Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lâm Đồng, cũng là người tâm huyết, chủ nhân ý tưởng xây dựng mô hình thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao tại trường.
Theo cô Hồng, đặc thù của trường dân tộc nội trú là ngoài việc dạy kiến thức cho các em, thì việc dạy kỹ năng cũng rất được chú trọng, quan tâm. Do vậy từ hè năm học 2016 - 2017, nhà trường đã có ý tưởng thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Từ một bãi đất bỏ trống 500m2 sau trường, Ban Giám hiệu nhà trường đã huy động các em học sinh và giáo viên san lấp, xây dựng mô hình trồng rau, tự cung cấp trong trường. Ban đầu do chưa có điều kiện để làm nhà kính, đồng thời giao cho các em học sinh quản lý nên không đạt hiệu quả.
500m2 nhà kính trồng hoa cát tường của thầy trò Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.
Đầu năm học 2017 – 2018, cô Hồng nhận thấy trồng rau theo cách truyền thống không hiệu quả nên đã lên ý tưởng chuyển sang sản xuất theo hướng công nghệ cao để có năng suất, hiệu quả cao hơn. Khi thực hiện, Ban Giám hiệu nhà trường đã vay bên ngoài khoảng 160 triệu đồng để làm nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và mô hình trồng rau thủy canh.
Hiện nay, với 500m2 trồng 20 nghìn cây hoa cát tường áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sẽ cho thu hoạch vụ đầu vào dịp 30.4 tới và mô hình trồng rau thủy canh của trường đang phát huy được hiệu quả. Em Dạ Gút Phương, học sinh lớp 11B, một học sinh giỏi toàn diện của trường cho biết: “Em chưa được tiếp cận cách làm nông nghiệp công nghệ cao như thế này bao giờ, nên sau những buổi học chúng em đều xuống đây để chăm sóc cây, không xuống là thấy rất nhớ vườn. Em thấy mô hình này rất bổ ích vì sau những giờ học trên lớp, chúng em có thể thực hành ngay tại vườn, không phải đến các nhà vườn để tham quan mà không biết được các giai đoạn phát triển của cây”.
Mô hình trồng rau thủy canh của cô Hồng và học sinh trong trường. Ảnh: Văn Long.
Còn em Thạch Qui (dân tộc K’Ho, lớp 10E) cho rằng: “Mô hình này rất ý nghĩa, vì chúng em được tận tay làm ra sản phẩm, chắc chắn sau này khi về địa phương của mình, nếu có điều kiện chúng em cũng sẽ thực hiện những mô hình thế này để phát triển kinh tế gia đình”.
Các loại rau ở mô hình này chủ yếu là xà lách, xà lách xoăn, cải thìa, cải ngọt v.v... Sau khi thu hoạch, "thị trường" tiêu thụ của các em học sinh là... thầy cô trong, ngoài trường để duy trì kinh tế, phát triển mô hình. Như thế mô hình trồng rau công nghệ cao xem như đã thành công, hiện nay cô Hồng đang hy vọng nhất vào lứa hoa cát tường sắp tới, bởi đây là nguồn thu chính của mô hình. Vì vậy thầy trò trong trường rất chú trọng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi chăm sóc hoa.
Cô Hồng cũng thông tin, nhà trường đã ký hợp đồng với một công ty rau hoa, doanh nghiệp này thường xuyên cho kỹ thuật viên đến hướng dẫn quy trình sản xuất cho giáo viên và học sinh.
Sau những giờ học trên lớp, học sinh sẽ được cô Hồng hướng dẫn chăm sóc rau tại vườn. Ảnh: Văn Long.
Không những giỏi thực hành, các em học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng còn rất giỏi khi học trên lớp. Trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, trường có 13 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở các môn văn, lịch sử, địa lý... Được bồi dưỡng cả về kiến thức lẫn kỹ năng trong cuộc sống, các em sẽ vững tin hơn khi bước vào đại học, các trường nghề hoặc trở về địa phương phát triển kinh tế trong tương lai.
Từ những thành công bước đầu, cô Hồng cho biết trong năm học này, cô đang nghiên cứu chuyển đổi hướng giáo dục từ dạy kiến thức đơn thuần sang kết hợp dạy kiến thức với sản xuất, kinh doanh.