Bà Lan cho rằng, nếu không quản lý tốt, số thịt ôi thiu này dễ dàng trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất giò, chả, xúc xích. Sau đó, các sản phẩm sau chế biến sẽ được tuồn ra thị trường, tiếp tục đưa đến bàn ăn của người tiêu dùng.
Trong năm 2017, nhiều vụ việc sử dụng sản phẩm động vật ôi thiu, hôi thối để sản xuất, chế biến thực phẩm đã bị cán bộ Ban Quản lý ATTP TP.HCM phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Ví dụ như hồi đầu năm 2018, đoàn kiểm tra công tác liên ngành đã phát hiện 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, ôi thiu, không đảm bảo VSATTP chuẩn bị được đưa vào chế biến tại cơ sở sản xuất giò chả Ngọc Châu (ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Nếu không phát hiện, thu giữ kịp thời, số thịt bẩn này sẽ được làm thành giò chả và nhanh chóng đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Bà Lan cũng cho biết, sau một năm hoạt động, tính đến cuối tháng 2, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã kiểm tra gần 1.000 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở, ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng, đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến hơn 800 triệu đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận, huyện).
Cán bộ Ban Quản lý ATTP lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên nông sản an toàn. Ảnh: Thuận Hải.
Các Đội quản lý ATTP còn phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền là gần 45 triệu đồng; thu hồi, tạm giữ 1.400 kg răng mực, 2.500 kg mực ống; tiêu hủy gần 35.000 kg sản phẩm động vật, thịt gia cầm, thực phẩm các loại…
Để làm được việc này, Ban Quản lý ATTP thành lập các đội quản lý ATTP liên quận, huyện, có trụ sở đóng trực tiếp trên địa bàn quản lý, đồng thời là thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành về VATTP quận, huyện. Từ đó, tạo ra mạng lưới quản lý rộng, toàn diện và trực tiếp tại địa phương.
Thế nhưng, cũng theo bà Lan, vấn đề ATTP được cả nước quan tâm, là chuyện sống còn của hàng triệu gia đình, nhiều cơ quan tham gia quản lý nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, một phần nguyên nhân do các quy định pháp luật còn chồng chéo, việc xử phạt các cơ sở vi phạm vừa khó vừa nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.
“Ví dụ như trong quy định xử phạt đối với việc sử dụng hóa chất độc hại, cơ quan chức năng chỉ được phép chỉ xử phạt đối với các trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều hóa chất nguy hiểm được sử dụng sai mục đích, liều lượng… ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng không thể phạt được. Ví dụ như vụ phát hiện hơn 3.700 con heo tiêm thuốc an thần ở Củ Chi hồi cuối năm ngoái”, bà Lan giải thích.
Ban Quản lý ATTP TP.HCM chủ động ký kết với các đơn vị sản xuất để đưa nguồn thực phẩm sạch về tiêu thụ tại TP.HCM. Ảnh: Thuận Hải.
Hay như việc lấy mẫu kiểm tra rồi lưu kho, chờ kết quả… đối với những lô hàng có dấu hiệu vi phạm ATTP. Trong quá trình chờ các thủ tục hành chính nhiêu khê, nhiều chủ lô hàng đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng không thể xử phạt. Ví dụ như lô hàng 27 tấn động vật tại cơ sở giò chả ở Hóc Môn nêu trên.
“Chưa kể, việc cấp phép kinh doanh, buôn bán các hóa chất cấm, độc hại còn dễ dàng, chưa được kiểm soát chặt. Ví dụ như vụ phát hiện hơn 3.700 con heo bị tiêm thuốc an thần ở Củ Chi hồi cuối năm 2017, nếu quản lý chặt việc kinh doanh, buôn bán thuốc an thần, làm sao thương lái có thể mua được số lượng lớn thuốc an thần như vậy?”, bà Lan đặt vấn đề.
Hay như vấn đề kinh doanh phụ gia hóa chất tại chợ Kim Biên (Quận 5, TP.HCM). Lâu nay, khu chợ này được xem như “chợ tử thần” ở TP.HCM, là nỗi ám ảnh của nhiều bà nội trợ. Thế nhưng, tại chợ Kim Biên chỉ có 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm được cấp phép.
Các hộ này đã được tập huấn, huấn luyện rất nhiều để không bán phụ gia hóa học, công nghiệp... Tuy nhiên, bên cạnh 16 hộ này có nhiều hộ khác được phép bán hóa chất công nghiệp nên người mua dễ dàng tạt qua đây để mua hóa chất, phụ gia độc hại.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 1 năm thí điểm Ban Quản lý ATTP TP.HCM chiều nay (12.3), ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, trước đây, Sở nào cũng tham gia công tác ATTP, ngành nào cũng kiểm tra. Khi có quá nhiều đầu mối thì UBND không kiểm soát nổi, bài toán về quản lý ATTP lại không hiệu quả, nhìn chỗ nào cũng thấy bẩn, không đảm bảo chất lượng…
“Để khắc phục tình trạng này, chuyện quản lý ATTP tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM sắp tới sẽ không còn nói chung chung nữa, nhưng phải có lãnh đạo địa phương cụ thể chịu trách nhiệm. Phải làm sao để thành phố cùng kiên quyết nói không vói thực phẩm bẩn”, ông Tuyến nói.