Dân Việt

Tp.HCM: Công khai nơi cung cấp để người dân lựa chọn thực phẩm sạch

Bảo Anh 02/03/2018 18:48 GMT+7
Sau gần một năm thí điểm thành lập ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, người dân vẫn chưa an tâm với miếng ăn hàng ngày, trong khi các doanh nghiệp còn đắn đo với môi trường kinh doanh sạch, bẩn lẫn lộn.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng ban quản lý, thời gian qua, ban đã có nhiều nỗ lực xây dựng chương trình kiểm soát, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thực phẩm lành mạnh, tuy nhiên chưa đạt mong muốn kỳ vọng của người tiêu dùng, doanh nghiệp.

“Bà Lan cũng nêu ra nhiều nguyên nhân về cơ chế đang “trói buộc” nhiệm vụ của ban. Thứ nhất, đó là những quy định hành lang pháp lý vẫn như cũ, không có gì mới. Lực lượng thanh tra, thậm chí tệ hơn. Trước đây, nếu là thanh tra sở, áp dụng mô hình thanh tra nhà nước, thanh tra viên có thẻ thanh tra có quyền xử phạt tại chỗ. Còn đối với ban hiện nay, TP.HCM cũng đề xuất mô hình giống như của các sở ngành, nhưng Thanh tra Chính phủ không đồng ý, chỉ cho phép thành lập thanh tra chuyên ngành, tức là giống như thanh tra của cấp chi cục hiện nay. Theo mô hình thanh tra chi cục, ban vẫn có quyền xử phạt nhưng phải chuyển về cho trưởng ban ký quyết định. Chánh thanh tra cũng không có quyền ký phạt. “Quy định như vậy chẳng khác nào trói tay, trói chân”, bà Lan tâm sự.

Bà Lan cũng băn khoăn về việc phối hợp với các sở ngành trong quản lý thực phẩm còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Ban đã thành lập gần một năm, nhưng người dân và doanh nghiệp chưa thấy nhiều chuyển biến ở thị trường thực phẩm?

Đánh giá như vậy cũng chưa hoàn toàn đầy đủ. Dù chúng tôi chưa nhận được nhiều cơ chế để làm việc, nhưng ban đã có nhiều nỗ lực. Tôi lấy một ví dụ nhỏ, ban đã làm việc với sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM để thiết lập chương trình rà soát, chấn chỉnh lại bếp ăn tập thể trong các trường học. Ngoài ra, ban cũng quy định tất cả các nguồn thực phẩm cung ứng vào đây phải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay chuẩn hội nhập… Tức là các tiêu chuẩn này phải cao hơn mức đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Giáo dục đã chọn thí điểm quận 3, quận 5 từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Thời gian qua, chúng tôi tiếp xúc nhiều doanh nghiệp làm sạch, làm chuỗi thực phẩm, nhưng họ phản ánh không thể chen chân vào được các bếp ăn nhà trường. Ngay đầu năm 2018, chúng tôi công khai danh sách nhà cung ứng thực phẩm cho các trường trên địa bàn TP.HCM để phụ huynh ra sức ép lại với trường. Chính các phụ huynh sẽ chất vấn nhà trường tại sao đóng tiền như vậy mà lại mua thực phẩm có chất lượng tối thiểu?

img

Có những trường bản trú cho phép học sinh mang cơm trưa theo.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều nhà hàng, khách sạn, có cả khách sạn 5 sao vẫn ra chợ đầu mối mua hàng ở các sạp chưa có giấy phép, chưa có giấy an toàn vệ sinh thực phẩm, không chứng minh được nguồn gốc. Họ mua vì rẻ. Chúng tôi yêu cầu tất cả các nơi này phải công khai nguồn gốc thực phẩm để khách hàng lựa chọn.

Đối với siêu thị, ban cũng đã họp và yêu cầu báo cáo một ngày kiểm nghiệm bao nhiêu mẫu, sau đó công khai quy trình kiểm soát chất lượng để người dân biết. Với mô hình chợ truyền thống, ban đang thực hiện giám sát nguồn cung cấp tại các chợ đầu mối. Chúng tôi đang phải làm từng bước một, như chương trình truy xuất thịt heo, đây cũng là một cách áp dụng chuẩn riêng của TP.HCM. Thời gian qua, chương trình này còn làm dàn trải, hình thức nên ban đã kiến nghị UBND TP.HCM chuyển về cho ban quản lý. Ngoài ra, ban cũng kiến nghị sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao hoạt động giết mổ để ban quản lý theo đúng chức năng được giao từ khi thành lập ban. Ban đề nghị được theo dõi, giám sát tất cả hệ thống lò mổ trên địa bàn thành phố qua hệ thống camera. Rất tiếc đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo.

Được biết ban đang nỗ lực xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, tuy nhiên môi trường kinh doanh sạch bẩn vẫn còn lẫn lộn, doanh nghiệp chưa thể an tâm đầu tư?

Chúng tôi đang đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm bẩn để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Chẳng hạn như chương trình giám sát nguồn cung cấp tại các bếp ăn công nghiệp, nhà trường để các doanh nghệp đủ tiêu chuẩn có cơ hội tiếp cận. Đồng thời, ban tuyên truyền cho người dân hiểu thêm về thực phẩm sạch. Bên cạnh các biện pháp quản lý, người dân phải tự ý thức được không nên mua bán thực phẩm ở nơi không có kiểm soát, không có nguồn gốc. Riêng giải pháp quản lý miếng thịt, khi nhà máy giết mổ hoạt động, chúng tôi sẽ tiến hành chọn một số chợ làm thí điểm, nghĩa là thịt giết mổ sẽ vận chuyển thẳng từ nhà máy ra thị trường. Thịt phải có bao bì, bán trong các tủ mát.              

Bảo Anh thực hiện