Nhựa Bình Minh từng được tạp chí Forbes định giá Nhựa Bình Minh 28,2 triệu USD (Ảnh: I.T)
Chỉ 2 nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Nhựa Bình Minh
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo kết quả đăng ký chào bán cạnh tranh cổ phần SCIC tại CTCP Nhựa Bình Minh.
Kết quả, hết thời hạn đăng ký, chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia chào bán cạnh tranh gồm 1 tổ chức nước ngoài và 1 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua 24.179.906 cổ phần, tương ứng tăng 20.000 cổ phần so với lượng chào bán (tương ứng 100,1% tổng số lượng cổ phần chào bán).
Giá đặt mua hợp lệ theo thông báo từ phía SCIC thấp nhất là 96.500 đồng/cổ phần. Phiên chào bán sẽ diễn ra lúc 14h30 ngày 9.3.2018 tại Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty của Thái Lan là Nawaplastic Industries, đơn vị đăng ký mua 24 triệu cổ phần BMP của Nhựa Bình Minh hiện đang sở hữu 20% cổ phần tại đây (Ảnh: I.T)
Trước đó, tổ chức nước ngoài The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd đã có văn bản gửi ban tổ chức chào bán cạnh tranh về về đăng ký tham gia mua cổ phần. The Nawaplastic đăng ký mua toàn bộ 24.159.906 cổ phần BMP mà SCIC đưa ra chào bán - tương đương 29,5% cổ phần của BMP.
Nawaplastic Industries là một thành viên của SCG - tập đoàn Thái Lan đã và đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam. SCG hiện là cổ đông chính của Lọc hóa dầu Long Sơn và nắm quyền kiểm soát công ty gạch Prime Group, công ty xi măng StarCemt, Bao bì Tín Thành...
Hiện Nawaplastic Industries đang là cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP tương ứng 20,4% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Nhựa Bình Minh.
Về nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký mua 20.000 cổ phần BMP. Tính theo giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu, cá nhân tham gia đấu giá cổ phần Nhự Bình Minh cần bỏ ra tối thiếu 1,93 tỷ đồng để mua được số cổ phần trên.
Về cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, từ sau khi đạt đỉnh 93.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 28.2, giá trị giao dịch của BMP đã sụt giảm 6 phiên giao dịch liên tiếp. Trong phiên giao dịch chiều 9.3, có lúc giá trị của BMP chỉ còn 82.700 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến vốn hóa thị trường của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh giảm khoảng 700 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2017 của Nhựa Bình Minh (Ảnh: I.T)
Về kết quả kinh doanh, năm 2017, Nhựa Bình Minh đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 471 tỷ, giảm 25% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng quyết định giá bán kém đi khiến công ty không thể chuyển tác động tăng giá đầu vào sang cho khách hàng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty giảm xuống còn 24% trong năm 2017 từ mức 32% trong năm 2016 khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 923 tỷ đồng (giảm 13%).
Kịch bản tỷ phú Thái vay tiền thâu tóm Sabeco có lặp lại?
Kịch bản tiến hành đấu giá cổ phần Nhựa Bình Minh khá giống với trường hợp Bộ Công Thương tiến hành chào bán cạnh tranh cổ phần của Sabeco cuối năm 2017 khi cũng chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá cổ phần gồm 1 cá nhân là “thầy cúng” Ngô Vinh Hiển đăng ký mua 20.000 cổ phần và Vietnam Beverage, công ty do tập đoàn bia Thaibev nắm 49% cổ phần đăng ký mua toàn bộ 53,6% cổ phần Sabeco chào bán đấu giá.
Ông Ngô Vinh Hiển từng gây bất ngờ khi đăng ký mua 20.000 cổ phần Sabeco trước khi bỏ cọc (Ảnh: VTV)
Cụ thể, ngày 18.12.2017, dư luận tỏ ra khá bất ngờ khi nhà đầu tư cá nhân Ngô Vinh Hiển – người tự giới thiệu mình là một "thầy cúng" đã bay từ Hà Nội vào TP.HCM để tham gia phiên đấu giá cổ phần Sabeco với số lượng đặt mua 20.000 cổ phiếu (lượng đặt mua tối thiểu), mức giá 320.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 500 đồng/cp so với mức giá Vietnam Beverage đặt ra.
Theo các chuyên gia, việc ông Ngô Vinh Hiển tham gia đấu giá mặc dù không tác động nhiều đến kết quả đấu giá, nhưng đã giúp cho việc bán cổ phần Sabeco trở nên nhanh chóng hơn, kết quả công bố một cách công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ không phải hủy phiên chào bán cạnh tranh.
Tuy nhiên, sau đó dư luận tiếp tục bất ngờ khi thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố trưa nay (29.12) cho thấy ông Ngô Vinh Hiển không hề có tên trong danh sách chuyển nhượng quyền sở hữu chứng khoán SAB của Sabeco. Chỉ có việc thực hiện chuyển quyền sở hữu 343.642.587 cổ phiếu SAB, tương đương 53,6% vốn cổ phần của Sabeco của Bộ Công thương cho Công ty TNHH Vietnam Beverage diễn ra.
Việc không xuất hiện trong danh sách chuyển quyền sở hữu cổ phiếu Sabeco do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố trưa 29.12.2017 đồng nghĩa với việc ông Ngô Vinh Hiển chấp nhận bỏ cọc, không thể lấy lại số tiền 641 triệu đồng, tương đương 10% tính trên tổng mức giá của 20.000 cổ phần SAB trúng giá là 6,41 tỷ đồng.
ThaiBev là đơn vị duy nhất sở hữu thành công cổ phần SAB của Sabeco sau đấu giá
Và còn bất ngờ hơn khi về phía Thaibev, để thực hiện thương vụ mua 53,6% cổ phần Sabeco, ThaiBev và công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo Limited đã tiến hành đã thực hiện 6 khoản vay khác nhau với tổng số tiền tương đương 4,84 tỷ USD.
Trong đó ThaiBev vay 100 tỷ Baht, tương đương 3,05 tỷ USD từ các ngân hàng của Thái Lan còn BeerCo vay 1,95 tỷ USD thông qua 2 ngân hàng đầu mối là Mizuho Bank chi nhánh Singapore và Standard Chartered chi nhánh Singapore. Các khoản vay này có thời hạn 2 năm.
Toàn bộ số tiền trên sau đó đã được BeerCo cho Vietnam Beverage vay lại để thanh toán tiền mua cổ phần và các chi phí có liên quan. Kết quả, sau giao dịch này, Vietnam Beverage đã chính thức trở thành công ty nắm quyền kiểm soát của Sabeco.
Việc thâu tóm thành công Sabeco dự kiến sẽ giúp ThaiBev đạt được mục tiêu năm 2020 là mở rộng hoạt động, nâng tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài chiếm trên 50% tổng doanh thu của tập đoàn.