Ưu tiên kết nối nội khối
Với chủ đề "Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại", hội nghị đã tiến hành 3 phiên họp về "Tăng trưởng và việc làm", "Sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng", "Cải cách quản lý và cạnh tranh". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự hội nghị cùng lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, dưới sự chủ tọa của Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama.
Lãnh đạo APEC chụp ảnh lưu niệm sau phiên họp toàn thể ngày 14.11. |
Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với đợt suy thoái mới bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, Hội nghị APEC lần này đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác đa phương mà lớn nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phát biểu tại các phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị APEC cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, hành động mau chóng và quyết liệt trên các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu để tránh nguy cơ một cuộc suy thoái mới. Đối với từng nền kinh tế và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, Chủ tịch nước nhấn mạnh: APEC cần ưu tiên các chương trình, dự án chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và tăng cường kết nối nội khối.
Mỹ phác thảo tầm nhìn Thái Bình Dương
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố đại cương phác thảo về kế hoạch thành lập một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Obama khẳng định, Hiệp định TPP có thể là một mô hình cho các hiệp định thương mại khác, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận TPP có thể được hoàn tất vào đầu năm tới.
Ông Obama nhấn mạnh, châu Á- Thái Bình Dương là một động cơ cho tăng trưởng kinh tế Mỹ và mở rộng cơ hội cho nền kinh tế đầu tàu thế giới này. Trong khi đó, khai thác tiềm năng thương mại lớn của khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng là lợi ích sống còn cho mỗi nước.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng nêu lên những khó khăn còn tồn tại xung quanh TPP, như giữa các nước tham gia vẫn còn nhiều bất đồng, doanh nghiệp nhiều nước đang phản đối do lo ngại không thể cạnh tranh...
TPP được 4 thành viên sáng lập là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký năm 2005, sau đó đã thu hút các nước trong khu vực tham gia với mục tiêu tạo ra một khu vực thương mại tự do, trong đó về nguyên tắc, mọi hàng rào thuế quan sẽ bị loại bỏ và tự do hóa việc trao đổi dịch vụ và đầu tư.
9 nước thành viên của TPP hiện nay gồm: Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Malayasia, Peru, Singapore, Mỹ và VN. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần này, Nhật Bản, Canada và Mexico đã tuyên bố tham gia quá trình đàm phán về việc thiết lập TPP.
Gia Khánh