Bỏ nghề thợ đụng về làm nông nghiệp
Như thường lệ, cứ vào sáng sớm tinh mơ là ông Nguyễn Dăng lặn lội ra đồng áng để sắp sếp công việc cho các công nhân làm. Nghe chúng tôi đến, ông vội vả chạy về nhà với bộ quần áo vẫn còn lắm mùi bùn đất và tiếp đón trong căn nhà khang trang. Ông cho hay, trước khi đến với nông nghiệp tôi đã trải qua các nghề sửa chữa máy tàu thuyền, lái xe, cho đến đi làm thuê đủ thứ nghề, mà người dân quen gọi là thợ đụng. Tuy nhiên, chẳng có nghề nào ông gắn bó được lâu dài, bởi làm được đồng nào xào đồng nấy.
Tỷ phú Nguyễn Dăng đang lội ruộng lái máy cày
Năm 1993, ông tình cờ nhìn thấy nhiều nông dân làm ruộng đất rất tốn công lao động, trong khi đó chi phí đầu tư cao và đến kỳ thu hoạch làm theo cách truyền thống hạt lúa rơi vải xuống đất trắng đồng. Trên đường đi về, ông liền nảy sinh ý tưởng mua các máy móc làm để thay thế cho sức lao động của con người và ý tưởng này đã được người vợ đồng thuận.
Ngay sau đó, ông vay mượn, rồi tiến hành mua chiếc máy cày làm đất loại tiểu, nhờ chịu khó làm ăn ông tiếp tục mua máy gặt loại nhỏ và dần dần ông nâng cấp các máy loại lớn. Đến nay, ông đã sở hữu 13 chiếc máy khác nhau. Trong đó, 4 máy gặt lớn, 3 chiếc máy cày làm đất và 6 chiếc máy cày loại nhỏ, tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Dăng chia sẻ: “Cách đây khoảng 15 năm trở về trước, người dân vùng này chỉ sản xuất lúa một vụ, thời gian còn lại đồng áng bỏ hoang gây ra lãng phí. Thời điểm đó, tôi là người tiên phong trên địa bàn đưa các loại máy vào phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gia đình cũng như cho các nông dân của địa phương”. Hiệu quả mang lại rất bất ngờ, bình quân mỗi sào lúa gặt nông dân tiết kiệm trên 200.000 đồng và hạn chế được tình trạng lúa rơi vải.
Mạo hiểm làm ăn…
Ông kể, thực sự nhìn lại quãng đường làm ăn hàng chục năm của mình thì cảm thấy quá mạo hiểm, bởi trước đó có một số hộ khác sắm máy ra nhưng tất cả đều làm ăn không hiệu quả, thô lỗ nặng, thậm chí các hộ này phải bỏ của chạy lấy người. Bí quyết giúp cho ông làm ăn thành công chính là nhờ sự cần cù, chịu khó và sự cẩn thận trong công việc. Hàng ngày, sau khi rời cánh đồng về, ông lại lấy cuốn sổ ghi chép rất cụ thể các khoản thu, chi trong ngày. Bên cạnh đó, người vợ là nguồn động viên to lớn giúp cho ông vượt qua những lúc gặp khó khăn. Đến thời điểm này ông là người có nhiều máy nhất huyện Vạn Ninh.
Nhờ tích góp mà ông Nguyễn Dăng tậu được chiếc ô tô trị giá hàng trăm triệu đồng
Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng ruộng bạt ngàn 10 ha của gia đình, ông bật mí một số hộ nơi đây không thích làm ruộng, chỉ thích làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp. Nhưng riêng ông thì hoàn toàn khác, ai không làm ông sẵn sàng mua lại với giá cao, cứ mỗi năm mua một ít. Với diện tích trên, mỗi năm ông làm 3 vụ, năng suất bình quân đạt trên 77 tạ/ha, lãi trên 150 triệu đồng/năm. Trung bình mỗi năm ông thu nhập từ 1,5 – 1,7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi từ 800 – 900 triệu đồng. Cơ sở của ông cũng tạo công ăn việc làm cho 20 lao động của địa phương có thu nhập ổn định, bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Để tạo thêm động lực cho công nhân làm ăn, ông còn hỗ trợ vốn cho các công nhân mua xe máy và xây nhà ở.
Cứ vào mùa vụ, ông cùng đám công nhân của mình kéo máy lăn lê qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Phan Thiết (Bình Thuận), Ninh Thuận làm dịch vụ gặt lúa và cày thuê. Công việc của ông làm liên tục cả ngày lẫn đêm, người dân cũng ví von ông là một “nhà ngoại giao” tài ba, bởi ông ăn nói nhẹ nhàng, dễ hiểu, chân thật và rất được lòng với các nông dân. Ông cười khoe, trong năm 2016 nhờ làm ăn thuận lợi nên gia đình đã tích góp tậu được xe ô tô trị giá gần 900 triệu đồng.
Ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vạn Ninh cho biết, hộ ông Dăng là tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế của địa phương, bản thân ông sở hữu máy móc nhiều nhất huyện, Hội cũng luôn vận động các hội viên học tập kinh nghiệm từ nông dân chân đất này. Ngoài phát triển kinh tế, ông Dăng còn tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhờ thành tích ấn tượng trên, ông Dăng đã được các cấp, ngành khen thưởng.
Gửi hồ sơ tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” trước ngày 30.3.2018 Hồ sơ của nông dân, hội viên nông dân tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” gửi về Ban tổ chức trước ngày 30.3.2018, theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay - Tầng 9, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. NTNN |