Không lâu sau ngày bước chân vào giới xã hội đen, tên tuổi của Hải “Bánh” (tên khai sinh: Nguyễn Tuấn Hải, SN 1967) đã vang lừng khắp chốn giang hồ từ Bắc vào Nam.
Những năm 90 của thế kỷ trước, sự liều lĩnh và “chất chơi” của Hải đã khiến các trùm “đao búa” đình đám như Khánh “Trắng”, Dung “Hà”, Năm Cam cũng phải kiêng nể, dè chừng. Ít người biết, Hải “Bánh” từng có 1 thời gian “đầu quân” cho ông trùm chợ Đồng Xuân.
Hải Bánh kể chuyện về đàn anh Khánh “Trắng”.
Tuổi thơ lăn lộn nơi phố cổ
Thuở đó, người ta gọi Hà Nội là vùng “đất thánh” vì ở đây có điện, có đường nhựa, nước máy, có những con phố mang màu sắc đô thị hiện đại với tàu điện, xích lô, xe cub 50, xe babetta.
Mẹ Hải “Bánh” có quán bán nước chè ở trước nhà. Tuổi thơ của Hải gắn liền với gánh hàng nước ấy nên cũng đồng thời phải chứng kiến những sự ma mãnh, manh động và liều lĩnh của các băng nhóm giang hồ Hà thành.
Phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm), nơi Hải sinh ra và lớn lên kéo dài từ phố Phan Đình Phùng (cạnh vườn hoa Hàng Đậu) tới phố Hàng Gà. Đoạn đầu phố, tuy không dài nhưng lại có nhiều nhà lớn kiểu biệt thự được xây dựng vào thời Pháp từng thuộc sở hữu của giới nhà giàu. Còn đoạn cuối phố, từ Cầu Sắt đến ngã tư Hàng Gà - Hàng Vải là một con phố cũ của tầng lớp bình dân, tất cả đều nhỏ hẹp và cũ kỹ.
Cha mẹ Hải có 10 người con, trên Hải có 5 anh chị, dưới có 4 em. So với các gia đình khác trong phố thời bấy giờ thì gia đình Hải thuộc dạng nghèo khó, cả gia đình mười mấy người phải sống chen chúc trong một căn gác rộng chưa đầy 30m2.
Cha Hải rất khỏe mạnh và vạm vỡ, đặc biệt yêu thương vợ con. Ông đã làm qua nhiều nghề và sau này thì gắn bó hẳn với nghề gò hàn xích lô. Do sức khỏe có phần suy yếu, lại thêm đi buôn gặp rủi ro nên mẹ Hải quyết định mở quán bán hàng nước ngay trước hiên nhà.
Gọi là quán nhưng chỉ có vài ba chai nước, vài gói kẹo, dăm gói thuốc lào và đặc biệt là có ấm chè bán cho những người dân lao động nghèo khổ.
Trong đám khách quen thuộc không chỉ có ông xe ôm, khách lỡ đường, người đi buôn mà còn có những gã nghiện xì ke, kẻ lười lao động, đặc biệt là những kẻ đầu gấu có máu mặt ở quanh khu vực.
Thời bấy giờ, giới xã hội đen ở đây vẫn hoạt động theo kiểu độc lập, phân khu, mỗi vùng lại có những băng khác nhau cát cứ giờ như băng KT (cát cứ khu vực Khâm Thiên), băng Hoa Quả Sơn (khu vực Cửa Bắc), băng Cò Ỉa (khu vực Hòe Nhai), băng Cửa Tử (khu vực Lò Đúc) và băng Tam Giác Quỷ.
Trong quá trình hoạt động, các băng đảng ấy không tránh khỏi có sự đấu đá, thanh trừng lẫn nhau. “Còn nhớ cái lần đầu tận mắt chứng kiến cảnh các băng đảng chém giết lẫn nhau, tôi đã sợ tái mặt. Tuy nhiên về sau cứ phải bất đắc dĩ chứng kiến mãi chuyện đó nên dần dần tôi thấy bình thường và rồi tôi cũng lì lợm hơn”, Hải “Bánh” kể.
Từ mộng ước thể thao đến sa chân bùn lầy
Lên 9-10 tuổi, do ham thích thể thao nên Hải xin cha mẹ cho vào học ngành Thể dục dụng cụ, Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội. Hải vô cùng yêu thích môn này nên đã cố gắng siêng năng luyện tập cho thật tốt.
Thầy giáo nói Hải là sự hòa quyện của các yếu tố nhanh, mạnh, bền, dẻo nên có thể tiến xa trong Thể dục dụng cụ, một môn thể thao rất kén người chơi và đòi hỏi sự đào tạo kỳ công nhất, lâu nhất, tốn kém nhất. Sau mỗi buổi luyện tập, Hải lại trở về nhà ngồi xem cha hàn khung xích lô.
Cha Hải là người rất nghiêm khắc, anh em Hải chỉ cần phạm một lỗi nhỏ là ông vác gậy ra “dạy” ngay. Về sau, người cha chỉ bảo và hướng dẫn cho Hải vào nghề gò hàn khung xích lô để nếu mai sau có “sa cơ lỡ vận” thì còn có cái mà nghề mà mưu sinh.
Bên cạnh việc học Thể dục dụng cụ và học nghề gò hàn khung xe, lớn lên chút nữa, Hải còn tranh thủ những khoảng thời gian trống trong ngày để đi học võ. Hải “Bánh” thổ lộ: “Thầy dạy võ rất quý tôi, ông đã “dốc gan ruột” ra truyền dạy cho tôi tận tình về các lối luyện công, các đường quyền cước lợi hại. Thầy muốn tôi đạt tới cái tinh trong võ thuật, nhưng tôi không ngộ ra mặt tích cực của võ đạo. Vì thế, cuối cùng thầy bảo rằng nếu tôi không thay đổi thì người học võ như tôi sẽ bị rơi vào cuồng vọng mà gây tai họa cho người khác”.
Mỗi lần quán nước trước nhà bị các băng đảng quậy phá, thấy ánh mắt mẹ rất buồn. Càng thương mẹ bao nhiêu, Hải càng căm thù bọn xã hội đen bấy nhiêu. Có thù không trả thì không phải là quân tử, nhưng phải làm gì để trừng trị bọn côn đồ này?
Nghĩ đi nghĩ lại, Hải thấy để làm được việc đó thì không có cách nào khác, Hải phải trở thành đại ca, phải mạnh hơn những kẻ mạnh thì mới “xử” chúng được.
Về dưới trướng “anh Khánh”
Cạnh nhà Hải có rạp chiếu phim Đại Đồng, gần đó còn có chợ xe Phùng Hưng, chợ Đồng Xuân và ga Hàng Đậu.
Ngoài “nghiệp đoàn bốc vác” của ông trùm Khánh “Trắng” thì những băng móc túi thường xuyên hoạt động lén lút ở những khu vực này. Một lần đang đi cùng đám đàn em, Hải bắt gặp một kẻ móc túi một bà cụ.
Chẳng kịp suy nghĩ gì, Hải vội lao theo tên “đạo chích” đang luồn lách giữa đám đông hòng tẩu thoát. Khi gần rượt kịp nó thì Hải bị hai đối tượng khác đột ngột chặn đường, sau đó cả ba tên hung hãn lao vào Hải như một bầy thú dữ.
Lần đó, Hải dạy cho cả 3 tên 1 bài học nhớ đời. Em trai Hải “Bánh” cũng cầm đầu một đám du thủ, du thực, có biệt danh là Long “Máy Chém”.
Là anh của Long và là đàn anh của nhiều đứa em xã hội khác, mỗi khi lâm trận Hải “Bánh” thường vào cuộc trước vì biết võ, còn nếu phe mình thất thế thì Hải luôn ở lại chặn hậu cho đám đàn em rút lui. Sau những chiến tích bất hảo không có điểm dừng đó, Hải được đám đàn em suy tôn làm “đại ca” của băng.
Sau ngày “xộ khám”
Hỏa Lò vì 1 trận ẩu đả, Hải vẫn chưa thể tỉnh ngộ mà vẫn trượt dài trong “thế giới ngầm”. Với quân số đông, bằng kinh nghiệm, sự lanh trí, Hải nhanh chóng gây dựng được “đế chế” riêng của mình. Lúc này ngoài việc cho anh em đứng ra thu tiền bảo kê của nhóm móc túi ở chợ Đồng Xuân, Hải còn mở rộng sang các hoạt động bảo kê và đâm thuê, chém mướn khác.
Triệu “Con” vừa ra tù, nghe nói về thanh thế của băng nhóm Hải “Bánh” cũng xin được đầu quân. Triệu được Hải phân cho nó chỉ huy các băng nhóm móc túi, trộm cắp ở bến Nứa. Có tiền, Hải còn thu phục thêm nhiều chiến binh giang hồ có số ở Hà thành như Hải “Lớ”, Hải “Hấp”, Hưng “Chùa”, Phát “Lợn”.
Số tiền thu được từ các hoạt động “đen” cũng vì thế mà ngày một nhiều hơn. Sau 2 năm thụ án tại Trại giam T16, Hải lần nữa được trả tự do. Trước khi được tha tù, Hải luôn nung nấu ý đồ khôi phục lại địa vị giang hồ và “đế chế tiền bẩn” của mình.
Tiếc rằng tình thế đã thay đổi. Tuy nhiên, việc Hải tái xuất giang hồ vẫn khiến cho đám ông trùm sừng sỏ ở Hà Nội phải dè chừng. “Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tình thế và sự nể nang trong giới giang hồ nên giai đoạn đó tôi đã chấp nhận kìm lại mình, về dưới trướng của đàn anh Khánh “Trắng” để chờ đợi thời cơ”, Hải “Bánh” tâm sự.
“Thực lòng thì tôi rất phục Khánh “Trắng” vì tài thu phục đàn em và khả năng liên kết các băng nhóm nhỏ lẻ thành băng nhóm có quy mô lớn. Các hoạt động bảo kê, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê đều được Khánh tổ chức rất chuyên nghiệp. Bằng các thủ đoạn..., hàng tháng Khánh có thể thu về lợi tức khổng lồ”, Hải “Bánh” chia sẻ khi đang thụ án ở trại Xuân Lộc (Đồng Nai).
Hải “Bánh” chỉ đầu quân cho Khánh “Trắng” thời gian ngắn rồi về dưới trướng Dung “Hà”. Do băng nhóm phình quá nhanh nên kỷ luật nội bộ của băng Khánh “Trắng” cũng bị xem nhẹ, đám đàn em trở nên dữ dằn, hống hách và hành động vô cùng khinh suất, bất chấp pháp luật.
Những bước đi của Khánh càng ngày càng lộ liễu và “hở sườn”. Những điều này báo hiệu sự sụp đổ của một “đế chế đen” ở khu vực Đồng Xuân...