Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực thu mua gạo giá cao, song một bộ phận nông dân nước này vẫn không hài lòng với chương trình thu mua gạo sắp trở thành hiện thực. Nhiều nông dân cho rằng, chương trình trợ giá đơn thuần là chưa đủ và muốn Chính phủ giúp giảm chi phí vận chuyển, đặc biệt khi giá nhân công và phân bón đều tăng.
Dù Chính phủ cam kết thu mua gạo trắng với giá 15.000 baht/tấn (khoảng gần 500USD) và thóc Hom Mali (Hương Nhài) với giá 20.000 baht/tấn, song đến nay lượng gạo đăng ký theo chương trình này vẫn rất thấp.
Nông dân ở miền Bắc Thái Lan phải thu hoạch lúa sớm trước khi lũ tràn về. |
Hiệp hội Nông dân Thái Lan đang thúc giục Chính phủ Thái Lan tạo lập một hệ thống hạn ngạch gạo để ngăn những chủ đất sa thải nông dân ra khỏi đất của họ và thuê những người làm công canh tác trên đất đai đó. Phần lớn nông dân Thái Lan không sở hữu đất nông nghiệp để canh tác.
Do đó, với chương trình thu mua gạo giá cao của Chính phủ, nhiều khả năng chủ đất sẽ đòi lại đất canh tác và thuê người làm công để trồng lúa và thu lợi nhuận. Như vậy, lợi nhuận trồng lúa nhờ giá thu mua cao mang lại sẽ không rơi vào tay người nông dân mà rơi vào tay chủ đất. Thậm chí, nông dân nước này còn nghèo đi sau chương trình thu mua của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các nông dân nước này cũng không hài lòng về các chi phí hỗ trợ thiệt hại do lũ lụt của Chính phủ. Theo đó, mỗi nông dân trung bình đầu tư khoảng 23USD/ha nhưng chỉ nhận được 11USD/ha nếu lũ làm thiệt hại diện tích lúa. Chính phủ nhấn mạnh rằng, việc hỗ trợ không thể gánh nổi hoàn toàn thiệt hại của nhà nông.
Nông dân Thái Lan cũng không hài lòng trước thực tế, là nếu nhận hỗ trợ do lũ lụt gây ra thiệt hại thì họ không được phép bán lượng gạo còn lại cho Chính phủ theo chương trình thu mua gạo sắp tới. Điều này nghĩa là nông dân chỉ thu được rất ít lợi ích từ chương trình thu mua tới của Chính phủ Thái Lan.
Chu Vũ