Dân Việt

Cơ hội "vàng" để nông dân Việt Nam trồng lúa Nhật tại chỗ

Trồng lúa Nhật tại chỗ lợi hơn nhập khẩu rất nhiều.

Nông gia trồng lúa của Nhật đang đầu tư mạo hiểm vào một số phần còn lại của châu Á để trồng lúa Nhật ngay tại chỗ. Với số lượng các nhà hàng ngày càng nhiều ở khắp vùng, nông gia Nhật đang hợp tác với nông dân địa phương để ứng dụng chuyên môn của họ với mục tiêu giúp thương hiệu mạnh của lúa Nhật mạnh hơn nữa, trong đó có Việt Nam.

Xu hướng giúp cho dân địa phương nếm trải loại gạo Nhật chất lượng cao mà không phải trả giá trên trời như các loại gạo Nhật nhập khẩu. Hồi giữa tháng 11, Ofukuro Tei, một nhà hàng Nhật ở Hà Nội, bắt đầu bán gạo trồng ở Việt Nam, nhưng được phát triển bởi hãng gạo Nhật Ajichi Farm. Ba loại gạo – Akisakari, Koshihikari và Hanaechizen – được bán khoảng 100.000 đồng/2kg, không đầy một nửa các loại gạo nhập, theo Nikkei Asian Review.

img

Seibu Kaihatsu Nosan, chủ tịch Koichi Terui, hướng dẫn Phan Thị Hòa canh tác lúa Hitomebore một giống lúa cho gạo ngon của Nhật Bản tại Bình Giang, Hải Dương. Ảnh:TL

Ajichi Farm, gốc ở hạt Fukui, bắt đầu trồng thử nghiệm hồi mùa xuân năm ngoái, rồi thành lập Inakaya, một liên doanh mạo hiểm với một công ty nông nghiệp vào mùa thu. Công ty tiến hành canh tác lúa ở Nam Định. Do nhiệt độ ở đó cao hơn ở Nhật, công ty quyết định trồng hai vụ vào tháng 2 đến tháng 6 và tháng 6 đến tháng 11. Công ty cũng chọn các giống thích nghi như Koshihikari. Inakaya thuê một cơ sở địa phương của đối tác để sấy và chà bóng gạo.

Takenori Ito, CEO của Ajichi Farm gần như tháng nào cũng sang Việt Nam để bảo đảm việc quản lý đất đai chặt chẽ và ứng dụng các công nghệ trồng trọt khác. Công ty cũng đưa các nhà quản lý người Việt thăm các cánh đồng lúa ở Fukui. Ajichi Farm gặp phải một số vấn đề như hạt lúa không phát triển đúng yêu cầu do sự khác biệt thời tiết giữa Việt Nam và Nhật.

Theo Ito, đó không phải là vấn đề không thể khắc phục, và ông nhận xét, “Nông dân địa phương biết cách trồng lúa, nên chúng tôi có thể [giúp họ] trồng các giống lúa Nhật”, Nikkei dẫn lời ông Ito.

Khởi đầu hồi hè năm ngoái, Ajichi Farm tăng diện tích gieo trồng từ 1,5ha lên 10ha và bắt đầu bán sản phẩm tại Việt Nam. “Chúng tôi muốn đánh vào thị trường Việt Nam bằng thương hiệu mạnh của gạo Nhật”, Ito nói. Mục tiêu của công ty là đạt sản lượng hàng năm 10.000 tấn và doanh thu là 4.000 tỷ đồng.

Sự phổ biến của món ăn Nhật đã thúc đẩy các công ty nông nghiệp và các công ty chế biến Nhật đẩy mạnh sản lượng gạo tại các nước châu Á khác. Có khoảng 69.300 nhà hàng Nhật ở châu Á trong năm 2017, tăng 50% so với năm 2015, theo dữ liệu từ bộ Nông lâm nghiệp và thuỷ sản.

“Gạo của Ajichi Farm rẻ hơn và ngon hơn so với gạo nhập từ Nhật”, Keiichi Miyata, chủ tịch nhà hàng Ofukuro Tei, cho biết. “Chúng tôi sẽ phục vụ cơm gạo Nhật tại nhà hàng chúng tôi nếu chúng tôi có thể mua số lượng lớn”.

Các khu vực trồng lúa ở Nhật đang tăng cường xuất khẩu dưới sự bảo trợ của Chính phủ Nhật. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nơi chi phí vận chuyển và thuế quan cao, gạo nhập từ Nhật mắc gấp 4 – 5 lần so với gạo trồng tại địa phương. Hơn nữa, việc kiểm dịch cho gạo nhập gặp phải một số khó khăn ở một số nước.

“Không đủ gạo Nhật để phục vụ nhu cầu đang bùng phát từ các nhà hàng Nhật trên khắp thế giới”, Shoichi Ito, giáo sư đại học Kyushu, Nhật, nói. “Trồng lúa ở hải ngoại đang trở thành một chọn lựa hấp dẫn đối với các nông gia Nhật, nhưng lại không đủ thông tin để các nông gia theo đuổi kịp”.

Tại một khu phức hợp công nghiệp gần Manila, Philippines, loại gạo protein thấp Echigo đang được sản xuất cho người mắc bệnh thận. Gạo có tỷ lệ protein thấp hơn 10% so với gạo thường. Hãng sản xuất là Biotech Japan, hạt Niigata. CEO Kiyosada Egawa đích thân sang tận Philippines để giám sát dự án.

“Số lượng người mắc bệnh thận ở châu Á phải hạn chế dung nạ̣p protein đang ngày càng tăng. Thành thử thị trường dành cho sản phẩm của chúng tôi đang phát triển nhanh”, ông nói. Công ty dự định xuất khẩu sản phẩm sang Thái và các nước khác. “Có một nhu cầu to lớn ở Đông Nam Á, nơi mà môi trường y tế khác với Nhật và không có sẵn gạo protein thấp”, Egawa nói.

Người châu Á ăn nhiều gạo hơn người Nhật. Khởi đầu từ năm nay, công ty bán sỉ Ask gốc Yamagata và các công ty khác sẽ ký hợp đồng với nông gia Ấn Độ để trồng lúa, vì cho rằng nhu cầu sẽ tăng, do chế độ ăn uống được đa dạng hoá khi cuộc sống của người châu Á được cải thiện. Yamazaki Rice ở hạt Saitama gần Tokyo, đang xúc tiến đối tác với một công ty nông nghiệp Trung Quốc để trồng đại trà ở tại đây ngay từ đầu năm nay.

“Phần còn lại của châu Á có doanh số tiềm năng lớn về gạo và bột gạo so với Nhật, nơi việc tiêu thụ gạo èo uột”, Ito nói.