TP.HCM đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt ngay đầu năm Mậu Tuất 2018. (Ảnh: Quỳnh Anh)
Ngày 8 và 9/3, TP.HCM đã phải đón nhận một đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất lên tới 35 - 37 độ C vào lúc 12h30 đến 15h30. Khi di chuyển dưới trời nắng gắt mà không che chắn, người dân dễ dàng cảm nhận được cái nắng “cháy da, cháy thịt”.
Nắng nóng gay gắt ngay sau Tết Nguyên đán có bất thường?
Trao đổi với PV về đợt nắng nóng này, ông Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ) cho hay, Tết Âm lịch 2018 rơi vào nửa cuối tháng 2 dương lịch - đây là thời kỳ bước vào cao điểm mùa khô, trừ một số năm có nhiều trận mưa trái mùa như mùa khô năm 2017.
Những ngày vừa qua, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), nhiệt độ đã đạt 37 độ, một số tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng đạt ngưỡng 37 độ C, thậm chí tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) lên tới 38 độ vào chiều 8/3. “Tuy nhiên, đây chưa phải là nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được tính từ năm 1984 đến nay là tại Tân Sơn Hòa (TP.HCM) với 39,3 độ C vào ngày 7/5/1998. Song những đợt nắng nóng diễn ra như vậy không có gì bất thường”, ông Quyết nói.
“Thời điểm này của năm nay ít có mưa trái mùa. Hình thế thời tiết chi phối chính ở khu vực Nam Bộ là dưới tầng thấp có áp cao lạnh lục địa cực đới hoạt động không quá mạnh và thường lệch sang phía đông nên không khuếch tán sâu xuống Nam Bộ; trên áp cao cận nhiệt đới thì có trục ở khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ và bao trùm toàn khu vực Nam Bộ. Đây là trường phân kỳ gió làm cho bầu trời ban ngày ít mây, nắng nhiều và kéo dài trong ngày”, ông Quyết giải thích.
Nhũng ngày này, người dân nên hạn chế ra đường từ khoảng 12h đến 15h.
Bão, áp thấp có thể xuất hiện giữa mùa nắng nóng
Theo Phó Trưởng phòng Dự báo - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 2 đến 3 ngày tới, áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định rồi lệch ra phía đông và suy yếu; áp cao cận nhiệt đới cũng có xu hướng suy yếu và rút dần ra phía đông. Tuy nhiên, mức độ nắng nóng tại Nam Bộ và TP.HCM không giảm nhiều, vẫn tiếp tục diễn ra và sẽ có những ngày đạt 38 độ C.
Từ cuối tháng 2 kéo dài sang tháng 3, khu vực Nam Bộ thường ít mưa, nắng nhiều và thường xuyên xuất hiện những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 35 - 37 độ, thậm chí cao hơn (đặc biệt ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM).
“Cần lưu ý, nửa cuối tháng 3 và trong tháng 4 hằng năm thường có những đợt nắng nóng kéo dài lên tới 10 - 15 ngày. Giá trị nhiệt độ cao nhất trong năm thường rơi vào thời điểm này. Tham khảo thông tin từ các trung tâm dự báo lớn trên thế giới và theo nhận định của chúng tôi, nắng nóng vào tháng 3 và tháng 4 năm nay sẽ tiếp tục diễn ra khá mạnh với mức nhiệt từ 35 - 37 độ C, giá trị cao nhất có thể lên tới 39 độ C”, ông Quyết dự báo.
Trong khi đó, vào tháng 3 và 4 năm nay, lượng mưa có khả năng cao hơn trung bình các năm khoảng 40%; lượng mưa cả năm cũng có khả năng sẽ cao hơn trung bình các năm. “Trong 3 tháng tới nhiều khả năng sẽ xuất hiện một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay thì diễn biến thời tiết còn nhiều phức tạp cần liên tục theo dõi”, ông Quyết nói.
Nắng nóng thường làm cho cơ thể mệt mỏi, phải sau vài ngày mới thích nghi dần để về trạng thái cân bằng. Do đó, ông Lê Đình Quyết lưu ý người dân cần chú ý hạn chế sử dụng đá, nước quá lạnh để uống vì dễ gây viêm họng, không bật máy điều hòa để nhiệt độ quá thấp dưới 25 độ (nên để ở mức 25 độ C). Uống nhiều nước vì nhiệt độ TP.HCM và Nam Bộ khá cao, độ ẩm thấp khiến cơ thể mất nước. Cũng theo ông Quyết, nếu không có việc cần thiết thì người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm từ 12h đến 15h hằng ngày. Khi ra đường, cần trang bị đồ chống nắng (quần áo, kính), khi tắm biển cần có kem chống nắng. Đặc biệt không được tắm ngay sa khi vừa đi ngoài nắng trở về nhà; khi đã uống rượu bia, thức uống có cồn tuyệt đối không lái ô tô, mô tô xe máy vì nắng nóng làm cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, rất nguy hiểm. |
Không khí lạnh ở miền Bắc suy yếu khiến nhiệt độ tăng nhanh, trong khi đó, Nam Bộ vẫn trải qua đợt nắng nóng gay gắt...