Dân Việt

Áp lực nghề y

Nguyễn Diệu Linh 27/02/2018 18:52 GMT+7
Chưa bao giờ bệnh viện lại “nóng” như vậy. Bác sĩ thường được ví như “mẹ hiền” nhưng “mẹ hiền” lại đang bị đánh ngày càng nhiều, mà người đánh lại chính là những “đứa con” hoặc người nhà đang được mẹ hiền chăm sóc, chạy chữa.

Cứu người thì phải được người biết ơn, tôn trọng là lý lẽ hết sức bình thường ở đời. Nhưng đối với các nhân viên y tế Việt Nam, điều này đôi khi lại quá xa vời.

Nhân viên y tế bị đánh vì những lý do “không thể tin” được.

Chạy chữa không nhanh, không đúng như yêu cầu của người nhà: đánh.

Cấm quay phim ở nơi không cho phép: đánh.

Chữa rồi mà bệnh nhân vẫn đau: đánh.

Trả lời quá văn tắt: đánh.

Và cảm thấy ngứa mắt: đánh…

Trong khi chữa bệnh cần quy trình, bác sĩ không phải là “thần tiên” để vung đũa thần là bệnh nhân khỏi bệnh, hết đau. Còn người nhà, bệnh nhân lại không phải bác sĩ, không thể “chỉ định” bác sĩ phải chữa trị bệnh theo ý muốn của mình được.

img

Những hình ảnh này ngày càng nhiều...

Nhưng nghịch lý vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện, khi mà bệnh nhân ngày càng đòi hỏi quyền của mình nhiều hơn, đòi hỏi được chữa bệnh tốt hơn, nhanh hơn, rẻ tiền hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng phải xót xa: “Bảo vệ bệnh viện thì không đủ sức nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Bệnh nhân thì đòi được khám ngay, còn lấy điện thoại để quay và ghi âm để xem bác sĩ sơ sểnh gì thì đưa lên mạng, tố cáo thì làm sao bác sĩ yên tâm khám chữa bệnh được. Khi đó bác sĩ sẽ không sáng suốt khi khám chữa bệnh”.

PGS-TS Lê Thanh Hải – Giám đốc BV Nhi T.Ư cũng chia sẻ, nếu ai cảm thấy nhân viên y tế không vất vả thì đến xem các nhân viên bệnh viện làm việc một ngày sẽ rõ. Mỗi ngày BV Nhi T.Ư đón tiếp 2.200-3.500 bệnh nhi, có ngày lên đến 4.500, kèm theo 4.000-6.000 người nhà đi cùng. Mỗi bác sĩ khám từ 80-100 bệnh nhi/ngày. Khu vực nội trú, mỗi bác sĩ cũng phụ trách điều trị 10-20 bệnh nhi/ngày, điều dưỡng chăm sóc 20-30 cháu. Các thủ tục, giấy tờ, vấn đề an ninh, trật tự đều tăng theo cấp số nhân. Các bác sĩ làm quần quật, thậm chí không có thời gian để ngồi, để đi vệ sinh, ăn cơm suốt 6-8 tiếng, nếu là ca trực có thể tới 24 giờ mới được nghỉ. Các bác sĩ phải đối mặt với sự sống và cái chết, với nỗi đau đớn, mất mát của người bệnh, người nhà. Họ thường xuyên phải chịu đựng sự trách mắng, oán hận một cách vô lý. Nhưng họ vẫn buộc phải niềm nở, vui vẻ, hòa nhã vì nếu bị bệnh nhân phàn nàn, tố giác, họ có thể bị kỷ luật, trừ lương, đuổi việc.

“Do áp lực công việc lên mỗi cán bộ là rất lớn, hàng năm khám chữa bệnh cho cán bộ phát hiện khoảng 10% cán bộ y tế có biểu hiện rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm...), nhiều trường hợp phải nghỉ làm, một số trường hợp chuyển nơi làm việc” - PGS Hải ngậm ngùi.

 img

 Các bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức làm việc liên tục tiếp nhận các ca tai nạn nặng suốt dịp tết.  Ảnh: Diệu Linh  

Đến phòng cấp cứu BV Việt Đức trong dịp tết sẽ hiểu. Các bác sĩ, điều dưỡng quay cuồng trong các ca tai nạn với nhiều cảnh máu me, cơ thể tổn thương vỡ mà bình thường bạn chỉ thấy trong phim kinh dị. Họ phải tranh thủ từng giây để giành giật sự sống trong tay Thần Chết. Bệnh nhân nào tỉnh thì đau đớn la hét, chửi rủa bác sĩ. Người nhà lo lắng, sợ hãi cũng kêu khóc, quát tháo, mắng chửi sỗ sàng bác sĩ. Phải là thần kinh thép và trái tim lớn, các nhân viên y tế mới có thể bình tĩnh cứu chữa người bệnh, kiên trì giảng giải cho người nhà, chống đỡ mọi sự căng thẳng, mệt mỏi tấn công mình từ khắp các phía.

Bác sĩ Phạm Vũ Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số chia sẻ, trong một thăm dò nho nhỏ đối với 45 bác sĩ thì có đến 28 người (hơn 62%) cho biết, họ đã từng trải qua cảm xúc sợ hãi, mệt mỏi, căng thẳng, chán nản trong công việc.

Một trong những mối lo đó là mệt mỏi vì người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thái độ hỗn hào, xúc phạm, thậm chí đe dọa, tấn công.

Do đó, đã đến lúc cần phải có những quy định nghiêm khắc hơn để bảo vệ nhân viên y tế khỏi bạo lực của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Và những người không biết tôn trọng bác sĩ, có lẽ nên bị cấm đến bệnh viện.