Dân Việt

Tham vọng lợi nhuận vạn tỷ, VPBank tăng vốn khủng cho Fe Credit

Trần Giang 12/03/2018 06:15 GMT+7
VPBank vừa hé lộ nhiều mục tiêu “khủng” năm 2018: lợi nhuận trước thuế tăng 33% lên 10.800 tỷ đồng; tăng vốn gần gấp đôi lên gần 28.000 tỷ đồng (tăng thêm 12.000 tỷ đồng). Nếu thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng thêm 77% so với vốn điều lệ hiện tại, trong đó sẽ dành khoảng 3.000 tỷ đồng tăng vốn cho Fe Credit.

Ngân hàng TMCP Việt  Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã cổ phiếu:VPB) vừa công bố các tài liệu tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sẽ diễn ra vào ngày 19.3 tới.

Theo Ban lãnh đạo VPBank, năm 2018 là năm mở đầu cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (2018-2022), VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 tiếp tục tăng 33% lên mức 10.800 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 dự kiến tăng 29%, đạt 359,477 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng mục tiêu tăng gần 24%, đạt 243,320 tỷ đồng; trong đó cho vay khách hàng đạt 229,148 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá cũng dự kiến tăng 21% lên 241,675 tỷ đồng Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Tăng 12.000 tỷ đồng trong năm 2018

Sau 3 đợt tăng vốn liên tiếp trong năm 2017 (từ 9.181 tỷ lên hơn 15.700 tỷ đồng), năm 2018 VPBank tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 12.000 lên gần 28.000 tỷ đồng.

Đề cập trong phương án tăng vốn, VPBank cho biết, với kế hoạch tăng trưởng kinh doanh liên tục hàng năm, nhu cầu tăng trưởng nguồn vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ là nhu cầu thiết yếu.

img

Tham vọng lợi nhuận vạn tỷ, VPBank lên kế hoạch tăng vốn khủng (Ảnh: MH)

Tăng vốn điều lệ sẽ để đáp ứng việc tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng, cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động, góp vốn vào các công ty con và hoặc góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh khác có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng, đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh.

Việc tăng vốn điều lệ trong năm 2018 sẽ chia làm 5 đợt. Đợt 1 chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2017 và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Tổng mức chia là khoảng 31,25%, tương đương số lượng cổ phần phát hành gần 468 triệu cp. Thời điểm dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Trong đó, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu ngay trong quý II.2018, tỷ lệ thực hiện 30%.

Đợt 2 phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP); bao gồm các thành viên Ban kiểm soát, Ban điều hành và cán bộ nhân viên với gần 33.7 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành dự kiến trong quý II.2017. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyện nhượng trong vòng 3 năm.

Tổng số tiền thu được sau khi phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng.

Đợt 3, mua lại toàn bộ hơn 73.2 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức (CPUD) theo hợp đồng mua bán cổ phiếu ưu đãi cổ tức với các cổ đông trong đợt phát hành cổ phần đưu đãi cổ tức năm 2015, thành cổ phiếu quỹ. Sau đó, sử dụng cổ phiếu quỹ như trên để chia cho cổ đông hiện hữu nhằm mục đích chuyển đổi số cổ phần ưu đãi cổ tức thành cổ phần phổ thông, đảm bảo vốn điều lệ của Vpbank không thay đổi.

Đợt 4, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước (dưới 100 nhà đầu tư) với khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành. Thời điểm thực hiện trong năm 2018. Kế hoạch phát hành riêng lẻ này không chào bán cho HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc VPBank.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu trong vòng 1 năm. Dự kiến nguồn vốn thu được từ việc chào bán cổ phần sẽ dùng để đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động của VPBank.

Đợt 5, chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư năm 2017. Tỷ lệ chia cho cổ phần phổ thông (không chia cho cổ phiếu quỹ) dự kiến là 20,35%, dự kiến thực hiện trong quý IV.2017.

Bổ sung vốn cho “gà đẻ trứng vàng” Fe Credit

Trong 12.000 tỷ đồng vốn tăng thêm này, VPBank dự kiến chi 3.000 tỷ đồng cho công ty con là VPBFC và VPBAMC và góp vốn mua cổ phần công ty hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ cho hoạt động cốt lõi cả ngân hàng. Trong đó đáng lưu ý là thương hiệu Fe Credit do VPBFC quản lý.

Năm 2017, VPBank cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBFC0 đơn vị quản lý thương hiệu Fe Credit lên 4.474 tỷ đồng.

Từ khi thương hiệu Fe Credit đi vào hoạt động, lợi nhuận VPBank tăng vọt trong những năm gần đây. Riêng năm 2017, lợi nhuận trước thuế VPBank đạt 8.130 tỷ đồng, trong đó 51% lợi nhuận đến từ Fe Credit.

img

Lãnh đạo VPBank cho biết không xác định tỷ lệ 51% lợi nhuận từ Fe Credit sẽ đứng mãi mà sẽ thay đổi cơ cấu doanh thu. Theo đó, trong 5-10 năm tới, tài chính tiêu dùng vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" với ngân hàng. Tuy nhiên, Retail Banking, SME, tín dụng tiểu thương sẽ đem lại lợi nhuận chủ yếu. Lợi nhuận từ FE Credit vẫn còn nhưng sẽ chậm lại.

Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết luôn nhận thức rủi ro của hoạt động này. Hiện nay, mỗi tháng, công ty tài chính có khoảng 250.000 khoản vay, ngân hàng có hơn 3.000, nếu không kiểm soát kỹ, thì sẽ không có đủ người để rà soát lại. Vì thế mà lực lượng người thu nợ ở ngân hàng hiện nay lớn nhất thị trường bao gồm 1.600 người tại FE Credit và hơn 800 người tại ngân hàng mẹ, trong năm tới sẽ tăng lên hơn 1.000 người.

Tuy vậy, để đạt lợi nhuận vạn tỷ, VPBank sẽ phải tăng năng lực tài chính cho ngân hàng này. Ngoài ra, các khoản đầu tư dài hạn khác ở ngân hàng này đã bắt đầu có lãi để đóng góp vào kế hoạch lợi nhuận vạn tỷ của ngân hàng này như Retail Banking, SME, cho vay tín dụng tiểu thương, Digital…