Câu chuyện cô giáo bị phụ huynh ép quỳ gối xin lỗi chưa lắng xuống thì mới đây một giáo viên khác bị học sinh xông ra… bóp cổ. Tất cả chỉ từ mâu thuẫn của việc giáo viên dùng hình phạt đối với học sinh trong giờ học. Vậy là một phụ huynh, họ muốn con mình bị phạt… như thế nào?
Báo Điện tử Dân Việt xin được chia sẻ quan điểm của chị Hoàng Thị Phương – một phụ huynh tại Hà Nội về điều này.
“Tôi là phụ huynh, tôi ủng hộ các thầy cô phạt học sinh quá lười học, ngỗ nghịch bằng roi vào mông, thước kẻ vào tay, khoanh tay đứng góc lớp, chép phạt, lao động công ích vất vả... Kết hợp với thường xuyên thông báo với phụ huynh trong các group của lớp.
Giáo viên răn đe nhiều không được thì cảnh báo với phụ huynh, yêu cầu cả con lẫn phụ huynh viết kiểm điểm - cam kết hỗ trợ.
Cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh khiến nhiều người phải đau lòng (ảnh minh họa: IT)
Nếu không được nữa thì đề nghị nhà trường có phương pháp: kỷ luật, đuổi học để chuyển trường. Còn việc 1, 2 bé chưa ngoan mà bắt cả lớp quỳ phạt suốt nhiều tiếng đồng hồ là không nên.
Bởi lẽ, tôi nghĩ, lỗi ai thì phạt người đó, và không nên áp dụng hình phạt quỳ hoặc quỳ đồng bộ như vậy sẽ khiến trẻ coi việc bị làm nhục như vậy không hề nhục. Trẻ hư xem hình phạt là bình thường bởi nó là hình phạt cộng đồng, còn trẻ ko mắc lỗi sẽ cảm thấy oan ức và dần sẽ không còn niềm tin vào sự công bằng của cô giáo nữa.
Việc cô giáo dù tự nguyện quỳ hay bị bắt ép quỳ thì là một việc vô cùng đau xót. Sự tôn nghiêm của nghề nhà giáo không còn do những mặt trái của mạng xã hội, thường xuyên đưa tin những việc làm chưa đúng của một số thầy cô giáo mà không đưa tin về những việc làm tốt của thầy cô.
Bản thân tôi cũng đã chứng kiến cô em hàng xóm của mình đã chửi mắng cô giáo khi con về mách mẹ là bị cô giáo tát vào má.
Tôi thấy hành động của phụ huynh như vậy là vô giáo dục, thậm chí là khốn nạn! Nhưng không vì giáo viên là nhà giáo dục mà chúng ta bênh vực một cách mù quáng, cho rằng hình phạt dù nặng đến đâu cũng là tốt cho đứa trẻ.
Con tôi đi học về kể là bị cô giáo phạt đòn và có vẻ rất sợ cô. Tôi thường sẽ hỏi là vì sao bị phạt, và nói chắc con có lỗi nên mới bị phạt. Sau đó hỏi xem cô phạt như thế nào, đánh vào đâu và bằng gì?
Tôi lại kể cho con về tình thương cô dành cho con như nhường suất ăn của cô cho con lúc mẹ không kịp về đón, có lúc cô khóc khi con phạm lỗi vì khi đánh thước vào tay con là cô rất buồn, nhưng nếu ko làm vậy thì sau này con sẽ thành người không tốt, sẽ bị công an bắt còn bị người ta đánh đau hơn và nhiều hơn v.v...
Nếu như cô dùng các phương pháp đòn roi vừa phải thì tôi vẫn ủng hộ. Nhưng thi thoảng cũng nói chuyện với cô về tính cách của con là rất thích được động viên, khen ngợi và có một chút kèm chặt nếu con thiếu tập trung.
Nếu như cha mẹ thường xuyên quan tâm đến con và học cách kết hợp với thầy cô thì tôi tin rằng các thầy cô giúp cho phụ huynh được nhiều hơn trong việc giáo dục con hơn là để mặc con rồi đòi hỏi các thầy cô phải hiền từ, nhẫn nại, giỏi giang đến mức như thánh. Nói thật, cha mẹ mà không tự đào tạo mình và đào tạo con mình trước thì đến Thánh cũng không dạy được con các vị!
Mong là sau sự việc này, cả phụ huynh và cả các thầy cô rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc hành xử với nhau cũng như phương pháp đào tạo cũng sẽ khoa học hơn. Như vậy, những đứa trẻ cũng sẽ tự tin hơn và giỏi giang hơn.