Về xã Hưng Đạo, Ngọc Kỳ những ngày này dễ dàng nhìn thấy su hào bị vứt chỏng chơ, chất thành từng đống lớn cạnh đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoặc dưới mương nước…
Su hào không bán được bị người dân Hưng Đạo, Ngọc Kỳ mang ra vứt cạnh đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Trên cánh đồng các thôn Ô Mễ, Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo), Tứ Kỳ Thượng, Ngọc Lý (xã Ngọc Kỳ) còn rất nhiều ruộng su hào quá lứa thu hoạch, mỗi củ nặng 1,5 – 2 kg, bị nông dân để mặc mưa nắng hoặc được băm ra làm phân bón ruộng hay cho người dân mang về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Những ruộng su hào xanh non chưa đến kỳ thu hoạch cũng chẳng có ai chăm sóc.
“Nhà tôi có 1 sào 10 thước trồng gần 6.000 gốc su hào. Trước Tết khoảng chục ngày có thương lái đến hỏi mua vo và trả 5 triệu đồng nhưng tôi không bán. Vậy mà chỉ mấy ngày sau đã chẳng còn ai thèm mua, cho họ cũng không lấy, giờ chỉ biết nhổ bỏ”, một nông dân ở xã Ngọc Kỳ ngậm ngùi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khắc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Đạo, vụ đông xuân năm nay toàn xã trồng được 330 ha rau các loại, trong đó su hào chiếm tới 75%. Đến đầu tháng 12 âm lịch, phần lớn diện tích su hào vụ này đã thu hoạch xong, chỉ còn 30 ha trồng đón thị trường sau Tết. Trước Tết 1 tuần thương lái bắt đầu dừng thu mua su hào hoặc chỉ mua với số lượng hạn chế. Giá su hào thời điểm đó giảm từ 1.500 – 2000 đồng/củ xuống 300 – 500 đồng/củ, sau giảm tiếp còn 100 – 200 đồng/củ. Từ sau Tết đến nay, thương lái không thu mua nên nông dân đành ngậm ngùi vứt bỏ.
Su hào còn non bị nhổ vứt xuống mương nước
“Tầm này năm ngoái su hào cũng bị mất giá nhưng vẫn bán được 500 – 600 đồng/củ, không đến mức cho chẳng thương lái nào lấy như năm nay. Theo hạch toán, mỗi sào su hào không bán được, nông dân bị lỗ khoảng 1,5 triệu đồng”, ông Khắc cho biết.
Theo một số thương lái ở 2 xã trên, sau Tết thời tiết nắng ấm tạo thuận lợi cho các loại rau phát triển nhanh. Nông dân ở nhiều tỉnh, thành phố bắt đầu mở rộng diện tích trồng các loại rau xanh như mùng tơi, rau muống,… Su hào ở Hưng Đạo, Ngọc Kỳ chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh bắc miền Trung và một phần miền Nam. Tuy nhiên, từ sau Tết, lượng rau xanh từ các tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh phía Bắc đổ về thị trường này nhiều dẫn tới su hào khó tiêu thụ.
Anh Nguyễn Văn Trường cố lựa chọn những củ su hào còn non mang đi bán để gỡ gạc chút vốn liếng.
Su hào không bán được không chỉ làm nông dân thua lỗ mà còn khiến các thương lái điêu đứng. Anh Nguyễn Văn Trường, một thương lái ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo cho biết trước Tết đã mua vo của bà con 15 vạn gốc su hào non với giá 1.000 – 1.200 đồng/gốc.
Dịp Tết vừa qua, anh chỉ kịp bán khoảng 4 vạn củ với giá 200 – 300 đồng/củ. Hiện tại, vợ chồng anh vẫn đang chọn những củ su hào còn non, mẫu mã đẹp, đóng gói mang đổ buôn cho các chợ ở Hà Nội, Hải Phòng mong gỡ gạc được đôi chút vốn liếng.
Sau Tết, trong khi bắp cải, súp lơ vẫn tiêu thụ được thì su hào lại không có người mua. So với bắp cải, súp lơ thì su hào dễ trồng, nhanh được thu hoạch. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích su hào quá nhiều ở thời điểm thời tiết cũng thuận lợi cho các loại rau xanh khác phát triển đã dẫn tới tình trạng trên. Trong sản xuất, bà con nông dân cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nên chạy theo phong trào, làm theo kiểu ồ ạt để rồi lại phải đón nhận hậu quả của quy luật cung - cầu.