Việc phát triển cây dược liệu tại địa phương được thực hiện với cơ chế gắn nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nông dân trên cơ sở sản xuất, tiêu thụ khép kín, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Anh Hà Ngọc Thanh ở khu Đồng Dân, xã Đồng Thịnh cho biết: Gia đình tôi chọn trên 4.000m2 đất vườn đồi thích hợp trồng nghệ, cày xới thật kỹ trước khi lên luống. Củ giống được tách, giâm vào cát ẩm để chóng nảy mầm, trồng từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4. Kết quả, năng suất cây nghệ đạt 16 tấn/0,4ha, trừ chi phí cho thu gần 40 triệu đồng.
Nghệ đỏ cho năng suất trung bình 25 tấn/ha, giúp nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng. ảnh: Quỳnh Anh
Theo ông Lương Văn Doanh - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Sơn Thủy, xã Đồng Thịnh, năm 2017 HTX triển khai trồng thử nghiệm cây nghệ đỏ bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và của HTX với quy mô 6ha tại 5 xã: Ngọc Đồng, Đồng Thịnh, Hưng Long, Thượng Long, Mỹ Lung. Có 3 đơn vị chuyên sản xuất dược liệu đã ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm ổn định trong 5 năm (2017 - 2021) với diện tích từ 20 - 50ha. Nghệ khô được chế biến từ củ tươi rửa sạch thái lát mỏng, phơi, sấy trong 2 - 3 ngày, đựng trong túi nylon ngoài bọc bao tải buộc kín miệng, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Tuy đầu tư ban đầu lớn (khoảng 90 triệu đồng/ha) nhưng cây nghệ trồng tập trung ở đất ruộng, soi bãi, vườn, đồi, ít bị nhiễm bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, năng suất, thu nhập trên một đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa, ngô, lạc, có thể trồng xen nghệ dưới tán cây trồng lâu năm, xen canh cây lạc trên diện tích trồng nghệ... Năng suất trung bình nghệ đỏ đạt 25 tấn/ha, với giá thu mua hiện nay 8.000 đồng/kg, trừ chi phí còn cho lãi khoảng 100 triệu đồng/ha…/.