Với nhiều năm kinh nghiệm trồng các loại hoa truyền thống như cúc, rơn, đồng tiền…ông Hoàng Văn Phượng ở đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để tìm ra hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước đây. Đó là mô hình trồng hoa ly trong nhà lưới, nhà màng và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm, mỗi năm cho thu lãi hơn nửa tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Phượng (áo đen) chia sẻ bí quyết trồng hoa ly công nghệ cao hiệu quả với đại biểu tham quan mô hình.
Ông Phượng cho biết, trồng hoa ly trong nhà màng, nhà lưới là hướng đi mạo hiểm vì vốn đầu tư nhiều, kỹ thuật chăm sóc cao nhưng nếu thành công thì không gì lãi bằng hoa ly, làm một ăn hai, ba, bốn… Xuất phát từ suy nghĩ ấy, năm 2017 ông Phượng mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng nhà màng, nhà lưới 2.000 m2, trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 600 m2 theo tiêu chuẩn mô hình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Trên diện đó, ông Phượng trồng 3 vạn cây ly không thơm ở nhiều trà khác nhau nhằm rải vụ thu hoạch và chọn được thời điểm giá bán cao. Từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau lúc nào gia đình ông cũng có hoa bán. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, ông thu lãi trên 300 triệu đồng từ hoa ly với giá trung bình 20.000 đồng mỗi cây ly. Trong khi các nhà vườn khác hoa ly có thể còn tồn, giá rẻ nhưng vườn hoa của ông Phượng luôn giữ giá bán ổn định bởi chất lượng hoa bền, mẫu mã đẹp và bộ lá óng mượt.
Nói về bí quyết trồng hoa ly, kinh nghiệm trồng hoa ly thành công, ông Phượng cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, khoa học kỹ thuật mới, nhu cầu thị trường và điều kiện thời tiết là yếu tố tiên quyết. Do đó, kinh nghiệm dân gian “trồng hoa trông rằm tháng Tám” “quầng hạn, tán mưa” được ông Phượng áp dụng triệt để nên hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán, giá bán cao.
“Cái lợi nhất là khi đưa hoa vào trồng trong nhà màng, nhà lưới kết hợp sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm giúp tôi nhàn và yên tâm, từ lúc trồng đến thu hoa chưa phải phun bất kỳ một loại thuốc thuốc bảo vệ thực vật nào mà cây hoa cứng, độ đồng đều cao” – ông Phượng khẳng định. Theo kinh nghiệm của anh Phượng cứ đến 30/11 âm lịch nụ hoa ly đạt 3 phân thì hoa sẽ nở đúng dịp Tết, nếu không sẽ phải dùng biện pháp kích hoa bằng điện.
Được biết trước đây khi trồng các loại hoa truyền thống, mỗi sáng gia đình ông Phượng đều phải dạy sớm để phun nước tưới cho sạch lớp sương muối qua đêm. Bởi theo ông Phượng hoa đẹp cần phải có bộ lá đẹp nên nếu không rửa sạch lớp sương muối sẽ ảnh hưởng đến mẫu mã của cây hoa và quá trình phân hóa mầm hoa, hơn nữa lại mất nhiều công lao động, thời gian chăm sóc.
Tính đến nay, ông Phượng trồng hoa ly được gần 7 năm, ước tính trung bình mỗi năm thu lãi hơn nửa tỷ đồng, chủ yếu cung cấp cho các đầu mối thương lái quen tại thành phố Bắc Giang. Hiện, ông đã mở rộng quy mô sản xuất thêm 1 mẫu ruộng tại xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang và phát triển thành Hợp tác xã trồng hoa ly gồm 8 thành viên, ông Hoàng Văn Phượng là Giám đốc, đang hướng tới thành lập làng hoa Dĩnh Trì. Trong một tương lai gần, ông Phượng sẽ dành nhiều thời gian và kinh phí để phát triển giống lan rừng nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống ngày một cao của người dân bởi chơi lan có thể chơi quanh năm và không mất gốc.