá xăng luôn luôn cao. Điều này ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng khác. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, chi tiêu của người dân. Dù thu nhập của người Việt Nam hiện ở mức trung bình, nhưng là trung bình thấp.
Thứ tư, giá xăng của Việt Nam so với giá xăng thế giới, đặc biệt là Mỹ đang cao hơn từ 4.000 – 4.500 đồng/lít. Trong khi Mỹ là một trong những nền kinh tế lớn, có sức ảnh hưởng toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh còn yếu, thu nhập người dân ở mức trung bình thấp.
Với tất cả những yếu tố nêu trên, tôi cho rằng Bộ Tài chính phải hết sức thận trọng và không nên tăng. Biện pháp tốt nhất hiện nay vẫn là tái cơ cấu cả thu và chi ngân sách.
Rõ ràng, cách dễ dàng nhất với cơ quan nắm ngân khố quốc gia vẫn là tăng thuế. Đó chỉ là một con đường, nhưng nó gây rất nhiều tác động và hệ lụy khác nên cần phải thận trọng”.
Cần xem lại cách đánh giá tác động
Báo cáo đánh giá tác động Dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường của mình, Bộ Tài chính cho biết: “Từ việc tăng giá hàng hóa sẽ có tác động đến chỉ số về tiêu dùng thực tế của hộ gia đình, phúc lợi xã hội và lạm phát như sau: Tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm có thấp nhất và khoảng 130.000 đông/tháng ở nhóm có thu nhập cao nhất; Phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn; Mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn”
Việc chỉ đánh giá tác động của việc tăng kịch khung thuế BVMT với người dân là chưa đủ
Song theo PGS.TS. Ngô Trí Long, đối với người nghèo, người thu nhập thấp Bộ Tài chính đã nhắc tới vấn đề an sinh xã hội. Nhưng chỉ chú ý tới điều này thì chưa đủ, phải quan tâm tới năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp.
“Anh tăng một sắc thuế nhưng gây tác động tới mặt bằng giá, đẩy chi phí lên cao thì kiểu gì vẫn gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Ngoài ra, cách tính toán tác động như vậy đã chính xác hay chưa cũng là một vấn đề chúng ta cần bàn”, ông Long nói.
Theo thông tin do ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cung cấp, Tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazút) so với nhiều nước (Hàn quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%). |