Dân Việt

Hiểm nguy rình rập nghề mưu sinh trên đọt dừa

Vũ Đình Thung 11/03/2018 13:30 GMT+7
Từng có thợ leo dừa bị rắn cắn, tụt xuống nửa chừng chịu hết nổi, đành buông tay cho người lao xuống đất. Rồi ong đốt, vọp bẻ v.v. song họ vẫn bám nghề kiếm sống.

Rắn cắn, vọp bẻ, ong đốt

Bình Định là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất trong khu vực Nam Trung bộ với số lượng hàng chục ngàn cây. Vùng đất này sản sinh ra nhiều thợ leo dừa chuyên nghiệp. Bởi, muốn mua được dừa, người mua phải biết leo dừa để hái. Một lực lượng khác cũng cần thiết không kém là thợ làm cỏ dừa.

img

Anh Tưởng thoăn thoắt leo lên ây dừa gọn gàng như người đi bộ trên mặt đất

Trong chuyến công tác về xã Ân Trường Đông, tôi chợt nhìn thấy một thanh niên đang leo lên cây dừa với những bước chân thoăn thoắt như người đi bộ trên mặt đất. Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, ông Trần Văn Ngửa, dân địa phương, bật cười: “Có gì mà lạ, những người chuyên đi mua dừa ai cũng leo dừa giỏi như vậy cả. Thanh niên ở xã Ân Tường Đông này ít ai không biết leo dừa, bởi hầu hết đều làm nghề mua bán dừa khô”.

Chiều hôm ấy, tôi tìm đến nhà chàng thanh niên kia ở đội 1 thôn Lộc Giang để tìm hiểu nghề mua bán dừa, cũng vừa lúc anh tay xách nách mang đồ nghề bước vào nhà. Đồ nghề leo dừa khá đơn giản, chỉ là 1 cái dây nài dùng để tròng vào 2 bàn chân, một dây ba chạc đeo vòng qua bụng để giữ an toàn khi leo và một cái rựa dùng để hái dừa. Khi nghe tôi muốn tìm hiểu về nghề leo dừa, chủ nhà Nguyễn Hồng Tưởng, bộc bạch: “Nghề này tuy cho thu nhập ổn định nhưng lắm rủi ro, cơ cực, thách thức và đòi hỏi người làm nghề phải chịu khó và có sức khỏe”.

Mua dừa không chỉ phải leo hái dừa, mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Khi mua những cây dừa có dây leo quấn quanh như trầu, tiêu, thanh long, chủ nhà sẽ không ngại ngùng đặt điều kiện: “Leo sao leo, hái sao hái, nhưng nếu làm dập, đứt dây tiêu, dây thanh long là phải đền”.

“Gặp trường hợp này, không leo thì không có dừa để mua, còn leo thì phải cẩn trọng từ đôi tay đến đôi chân để không làm đứt dây thanh long hay dây tiêu bò trên thân dừa. Khó nhất là gặp phải những cây dừa quanh gốc có để nhiều chậu cây cảnh. Chỉ cần sơ xuất nhỏ trong lúc thả dừa, làm gãy vài cành cây cảnh là ngay tắp lự sẽ bị chủ nhà mắng mỏ không thương xót, thậm chí bắt đền”, anh Tưởng nói.

img

Lên đến ngọn, anh Tưởng chọn dừa khô để hái

Rủi ro cũng không ít. Anh Nguyễn Tấn Trực, một thợ leo dừa khác cùng ở thôn Lộc Giang, bảo: “Mùa nắng, ong vò vẽ rất khoái làm tổ trên đọt dừa. Lũ ong khôn lắm, làm tổ rất kín, dưới đất nhìn lên chẳng thấy gì, yên tâm leo. Lên đến nơi, nghe động, ong vù vù túa ra đốt. Đôi tay mắc bám cây dừa làm sao mà đuổi, đành cắn răng chịu đựng. Có người bị chúng phủ nguyên cả đàn, khi xuống được dưới đất phải lập tức nhập viện với mọi bộ phận trên cơ thể đều sưng vù, sốt mê man suốt mấy ngày liền”.

Nhưng đó chưa phải là nguy hiểm nhất, anh Trực kể thêm, có trường hợp lúc đã leo lên cao, tay chân bị vọp bẻ (chuột rút). Tiếp tục leo lên không được, xuống cũng không xong. Lúc ấy thợ leo dừa phải bình tĩnh bám chặt thân dừa, chờ cơn vọp bẻ đi qua mới thoát nạn. “Bạn đồng nghiệp của tôi ở cùng xã Ân Tường Đông, một lần leo nắm phải bẹ dừa khô, rơi tự do từ trên cao hàng chục mét xuống đất, giờ phải chịu cảnh tật nguyền. Đáng sợ hơn cả là những cây dừa có rắn độc nằm trên đọt. Rắn nằm dưới bẹ dừa chờ ăn bọ, ăn chuột, mình mà chạm phải là chúng đớp ngay. Có người xuống kịp đưa đi cấp cứu. Có người xuống nửa cây, chịu hết nổi, thả tay…”, anh Trực kể.  

Làm cỏ dừa

Ngoài những người làm nghề mua bán dừa phải biết leo dừa, ở Bình Định còn có nhiều thợ leo dừa chuyên nghiệp, chuyên phục vụ làm cỏ dừa khi các nhà vườn cần. Muốn vườn dừa cho nhiều trái, định kỳ mỗi cây dừa phải được làm cỏ sạch sẽ 1 lần. Làm cỏ dừa là leo lên đọt dừa, dùng rựa chặt dọn sạch sẽ những tàu lá đã khô, bóc sạch những lá dừa khô gãy vướng trên đọt dừa và dọn những buồng dừa đã khô cho thông thoáng để những buồng dừa non phát triển.

img

Dừa được tập trung lại chờ bóc vỏ

Theo các chủ vườn dừa, nếu làm sạch cỏ dừa, năng suất dừa sẽ tăng được 10%, cho khoảng trên 50 trái/cây/năm. “Bình thường, thuê người làm cỏ dừa các nhà vườn trả từ 20-30 ngàn đồng/cây. Những ngày gần Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tranh thủ những ngày nắng ráo tôi thuê thợ đến làm cỏ cho gần 100 dừa trong vườn nhà, tôi phải trả đến 50 ngàn đồng/cây”, ông Nguyễn Phần ở xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn), cho hay.

Đồ nghề của những thợ chuyên làm cỏ dừa còn có thêm 1 cây thang cao. Nhờ có cây thang nên mỗi cây dừa người thợ chỉ leo 1 đoạn ngắn nên đỡ mất sức, do đó mỗi ngày có thể leo đến vài ba chục cây dừa. Anh Hoàng, 1 thợ chuyên làm cỏ dừa ở khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “Bình thường làm cỏ dừa người thợ được nhà vườn trả từ 20-30 ngàn đồng/cây tùy dừa cao thấp, mỗi ngày tôi có thể leo làm cỏ được từ 30-40 cây dừa nên kiếm được cũng khá, mỗi ngày kiếm bình quân 1 triệu đồng, nếu tháng nào có công việc làm dày thì trúng mánh”.

Tuy nhiên, theo anh Hoàng, nghề làm cỏ dừa ngày càng trở nên “ế ẩm” vì khi bán dừa, chủ nhà vườn còn yêu cầu các thương lái sau khi hái dừa phải “kiêm” thêm việc làm cỏ cho cây dừa vừa hái trái. “Tuy có mất thời gian hơn nhưng sau khi hái trái chúng tôi luôn vui vẻ “kiêm” thêm việc làm cỏ dừa, như vậy các chủ nhà vườn sẽ hài lòng. Đến khi có dừa bán họ sẽ a lô cho mình, coi như làm cỏ dừa là việc làm nhằm đặt mối quan hệ bạn hàng với chủ nhà vườn”, 1 người chuyên mua bán dừa ở huyện Hoài Nhơn, tâm sự.

img

Kỹ thuật bóc vỏ quả dừa

Bình Định hiện có đến 10.500 ha dừa, tập trung nhiều nhất ở huyện Hoài Nhơn, tiếp đến là Phù Mỹ và Phù Cát. Ở những vùng dừa tập trung thường sản sinh ra nhiều thợ leo dừa chuyên nghiệp. Nghề này tuy vất vả, nguy hiểm, nhưng là nghề “độc quyền” vì không phải ai cũng có thể leo lên những cây dừa cao vút, nên thu nhập hàng năm của những thợ hái dừa khá ổn định, nhất là khi các nhà vườn đã chú trọng đến việc làm cỏ dừa để nâng cao năng suất.