Những tháng giữa năm 2010, tiến sĩ chuyên ngành sử học Thông Thanh Khánh (người Chăm, quê Bình Thuận), một cựu giảng viên đại học được mời tham dự đại hội những trí thức nghiên cứu về đạo Hồi tại đất nước Morocco (châu Phi). Trong chuyến đi đó, ông được tham quan nông trại gà gần 1.000ha. Tại đây, gà được nuôi theo phương pháp hữu cơ với giống nhập từ Pháp. Gà sau khi đạt đủ trọng lượng sẽ xuất ngược lại vào thị trường Pháp với giá gần 40 euro/kg.
Điều đặc biệt, trang trại nuôi gà theo kiểu chăn thả tự nhiên khiến ông Khánh liên tưởng đến giống gà nòi Bến Tre cũng được nuôi như vậy, nhưng đang lao đao mất giá, mất niềm tin từ người dùng.
Giải cứu cho gà nòi Bến Tre
Điều khác biệt, trại ở Morocco , dù nuôi theo kiểu tự nhiên hay bán tự nhiên đều bố trí bài bản theo chuỗi quản lý, có phân khu chuồng, gà con, gà giống, khu ấp nở, có dùng vaccine, không sử dụng kháng sinh... và không dùng cám công nghiệp mà dùng thức ăn tự sản xuất gồm lúa mì, đậu phộng, đậu nành…
Tiến sĩ chuyên ngành sử học Thông Thanh Khánh. Ảnh: Quỳnh Anh.
Bằng cảm nhận của một người sành ăn gà, ông Khánh nhận ra chất lượng gà hữu cơ Morocco cũng chỉ ngang ngửa với giống gà nòi Bến Tre nổi tiếng ngon, ngọt, thơm, giòn, tập trung nhiều nhất là tại huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày. Sau chuyến đi đó, ông Khánh quyết định “khởi nghiệp” với con gà nòi Bến Tre bằng việc lập trang trại gà Khánh Sơn tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Gà nòi Bến Tre có trọng lượng trung bình dưới 1,8kg (gà lông), được nuôi dưới tán dừa, thức ăn chủ yếu là côn trùng nên thịt gà dai, thơm, thớ thịt mịn, săn chắc. Thời gian nuôi na ná gà ta, từ 5,5 – 6 tháng xuất chuồng. Theo ông Khánh, tuy có lợi thế, nhưng tiếc rằng bà con lại bỏ đi cách nuôi truyền thống để chạy theo lợi nhuận. Nhiều người cho chất kích thích để lông đẹp, chất tạo màu cho da vàng, sử dụng kháng sinh…, chất lượng thịt kém và bị người tiêu dùng tẩy chay… giá gà có thời điểm giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg (trước đó từ 130.000 – 160.000 đồng/kg).
Để khắc phục nhược điểm trên, ông Khánh quyết định lập trang trại hơn 60ha ở Cần Giờ, đưa giống gà nòi ở Bến Tre về nuôi như mô hình hữu cơ của Morocco. Ngoài phương thức nuôi thả tự nhiên, ông Khánh xây dựng chuỗi thức ăn riêng cho trang trại gà của mình, gồm cỏ voi xay trộn với lúa, bắp, đậu nành, hèm bia. Thời gian nuôi từ khoảng 5,5 – 6 tháng. Trại gà cũng được quản lý nghiêm ngặt kháng sinh, thuốc tăng trọng, vaccine, thay vào đó, ông Khánh dùng các bài thuốc dân gian như tỏi, gừng, nghệ, quả hồi… ngâm với rượu chữa trị khi gà mắc một số loại bệnh thông thường.
“Chúng tôi chọn hướng sạch để theo, đó là làm theo hướng VietGAP. Bởi tôi tin, thị trường gà sạch sẽ được người tiêu dùng ủng hộ”, ông Khánh nói. Tháng 7 năm ngoái, trại gà nòi của ông đạt chứng nhận VietGAP, tuy nhiên, qua quan sát, cách nuôi gà của ông vẫn thiên về hướng tự nhiên hơn. Nghĩa là, đàn gà hàng ngàn con vẫn nuôi thả trên diện tích đất rộng lớn, thức ăn hàng ngày là những thứ quen thuộc: cỏ cây, lúa, bắp, cám chứ không phải dạng công nghiệp.
Cho đến thời điểm này, trại gà Khánh Sơn có kế hoạch thay đổi theo hướng hoàn toàn khép kín, từ ấp nở đến hệ thống nuôi theo kiểu bán chăn thả, chuồng trại đáp ứng theo chương trình GlobalGap. Ảnh: Trần Quỳnh.
Hiện nay, theo giới thiệu, một tháng trang trại Khánh Sơn xuất chuồng hơn 5.000 con gà thịt, tương đương 7 tấn gà, với giá dao động khoảng 150.000/kg. Số gà này, được bán lẻ cho khách quen và các bếp ăn sang trọng…
Ngoài trang trại ở Cần Giờ, ông Khánh còn tập hợp gần 50 hộ dân nuôi gà nòi đặc sản ở Bến Tre, thuê cán bộ, chuyên gia tập huấn chương trình VietGAP. Theo ông, cách làm này sẽ tạo ra mối liên kết cung cấp gà thịt, gà giống ổn định cho trang trại sau này.
Sau hai lần thất bại với tôm, heo rừng
Trước khi đến với gà nòi Bến Tre, năm 2009, ông Khánh và vợ, hiện là giám đốc công ty cổ phần Khánh Sơn, đầu tư nuôi tôm tại Cần Giờ, nhưng thất bại vì môi trường nuôi ô nhiễm.
Ông kể, những ai ở Cần Giờ đều cảm nhận rõ sự thay đổi của dòng nước, khoảng mười năm trước, việc nuôi trồng thuỷ hải sản khá tốt. Thậm chí, có người Thái Lan từng sang thuê đất ở xã Long Hoà, Cần Giờ, để nuôi tôm theo dạng công nghiệp…
Tuy nhiên, đến lượt mình lao vào nuôi, ông Khánh nhận ra dòng nước đã bị ô nhiễm nặng nên tôm kém phát triển, bị bệnh… chết, và ông đã thất bại với lần đầu khởi nghiệp.
Sau con tôm, năm 2010, ông Khánh quyết định chuyển qua nuôi heo rừng. Cần Giờ trước đây cũng được gọi là “đầm heo rừng” vì có nhiều heo rừng tự nhiên.
“Vợ chồng tôi đã khéo léo chọn heo rừng đặc chủng Campuchia về lai với heo rừng bản địa. Có những thời điểm, tổng đàn lên hơn 400 con heo giống và khoảng trên 500 heo con”, ông nhớ lại.
Tuy nhiên, bài toán thị trường đầu ra vẫn là lối vướng mắc nhất đối với người nông dân. Ông Khánh không là ngoại lệ. Nuôi được heo rừng chất lượng, vợ chồng ông Khánh vất vưởng tìm thị trường nhưng ngặt nỗi, dân TP.HCM không quen ăn loại thịt này, các quán ăn thì họ có nguồn cung ứng riêng, muốn chen ngang cũng khó. Vậy là, vợ chồng ông tiến sĩ sử học lại một lần nữa bế tắc, phá sản với lần khởi nghiệp thứ hai theo cách như vậy.
Quyết xây dựng trại gà theo hướng chuẩn hội nhập
Hồi cuối năm ngoái, chúng tôi tình cờ gặp ông Khánh tham dự khoá học GlobalGAP do dự án Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập tổ chức hồi tháng 9 tại TP.HCM. Ông Khánh là người nhiệt tình, năng nổ nhất trong khoá học. Ông lắng nghe chăm chú từng nội dung GlobalGAP, với mong muốn đưa trại gà nòi Khánh Sơn phát triển bền vững theo hướng tự nhiên, không chỉ đáp ứng cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu một cách bài bản, có quy chuẩn.
“Chúng tôi chọn hướng sạch để theo, đó là làm theo hướng VietGAP. Bởi tôi tin, thị trường gà sạch sẽ được người tiêu dùng ủng hộ”. |
Sau khoá học, các chuyên gia GlobalGAP đã đến thẩm định trại gà và đánh giá các điều kiện đủ phát triển hướng GlobalGAP. Cho đến thời điểm hiện tại, trại gà Khánh Sơn có kế hoạch thay đổi theo hướng hoàn toàn khép kín, từ ấp nở đến hệ thống nuôi theo kiểu bán chăn thả, chuồng trại đáp ứng theo chương trình GlobalGAP.