Dân Việt

Cuộc chiến Syria: Nhói lòng cảnh phụ nữ phải đổi tình lấy thức ăn 

Phương Đăng (theo BBC) 05/03/2018 19:30 GMT+7
Cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm chưa dứt ở Syria đẩy nhiều phận đời ở đất nước này vào cảnh bi đát cùng cực, trong đó bao gồm những phụ nữ phải chấp nhận đánh đổi thân xác để có thức ăn, nhu yếu phẩm cấp thiết hàng ngày... 

Không dám nhận viện trợ vì sợ phải trao thân

Theo đài BBC, tình trạng phụ nữ và các bé gái ở Syria bị bóc lột, lạm dụng tình dục bởi những người phân phối hàng cứu trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các tổ chức từ thiện quốc tế phổ biến đến mức một số phụ nữ Syria từ chối đi đến các trung tâm phân phối hàng cứu trợ vì sợ người ta nghĩ rằng họ phải trao thân để đổi lấy đồ mang về nhà.

Một nhân viên cứu trợ tiết lộ với hãng tin BBC rằng, một số tổ chức nhân đạo đã "mắt nhắm mắt mở" trước nạn đổi tình lấy cứu trợ trên vì việc tận dụng sự hỗ trợ của bên thứ 3 và quan chức địa phương là cách duy nhất để đưa hàng cứu trợ vào những vùng nguy hiểm mà các nhân viên nước ngoài không thể tiếp cận. 

img

Một phụ Syria vác trên vai 2 thùng hàng cứu trợ 

Mặc dù việc đổi tình lấy cứu trợ đã được cảnh báo 3 năm trước đây, nhưng một báo cáo mới cho thấy vấn nạn tồi tệ đó vẫn đang tiếp diễn ở miền Nam Syria.

Báo cáo có tựa đề "Những tiếng nói từ Syria 2018" của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho biết, một số phụ nữ, cô gái trẻ buộc phải kết hôn với các quan chức trong một khoảng thời gian ngắn để được nhận những bữa ăn.

Còn những người phân phối hàng cứu trợ thì xin số điện thoại của những phụ nữ trẻ, bảo họ về nhà để lấy hàng cứu trợ rồi ép phải trao thân với được nhận hàng.

Cũng theo báo cáo của UNFPA, những phụ nữ và trẻ em gái nào không có đàn ông bảo vệ, như người góa chồng, đã ly hôn và phải đi sơ tán là những người dễ bị bóc lột tình dục hơn cả.

Những trường hợp phụ nữ bị bóc lột tình dục đầu tiên được ghi nhận vào tháng 3.2015. Các nạn nhân là một nhóm phụ nữ Syria chạy tị nạn ở Jordan.

"Nạn bóc lột và lạm dụng tình dục phụ nữ cũng như trẻ em gái đã bị ngó lơ. Vấn nạn này đã được biết đến nhưng bị ngó lơ trong 7 năm qua", bà Danielle Spencer, một cố vấn nhân đạo làm việc cho một tổ chức từ thiện chia sẻ.

Giới chức trách nói gì?

img

Nội chiến đã kéo dài suốt 7 năm qua ở Syria và hiện vẫn chưa chấm dứt...

Các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức từ thiện tuyên bố, họ không dung thứ cho vấn nạn phải đổi tình để lấy viện trợ.  

Trước đó, sau cuộc họp được UNPFA tổ chức tại thủ đô Amman - Jordan hôm 15.7.2015, một số cơ quan cứu trợ quốc tế đã siết chặt hoạt động để ngăn vấn nạn trên tiếp diễn nhưng tại nhiều tỉnh Syria, phụ nữ vẫn phải đổi tình để lấy viện trợ.

Theo Reuters, hơn 120 nhân viên các tổ chức từ thiện hàng đầu thế giới bị sa thải trong năm 2017 vì có hành vi tình dục sai trái. Ngoài ra, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tiết lộ 21 nhân viên của họ bị sa thải hoặc từ chức vì cáo buộc tương tự từ năm 2015.

Trong khi đó, LHQ tháng trước cho biết đã nhận được 40 cáo buộc về bóc lột, lạm dụng tình dục trong 3 tháng cuối năm 2017.

Theo phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric, 15 cáo buộc trong số này nhằm vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, 17 vụ liên quan đến các cơ quan, quỹ, chương trình của LHQ trong khi 8 trường hợp nhắm đến các đối tác của tổ chức này. Hầu hết vụ việc đang được điều tra. 

"Điều quan trọng là phải hiểu rằng, việc lạm dụng một ai đó đang cần được hỗ trợ là hành vi đáng khinh", ông  Andrej Mahecic, phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn nhấn mạnh.