Trên con đường đan ngoằn ngoèo thuộc ấp Phú Thạnh, chúng tôi không khó khi tìm đến nhà chú Nhất, bởi chú là một nông dân có tiếng về trồng vú sữa ở nơi đây. Trời nắng chói chang nhưng khuôn viên nhà ông Nhất thì mát dịu bởi những hàng cây vú sữa sai oằn, rợp bóng.
Ông Nguyễn Ngọc Nhất đang thu hoạch những đợt vú sữa tím xưa cuối cùng trong năm.
Trong cái khó, ló cái hay
Nói về “cơ duyên” với loại vú sữa tím xưa này, ông Nhất nhớ lại: “Hồi trước, nơi đây là ruộng lúa. Thấy không hiệu quả nên tui lên liếp trồng nhãn da bò và bưởi. Sau đợt nhãn bị bệnh chổi rồng, còn bưởi đã lão già nên tôi phải tìm loại cây khác thay thế”- ông nói tiếp- “Cùng thời điểm đó, đứa em ruột ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đem vú sữa lò rèn qua trồng thử nghiệm nhưng không hiệu quả do cây cao quá không bao trái được, khi vận chuyển dễ giập và trầy xước bán không được giá...".
Sau quá trình tìm tòi nghiên cứu, ông Nhất quyết định mua 80 cây giống vú sữa tím xưa ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách- Sóc Trăng) về trồng trên 3 công vườn, sau đó hiệu quả mới nhân rộng ra 8 công.
Tham quan vườn vú sữa của ông Nhất, chúng tôi không khỏi thán phục khi các cây đều trĩu quả, quả to, căng mọng đang vào đợt thu hoạch cuối vụ. Với ông, mỗi một mùa vú sữa đi qua là “mình lại có thêm kinh nghiệm”.
Chuyện làm thế nào “trị” dòi “tấn công”, chuyện trừ nấm bệnh, chuyện diệt sâu đục thân trên cây vú sữa được ông Nguyễn Ngọc Nhất kể mê ly, người “tay ngang” như chúng tôi nghe mà cũng “thấy sướng”.
Ông Nguyễn Ngọc Nhất bảo: “Cây vú sữa tím xưa có hạn chế là khả năng chống chọi yếu, cây rất dễ gãy nhánh trốc gốc vì gió bão. Vì thế không để cây cao quá bằng cách “bấm” đọt, tán xòe ra xung quanh, cây không những cứng cáp, không đổ ngã mà còn dễ chăm sóc và thu hoạch. Cũng vì vậy mà cây vú sữa tím xưa dễ bao trái, ít phân, thuốc, tỷ lệ hao hụt ít và an toàn vệ sinh”.
Bổ đôi quả vú sữa tím xưa màu sắc hấp dẫn, vị ngọt thanh như thế này thì dù khó tánh đến mấy bạn cũng sẽ nếm thử một lần rồi nhớ mãi.
Ông Nguyễn Ngọc Nhất đúc kết: Nếu trồng loại vú sữa tím xưa này thì nên trồng 40 cây/công để tận dụng hết diện tích đất. Khi cây lớn sẽ tuyển những cây cho trái sai giữ lại còn 25 cây/công là tốt nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Nhất rất yên tâm với mô hình trồng vú sữa tím xưa bởi vườn vú sữa này luôn được giá.
“Cây vú sữa tím xưa cho trái rất nhanh, khi cây đủ 2 năm thì bắt đầu làm bông cho trái. Thường thì khoảng tháng 3 âm lịch là bắt đầu dưỡng cây cho hoa, tượng trái. Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 là bắt đầu thu hoạch đến hết tháng 1 là kết thúc đợt trái. Một cây 4 năm tuổi cho khoảng 100kg trái/cây, nếu 1 cây từ 8 năm tuổi có thể cho 250kg trái/cây hoặc nhiều hơn”- ông Nhất cho biết.
"Giá trước tết, trung bình khoảng 35.000 đ/kg, sau tết là 18.000 đ/kg. Tui nhẩm tính, trừ chi phí khoảng 25 triệu đồng/công. Nếu cây lớn đúng sức từ 8 tuổi trở lên thì lời cả 100 triệu đồng/công...", ông Nguyễn Ngọc Nhất tính toán. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Nhất, đầu ra khá thuận lợi. Cứ đến mùa trái chín là tự thương lái đến mua hết. Trường hợp chín rộ quá thương lái không tiêu thụ hết, ông Nhất sẽ chở lên vựa ở Nha Mân (Đồng Tháp) để bán.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Nhất vừa kết thúc cũng là thời điểm thương lái đến cân hàng. Chị Lê Thị Cẩm Loan (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh- huyện Long Hồ) là mối lái chợ Vĩnh Long đã mua vú sữa vườn chú Nhất được 8 năm. Vừa lựa trái chị vừa cho biết: “Tôi thích mua vú sữa tím xưa vì có thể bán được 2 ngày, có giá, dễ bán. Nhất là đầu mùa, giá có khi 50.000- 60.000 đ/kg mà không đủ bán. Vú sữa tím xưa vườn anh Nhất ngon nên tôi có thể đóng gói bán được ở TP Hồ Chí Minh, Bình Phước và cả ngoài Hà Nội nữa”.
Hy vọng rằng, với quyết tâm làm giàu, không ngại gian khó, mô hình trồng vú sữa tím sẽ phát huy hiệu quả, không những đem lại lợi nhuận lớn cho gia đình ông Nhất mà còn là hướng phát triển kinh tế cho người dân quanh vùng.
Ông Nguyễn Hữu Tâm- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú Thuận cho biết: Chú Nhất là một nông dân cần cù, ham học hỏi đã mang cây vú sữa tím xưa- loại cây “ăn chắc, mặc bền”- về vùng An Phú Thuận trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình mới của chú Nhất sẽ được báo cáo điểm hình trong 6 tháng đầu năm 2018 và khuyến khích bà con đến tham quan, học hỏi và nhân rộng ra trong toàn xã. |