CEO Nguyễn Mạnh Hùng: "Trước học rồi mới làm, giờ làm rồi mới học" (Ảnh: IT)
CEO Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel cho rằng: "Cách mạng là cái mới thay đổi cái cũ, những doanh nghiệp (DN) mới sẽ thay thế DN cũ và Đại học kiểu mới sẽ thay thế kiểu cũ".
Làm ngược mang lại hiệu quả bất ngờ
CEO Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Cách mạng là dám đi đầu, nếu tìm từ tổng quát nhất có thể mô tả về 4.0 tôi dùng từ làm ngược những gì mà chúng ta đang làm, suy nghĩ ngược lại những gì mà chúng ta suy nghĩ".
“Có thể nói 4.0 là làm ngược nhưng sẽ mang lại kết quả bất ngờ, là cơ hội cho sự đột phá. Đối với những quốc gia nghèo khó khi xảy ra điểm nghẽn những người dám đi trước sẽ có cơ hội vươn lên”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, những người đi sau phải có mong muốn không giống người đi trước, nếu người đi sau vẫn làm theo người đi trước chúng ta mãi tụt hậu phía sau.
Hàng trăm khách mời, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chăm chú theo dõi chia sẻ của CEO Nguyễn Mạnh Hùng về cách mạng 4.0 (Ảnh: TX)
Ông Hùng cho rằng, công cụ 4.0 hỗ trợ cho việc làm khác, gắn liền với từ phá huỷ, chúng ta hay gọi sáng tạo mang tính phá huỷ.
Chia sẻ thực tế ở Viettel, CEO Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhìn lại thời điểm năm 2003 Viettel còn rất nhỏ bé, chỉ có 2,3 tỷ đồng tiền vốn, trong khi VNPT có trong tay hạ tầng nhiều chục năm, có vốn hàng chục tỷ đồng. “Khi đó, tôi sang Malaysia, mang câu chuyện hỏi một vị giáo sư thì được vị giáo sư này chia sẻ: Viettel đang có nhiều thứ để thắng vì không có gì trong tay. Đó cũng chính là cái khai sáng Viettell vào thời điểm khó khăn nhất”, ông Hùng chia sẻ. Theo ông Hùng, đến giờ Viettel cũng vẫn đã và đang phát triển theo triết lý này
Vận dụng vào câu chuyện đào tạo ngày nay, ông Hùng cũng cho biết, trước đây chúng ta học trước làm sau, giờ làm trước trải nghiệm trước sau đó mới học.
Do đó, các trường đại học cần cho các em làm trước, thực hành trước sau đó dạy sau, trước không biết phải hỏi thầy, không biết mới phải học, bây giờ biết rồi mới hỏi thầy, mới đi học. Chúng ta tự học để hiểu 90% mới hỏi thầy. “Dạy học một người có cái đầu bằng 0% rất giống nước đổ lá khoai”, ông Hùng nhấn mạnh.
Có hàng loạt sự khác biệt trước đây và bây giờ
Nói về sự khác biệt của trước đây với thời kỳ 4.0, ông Hùng cũng đưa ra hàng loạt những điều bất ngờ. Cụ thể, ông ví, trước đây giáo viên là thầy, giờ thầy là huấn luyện viên, mô hình này thì trò bao giờ cũng giỏi hơn huấn luyện viên;
Trước đây, làm nghiên cứu trên thế giới thực, phòng thí nghiệm, mất nhiều thời gian, giờ biến thế giới thực thành ảo, cần nghiên cứu trong môi trường ảo, mô phỏng giống trò chơi không tốn kém lại nhanh;
Trước đây, dạy sinh viên đào tạo sâu vào 1 chuyên ngành, giờ đây đào tạo đa ngành; Trước đây học trong trường là chính, giờ càng mở, học càng nhiều trường càng tốt;
Trước đây, ngôn ngữ người với người, nói tiếng Việt thêm với tiếng Anh, giờ phải biết ngôn ngữ người với máy;
Trước đây, dạy học sinh, giải quyết vấn đề là câu chuyện chính, giờ tìm ra vấn đề là quan trọng nhất;
Trước đây, học làm cái đã học, làm cái đã làm, giờ học làm cái chưa ai làm;
Trước đây, học sự tiến hoá, giờ học sự đột phá. 4.0 cái mới sẽ thay cái cũ. Đi sau làm khác đi trước mới có cơ hội thắng được;
Trước đây, thực là quan trọng, dạy cái thực, giờ ảo là quan trọng. Dạy sống và làm việc, sáng tạo trong môi trường ảo;
Trước đây, nghe theo, học thuộc giờ cần gắn với tư duy phản biện;
Trước đây, tài liệu sách giáo khoa ở đại học quan trọng, bây giờ trong trường máy móc là quan trong. Trường đại học cần có hạ tầng giống một nhà máy để giúp sinh viên thực hàng càng nhiều càng tốt.
Trước đây, cạnh tranh làm giống người khác để có kết quả tốt hơn, giờ cạnh tranh là phải phấn đấu làm khác người khác, không trở thành họ;
Trước đây, tìm giáo viên trong số những người giáo viên, bây giờ tìm giáo viên trong 90 triệu dân nên cơ hội tìm được người giáo viên dễ hơn rất nhiều;
Trước đây, người giỏi nhất là người giỏi nhất, giờ người giỏi nhất có thể là người dốt nhất. Bởi người giỏi nhất không có ham muốn học hỏi, trong khi người dốt nhất có thể đi khắp thế giới học hỏi và kết hợp kinh nghiệp của những người giỏi nhất thành của mình. Viettel cũng đã làm được theo triết lý này.
“Điều duy nhất không thay đổi là sự thay đổi, do đó mọi người muốn thành công cần cố gắng, trước tình huống khó khăn luôn luôn phải phải cố gắng để sống, khi đó cơ thể mới tiết ra hóc môn tăng cường thông minh. Từ đó sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển, nhận việc khó lên, đạt tới giới hạn của chính mình. Do đó, mỗi cá nhân, tổ chức cần đặt ra mục tiêu cao nhất so với chúng ta và thực hiện nó vì chỉ những thứ không thể mới tạo ra con người xuất sắc nhất”, CEO Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nói về cách mạng 4.0, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Đối với Ngành Công Thương, xét từ khía cạnh của các nhà cung cấp nguồn nhân lực mà cụ thể ở đây chính là các Trường, các cơ sở đào tạo của Bộ hay từ phía cầu, từ các ngành, doanh nghiệp sử dụng lao động, đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để sớm đưa ra những định hướng và giải pháp cụ thể trong bối cảnh có nhiều thay đổi với tốc độ rất cao. Có thể thấy, tâm điểm của cuộc Cách mạng 4.0 chính là việc hình thành các Nhà máy thông minh, Nhà máy số – nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định, toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất, thiết kế, tổ chức sản xuất tới phân phối đều được quản lý, quản trị và thực hiện thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của internet vạn vật. Trong các Nhà máy đó, chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được. Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao. |