Dân Việt

Không nên nao núng

15/11/2011 14:17 GMT+7
(Dân Việt) - Đầu tháng 11, niên vụ cà phê 2011 – 2012 ở Lâm Đồng và Tây Nguyên, mới bắt đầu. Tuy nhiên, trong hơn một tháng qua, giá cà phê tại Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm… (Lâm Đồng) từ trên 50.000 đồng/kg (thời giá cao nhất của niên vụ 2010 – 2011) giảm xuống còn 41.000 – 42.000 đồng/kg đã tác động mạnh đến nông dân.

Theo giới quan sát, mấy ngày qua, cứ tiêu thụ 1 tấn cà phê, nông dân mất 1 triệu đồng so với đầu tháng 10 (giá chỉ còn 40,6 triệu đồng). Tuy nhiên, nói như Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Văn Sơn: “Với giá này, nhà nông vẫn có lời, và lời không nhỏ. Có điều, bởi vào đầu vụ thu hoạch, nhà nông phải trang trải nhiều khoản nên khi thu hoạch đến đâu thì bà con bán tới đó là một thực tế”. Đây chính là “chất xúc tác” khiến giá cà phê đang trên đà giảm càng giảm.

Một cán bộ chuyên môn của Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết: “Qua quá trình theo dõi, chúng tôi nhận ra rằng, vào đầu vụ, việc thu hoạch đến đâu bán tới đó của người trồng cà phê ở Lâm Đồng có khi là chuyện “lợi bất cập hại”.

Tất nhiên cũng phải… thông cảm rằng đây là thời điểm nhà vườn đã đổ hết vốn liếng vào đầu tư cho cây cà phê nên sự thúc bách về các khoản chi phí là rất lớn, nhưng nếu như biết “đánh bạc” với thị trường một cách… khoa học thì biết đâu nhà nông lãi to thì sao!”. Trong khi đó, nhiều nông dân ở Di Linh, Bảo Lâm… tỏ ra sốt ruột: “Thấy cà phê ngày một giảm giá mà lo. Không bán, biết đâu giá càng giảm thì sao?”.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, “cầu” của thế giới về cà phê sẽ không dừng lại ở con số 130 triệu bao (60kg/bao) như năm vừa qua. Như vậy, khoảng 20 triệu bao của cà phê Việt Nam xét về sản lượng (trong đó dành trên 90% để xuất khẩu) trong niên vụ 2011 – 2012 này là con số không quá lớn.

Nói cách khác, sự giảm giá từ trên 50.000 đồng/kg xuống còn 41.000 đồng/kg hiện nay đối với cà phê Lâm Đồng và Tây Nguyên chưa hẳn là một diễn biến đáng để quá lo ngại, quá nao núng. Hơn nữa, mới đây, chính sách thu mua dự trữ 300.000 tấn cà phê theo chỉ đạo của Chính phủ còn là một “điểm tựa” vững chắc để nhà nông trồng cà phê thêm vững tin vào sản phẩm của chính mình làm ra.

“2.000 tỷ đồng để hỗ trợ xuất khẩu cà phê tại lễ ký kết giữa Techcombank và Vicofa hôm 26.10 và 300.000 tấn cà phê thu mua dự trữ sẽ là cơ sở để khuyên nhà nông Lâm Đồng không nên quá nao núng khi giá cà phê đang có xu thế giảm như hiện nay. Nếu phải tiêu thụ để trang trải cho các khoản sau khi dồn lực đầu tư cho loại cây trồng này thì cũng chỉ nên bán cầm chừng mà thôi” – ông Sơn nói. n