Tên lửa vác vai FN-6 trong biên chế quân đội Trung Quốc.
Tháng trước, một chiến đấu cơ Su-25 Nga bị phe nổi dậy bắn rơi ở tỉnh Idlib, Syria. Có nhiều giả thuyết liên quan đến loại vũ khí bắn rơi chiếc Su-25, bao gồm pháo phòng không, tên lửa vác vai và đáng chú nhất là mẫu tên lửa FN-6 do Trung Quốc sản xuất.
Người đứng đầu Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga, ông Vladimir Shamanov khi đó nói chiếc Su-25 đã bị tấn công bằng tên lửa vác vai tầm nhiệt.
Truyền thông Nga dẫn lời ông Vladimir Shamanov nói: "Quỹ đạo rơi của máy bay cho thấy động cơ bên phải của nó đã bốc cháy. Điều đó có nghĩa là tên lửa tầm nhiệt đã bắn trúng động cơ".
Loại tên lửa vác vai (MANPAD) này xuất hiện ở Syria từ năm 2013 và đã gây nhiều tổn thất cho trực thăng, chiến đấu cơ Nga và Syria.
Tên lửa vác vai thành công nhất của Trung Quốc
Tên lửa vác vai FN-6 lần đầu xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2000. Mẫu tên lửa vác vai thế hệ ba của Trung Quốc có nhiều ưu thế như sát thương cao, tính năng chiến đấu hiệu quả, lại nhỏ gọn rất linh hoạt trên chiến trường.
FN-6 thường được dùng trong các nhiệm vụ bảo vệ đơn vị, phương tiện và vũ khí trước trực thăng, máy bay tầm thấp, phương tiện bay không người lái của đối phương.
FN-6 có trọng lượng 16 kg. Đạn tên lửa dài 1,49m; đường kính 72mm và nặng 10,77 kg.
Tên lửa đã chứng minh năng lực chiến đấu trên chiến trường.
Tên lửa được trang bị động cơ phản lực rắn một giai đoạn, cho phép nó đạt tốc độ 360m/s khi bám đuổi mục tiêu. Tầm hoạt động của tên lửa từ 500m-6km và tầm cao 15m-3,5km.
Tên lửa FN-6 hoạt động theo nguyên lý bắn và quên, tự dẫn đường bằng hồng ngoại. Tên lửa được thiết kế để nhận dạng năng lượng hồng ngoại và tự nhắm vào những bề mặt có nhiệt độ cực cao của máy bay.
Trong quá trình tìm kiếm mục tiêu, FN-6 không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mặt trời, mây, khí quyển hay các vật thể khác trên mặt đất.
Giới phân tích cho rằng FN-6 được trang bị đầu dò hồng ngoại điện tử, có khả năng kháng nhiễu cao và khó bị mồi bẫy đánh lừa. FN-6 này cũng được trang bị hệ thống IFF, tương tự mẫu AN/PPX-1 trên tên lửa Stinger của Mỹ để nhận dạng địch-ta. FN-6 có tỷ lệ diệt mục tiêu khoảng 70%.
Thử lửa trên chiến trường Iraq và Syria
FN-6 thực chiến lần đầu tiên vào năm 2013, trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Syria. Tháng 2 cùng năm, đoạn video đăng tải trên internet, cho thấy phe nổi dậy sử dụng tên lửa FN-6 ở tỉnh Deir Ezzor. Ngày 25.2, một chiếc trực thăng Mi-8 bị tên lửa FN-6 bắn rơi gần căn cứ không quân Menagh, tỉnh Aleppo.
FN-6 trong tay phe nổi dậy Syria.
Tờ New York Times khi đó đưa tin, Qatar cung cấp cho phe nổi dậy Syria tên lửa FN-6 thông qua Sudan. Một số tên lửa FN-6 còn rơi vào tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi phe nổi dậy tháo chạy.
Tuy vậy, việc xác định nguồn cung cấp là rất khó vì số hiệu, số seri của tên lửa đều bị che phủ hoặc làm mờ.
Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay lập tức ca ngợi năng lực chiến đấu của tên lửa FN-6.
“Vụ bắn rơi trực thăng Syria cho thấy tên lửa FN-6 rất tốt và dễ sử dụng. Ngay cả các tay súng Syria không được qua đào tạo bài bản cũng có thể khai hỏa tên lửa”, Thời báo Hoàn Cầu viết. “Thông tin này rõ ràng tăng cường quả bá hình ảnh và giúp mở rộng thị trường vũ khí Trung Quốc ra nước ngoài”.
Trung Quốc khá hài lòng về độ tin cậy của tên lửa FN-6.
Tuy vậy, báo Mỹ New York Times dẫn lời một chỉ huy phe nổi dậy, nói FN-6 không phải lúc nào cũng hoạt động một cách hoàn hảo. Tên lửa nhiều lần bị kẹt không khai hỏa hoặc không khóa được mục tiêu. Ít nhất hai vụ nổ tên lửa khi đang sử dụng, khiến 2 tay súng nổi dậy thiệt mạng và 4 người khác bị thương.
Ngày 5.3.2013, một trực thăng khác của quân đội Syria bị tên lửa FN-6 bắn rơi gần sân bay Aleppo. 5 tháng sau, FN-6 lần đầu tiên bắn rơi một chiến đấu cơ do Nga sản xuất. Nạn nhân là chiếc MiG-21 bị rơi ở tỉnh Latakia. Phi công khi đó may mắn kịp nhảy dù ra ngoài.
Phiến quân Hồi giáo IS cũng từng sử dụng tên lửa FN-6 để bắn rơi trực thăng tấn công Mil Mi-35 của quân đội Iraq, trong cuộc tổng tiến công năm 2014. Hai phi công lái trực thăng trinh sát Bell 407 cũng bị trúng đạn tên lửa FN-6 vào ngày 8.10.
Có thể nói, tên lửa vác vai FN-6 đã chứng minh bước tiến đột phá trong công nghệ quốc phòng của Trung Quốc, sánh ngang với tên lửa Stinger của Mỹ hay Igla của Nga.
Máy bay không người lái CH-4B của Trung Quốc hoạt động trong biên chế quân đội Iraq đã giành được thành tựu lớn, với...