Dân Việt

Lừa dân vay tín dụng đen đáo hạn, nhân viên ngân hàng "ôm" 400 triệu bỏ trốn

Lê Kiến 06/03/2018 14:56 GMT+7
Nhận của ông Đông 400 triệu đồng đáo hạn ngân hàng, nhưng sau đó Dũng lại dắt ông Đông đi vay "tín dụng đen" để trả cho ngân hàng, còn số tiền ông Đông đưa thì Dũng ôm đi biệt tích. Trong vụ này, ngân hàng thu hồi được vốn, Dũng lấy 400 triệu đồng, còn người dân thì nợ chồng lên nợ.

Nhận đáo hạn, nhân viên ngân hàng ôm tiền biệt tích

Nhiều tháng nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đông (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồng (57 tuổi), trú ở xã Đắk Trôi, huyện Mang Yang, Gia Lai đứng ngồi không yên, tinh thần suy sụp vì dính nợ nần chồng chất. Sự việc bắt nguồn từ lúc vợ chồng ông Đông gửi 400 triệu đồng cho ông Phan Tất Dũng, nhân viên ngân hàng tại một chi nhánh ở TP Pleiku nhờ đáo hạn một khoản vay. Thế nhưng, sau khi nhận tiền, Dũng nhiều lần thoái thác rồi ôm tiền biệt tăm.

img

Ông Nguyễn Văn Đông suy sụp vì món nợ trao tay 400 triệu đồng

Trao đổi với PV Dân Việt, vợ chồng ông Đông nghẹn ngào, không thốt nên lời. Ông Đông kể, năm 2013 vợ chồng ông vay 290 triệu đồng ở ngân hàng chi nhánh TP Pleiku để lấy vốn làm ăn và quen biết với nhân viên Phan Tất Dũng. Đến 2015, vợ chồng ông mạnh dạn tăng tiền vay lên 600 triệu đồng. Mỗi khi đến hạn trả gốc lẫn lãi đều nhờ Dũng làm hết thủ tục, khi xong việc thì gửi lại “tiền trà nước”. Cũng vì tin tưởng quen biết nhiều năm, vợ chồng ông không ngại “trao tay” cho Dũng hàng trăm triệu đồng nhờ đáo hạn để rồi “tiền mất, tật mang”.

“Tháng 3.2017, mặc dù chưa đến thời điểm đáo hạn nhưng Dũng gọi điện giục vợ chồng tôi vay tiền bên ngoài gửi cho Dũng đi đáo hạn, Dũng nói đáo hạn sớm sẽ được tạo điều kiện vay gói mới với lãi suất ưu đãi. Sau đó, tôi mượn được 400 triệu đồng, còn số tiền gần 200 triệu Dũng nói sẽ đi vay giúp.

Sau đó, Dũng hẹn vợ chồng tôi ra quán cà phê gặp và nhận 400 triệu nói mang đi đáo hạn. Đến hơn nửa tháng sau, Dũng gọi báo không mượn được tiền vì số tiền vay ít người ta không cho vay. Dũng nói vợ chồng tôi phải lên TP Pleiku gặp người phụ nữ tên Hoa để “vay nóng” 600 triệu đồng, đáo hạn xong thì Dũng sẽ trả lại 400 triệu đã nhận. Nhưng đáo hạn xong, Dũng thoái thác không trả, sau đó cắt đứt liên lạc”, ông Đông buồn rầu nói.

img

Giấy mượn tiền viết tay của nhân viên ngân hàng Phan Tất Dũng

Theo ông Đông, sau nhiều lần đòi 400 triệu đồng không được, sợ mất tiền nên vợ chồng ông lên ngân hàng khiếu nại thì Dũng lại hẹn ra quán cà phê viết giấy nhận tiền và điểm chỉ cho ông yên tâm, không kiện lên Ban Giám đốc. Tuy nhiên, khi làm giấy nhận tiền, Dũng lại viết thành “giấy mượn tiền” 400 triệu đồng chứ không phải “giấy nhận tiền để đáo hạn”, ngày nhận 27.3.2017 và hạn trả là 11.5.2017.

“Nhiều tháng nay, vợ chồng tôi túng quẫn lắm, nợ nần chồng chất phải đi vay trả lãi 400 triệu đồng đã đưa cho Dũng đáo hạn, vừa phải trả lãi 600 triệu “vay nóng” của bà Hoa khi đáo hạn ngân hàng. Bí quá, tôi phải đi vay ngoài trả nợ. Đến nay tôi không liên hệ được với Dũng nữa, gia đình đã gửi đơn lên ngân hàng, công an rồi nhưng chưa thấy hồi âm. Vợ chồng già vừa nuôi 3 con ăn học, vừa còng lưng trả nợ ”, ông Đông rưng nước mắt nói.

Ngân hàng chẳng mất gì

 Qua tìm hiểu của PV, không chỉ ông Đông dính “quả lừa” của Dũng, vợ chồng chị Phùng Thị Yến (48 tuổi, ở làng Chúc, xã Kon Thụp, Mang Yang) cùng mang nợ, bị Dũng lừa gần cả 100 triệu đồng. “Do quen biết Dũng khi vay ngân hàng nhiều năm nay nên chồng tôi tin tưởng cho Dũng “mượn ké” 50 triệu đồng từ khoản vay 360 triệu đồng, cộng thêm số tiền lãi suất “vay nóng” và gửi Dũng trả lãi ngân hàng, đến nay Dũng đã ôm của gia đình tôi gần 100 triệu rồi. Nhà tôi giờ khó khăn lắm, tiền đầu tư vườn tược thiếu trước hụt sau, lại nuôi con ăn học nữa”, chị Yến than thở.

img

Chị Phùng Thị Yến cũng dính quả lừa của Dũng ngân hàng

Được biết, cả 2 hộ dân bị Dũng “lừa mượn tiền” đều được Dũng giới thiệu gặp một người phụ nữ tên “Hoa thẹo” tại một quán cà phê gần ngân hàng, với tiền lãi 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày và thời gian giam hồ sơ chờ giải ngân thường kéo dài để lấy lãi. Đến nay, mọi liên hệ với Dũng đều bị cắt đứt, không liên lạc được.

Ông Đông cho biết, khi ông lên gặp Ban Giám đốc ngân hàng này yêu cầu giải quyết việc ông Dũng ôm tiền không trả thì nhận được trả lời: “Đây là việc vay mượn cá nhân, ngân hàng không giải quyết”. Ông Dũng mếu máo nói: “Ngân hàng nói phủi tay thế, giờ tôi không biết bấu víu vào đâu. Tôi là nông dân, đi vay ngân hàng để làm ăn lấy đâu ra tiền mà cho cán bộ ngân hàng mượn tiền đây”.

Liên quan đến việc nhân viên ngân hàng ôm tiền dân rồi biệt tích, PV Dân Việt đã đến liên hệ làm việc với ngân hàng này ở TP Pleiku để nắm thực hư và tìm hiểu trách nhiệm các bên đến đâu. Tuy nhiên, khi đến nơi nhân viên ở đây cho biết: “Lãnh đạo ngân hàng đang đi công tác xa (?)”.

Còn trung tá Lưu Đình Kiều - Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Pleiku - cho biết, đơn vị đã nhận được đơn của người dân và đang xác minh. Để xác định được ông Dũng có “lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì cần phải làm việc trực tiếp mới được”, hiện Dũng không có mặt tại địa phương. Bước đầu xác định, ông Phan Tất Dũng (33 tuổi, trú tại thôn 6, xã Trà Đa, TP Pleiku) có căn nhà ở xã Trà Đa đã được bán cho người khác. Qua xác minh từ ngân hàng, Dũng đã nghỉ việc từ ngày 1.8.2017

 Luật sư Võ Thị Tiết – VP Luật sư Bình Định - phân tích: Theo giấy mượn tiền, rõ ràng đây là hợp đồng dân sự, không liên quan đến ngân hàng nên ngân hàng không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp ông Đông cung cấp thêm thông tin bằng ghi âm, xác nhận ông Dũng nhận tiền để làm đáo hạn thì mới xác định có yếu tố phạm tội hình sự và xét đến yếu tố quản lý con người của ngân hàng. Nếu không có chứng cứ, ông Đông muốn lấy lại tiền thì phải làm đơn kiện ra tòa giải quyết theo hợp đồng dân sự. Trường hợp không xác định được nơi ông Dũng đang cư trú thì phải làm đơn báo cơ quan công an việc ông Dũng có nợ nhưng không trả, mà bỏ trốn.