Giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ 100 đồng/kg
Giá cà phê Robusta giảm nhẹ phiên thứ 3 liên tiếp
Sau phiên tăng mạnh đầu tuần, giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ trong nhiều ngày qua. Giá cà phê hôm nay giảm nhẹ 100 đồng/kg. Hiện giá cà phê được giao dịch ở mức 36.500 – 36.900 đồng/kg, rớt khỏi mốc 37.000 đồng đã đạt được trong đầu tuần.
Nhiều nhà vườn đang lo lắng vì giá cà phê thế giới và nội địa đang tạo thêm khó khăn cho họ. Nếu như giá năm 2017 có lúc ở mức 43 triệu đồng/tấn, nay họ mất ngót 5-6 triệu đồng mỗi tấn. Có lẽ các dự đoán của giới thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cho rằng nông dân còn giữ khoảng 50% mùa vụ của họ trong các kho đang là áp lực chính lên hướng giao dịch sàn Robusta lúc này.
Không chỉ ở Việt Nam, nông dân cà phê nhiều nước trên thế giới cũng đang than khó khi giá cà phê bán ra giảm quá nhanh và mạnh. Nông dân Ấn Độ cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự khi giácà phê nguyên liệu bán ra trên thị trường nội địa giảm 19% so với năm 2017. Cụ thể là giá cà phê robusta tươi năm ngoái họ bán được 3.700 Rupee Ấn độ (INR) mỗi bao 50 kg thì nay chỉ còn 3.000 INR, còn arabica còn nguyên trong vỏ thóc sau khi chế biến ướt xong năm 2017 có giá nội địa là 9.900 INR thì nay chỉ 7.300 INR.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta giảm ở tất cả các kì hạn. Kỳ hạn giao ngay tháng 3/2018 giảm 8 USD ở mức 1.793 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 5/2018 giảm 8 USD, còn 1.751 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7/2018 giảm 7 USD, còn 1.779 USD/tấn. Trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2018 giảm 0,15 cent, còn 119,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2018 tăng thêm 0,10 cent, lên 121 cent/lb.
Giá tiêu không có nhiều thay đổi
Nông dân đang chịu lỗ nặng vì giá tiêu đang quá thấp
Giá tiêu hôm nay 24/2 vẫn trầm lắng sau kỳ nghỉ tết. Tiêu Tây Nguyên giữ mức 62.000 đến 63.000 đồng/kg. Giá tiêu tại các tỉnh phía Nam khoảng 62.000 đến 64.000 đồng/kg. Riêng giá hồ tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận tăng đột biến 2.000 đồng lên 66.000 đồng/kg ngày hôm qua, đây cũng là mức giá cao nhất hiện nay trong số các tỉnh được khảo sát.
Trong khi đó, nông dân Ấn Độ kêu gọi chính phủ xóa bỏ hạn ngạch thương mại tự do đối với hạt tiêu Sri Lanka. Chính sách giá sàn nhập khẩu của Ấn Độ đã thất bại trong kìm hãm luồng hạt tiêu chất lượng thấp, giá rẻ hơn tràn vào nước này. Nông dân trồng hồ tiêu thuộc Hiệp hội những người trồng hồ tiêu tại Karnataka, Kerala và Tamil Nadu đã kêu gọi chính phủ áp mức thuế 54% lên hồ tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka theo SAFTA và chấm dứt hạn ngạch theo Thỏa thuận Thương mại tự do Indo – Sri Lanka ở mức 2.500 tấn.
Hiệp hội chỉ ra rằng “sản xuất hạt tiêu tại Sri Lanka đã tăng mạnh kể từ khi triển khai các thỏa thuận thương mại trên và hạt tiêu từ các nước khác cũng tuồn vào Ấn Độ với chứng nhận xuất xứ do các nhà chức trách Sri Lanka cấp”. Bất chấp việc chính phủ Ấn Độ áp giá sàn nhập khẩu (MIP), luồng hạt tiêu giá rẻ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nên Hiệp hội đã yêu cầu tất cả các cơ quan hải quan triển khai các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm giữ tất cả các lô hàng hạt tiêu nhập khẩu và kiểm tra lại sau khi triển khai MIP.
Dữ liệu từ các cảng khác nhau (Cochin Sea Port, Mundra Sea Port, Nava Sheva Sea Port, Chennai Sea Port và Bangalore ICD cũng như Tughlakabad ICD) cho thấy tổng cộng 2.212 tấn hạt tiêu đã được nhập khẩu trong tháng 1/2018; bao gồm hạt tiêu nhẹ để chiết xuất dầu hạt tiêu và EOUs và các đơn vị tại SEZ được miễn trừ khỏi MIP, trong khi nhập khẩu từ Sri Lanka cho thị trường nội địa cho thị trường nội địa đã hoàn toàn bị kìm hãm. Các cơ quan hải quan Ấn Độ đã thu thuế MIP 500 Rupees/kg ở mức 8%, tức tương đương khoảng 40 – 41 Rupees/kg. Trong nhiều trường hợp, giá mua thấp hơn nhiều so với giá MIP.
Xét đến các vấn đề chất lượng và số lượng, ngành hồ tiêu Ấn Độ đang vận động các biện pháp mạnh tay hơn khi mùa thu hoạch năm 2018 sắp tới gần.