Dân Việt

Kỳ tích ở Lâm Đồng: Đất nông nghiệp hoá vàng, giá trị đạt 2 tỷ/ha

Văn Long 14/03/2018 06:30 GMT+7
Với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung với các cây trồng chủ lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao..., chỉ trong 5 năm (2010 – 2015), giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích của tỉnh Lâm Đồng đã tăng gấp đôi, nhiều diện tích đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha...

Giá trị sản xuất tăng cao

Đến xã Lát (huyện Lạc Dương), dễ nhận thấy là những đồi đất hoang, những vườn hồng ăn quả, cà phê kém hiệu quả ngày nào đã biến mất, thay vào đó là lớp lớp nhà kính, nhà lưới, vườn rau, hoa ứng dụng công nghệ cao.

Còn tại huyện Đức Trọng, ngoài 3 cây trồng chủ lực là cà phê, chè và dâu tằm, đến nay không còn gặp những cánh đồng lúa một vụ, bắp (ngô), đậu công nghiệp như 5 – 7 năm về trước, khi mà mỗi ha trồng rau, hoa hoặc cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao gấp cả chục lần…

img

 Vườn hoa treo chuyển đổi từ diện tích trồng cà phê kém hiệu quả của gia đình anh Nguyễn Anh Duy (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Ảnh: V.L

Giải pháp giảm diện tích kém hiệu quả của Lâm Đồng là đầu tư các công trình thủy lợi nhằm tăng vụ gieo trồng đối với cây ngắn ngày, tiếp tục chuyển đổi đất lúa 1 vụ, đất kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, hoa có giá trị kinh tế, phát triển đồng cỏ chăn nuôi... Đồng thời tái canh các diện tích cà phê cho năng suất dưới 1,5 tấn/ha, cải tạo diện tích điều, chuyển vườn tạp sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bơ...

Với tốc độ nhanh và quy mô lớn hơn, huyện Đơn Dương đã chuyển đổi hàng nghìn ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau và hoa công nghệ cao. Quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ năm 2008, đến nay Đơn Dương đã có 25.000ha chuyên canh các loại rau - củ - quả, với sản lượng gần 1.000 tấn/năm.

Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng ở huyện này còn tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ khâu cung ứng giống, phân bón, máy nông nghiệp cho đến đầu ra của sản phẩm.

Theo UBND huyện Đơn Dương, chỉ trong 5 năm (2010 – 2015), giá trị sản xuất bình quân/ha đã tăng từ 76 triệu đồng lên 175 triệu đồng, cá biệt có các mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng  cho biết, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng (2010 – 2015), một số cây trồng của tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc về diện tích và sản lượng như: Cây rau diện tích tăng 30%, sản lượng tăng 60%; cây hoa diện tích tăng 50%, sản lượng tăng 220%; cây ăn quả diện tích tăng 18,5%...

Một số cây trồng cho giá trị kinh tế cao như rau bình quân 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, cà phê 95 - 100 triệu đồng/ha, hoa trên 500 triệu đồng/ha/năm... Trong đó diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng rau, đậu, hoa các loại là 10.000ha, tập trung tại các huyện Đạ Tẻh, Đơn Dương, Cát Tiên...

Qua đánh giá trên diện tích chuyển đổi từ đất lúa, hiệu quả kinh tế tăng 30 – 40 triệu đồng/ha đối với rau, 40 – 50 triệu đồng/ha đối với hoa các loại. Qua đó đã góp phần đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích của tỉnh năm 2015 lên 145 triệu đồng/ha (tăng gần gấp đôi so năm 2010) và năm 2017 là 158 triệu đồng/ha (bình quân cả nước là 82 triệu đồng/ha). Đây quả là một bước phát triển thần kỳ.

Cũng theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, cùng với việc chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, một số diện tích vẫn giữ nguyên loại cây trồng theo quy hoạch như chè và cà phê, nhưng đã được thay bằng các giống mới cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Chuyển đổi cây trồng - việc làm thường xuyên

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Chính sách chuyển đổi giống cây trồng là hoạt động mang tính chất thường xuyên, thiết thực, chi phí đầu tư không lớn nhưng phát huy hiệu quả trong sản xuất. Qua 10 năm chuyển đổi giống cây trồng, tỉnh đã cải thiện đáng kể chất lượng giống, hình thành các vùng sản xuất chủ lực quy mô lớn, tạo thuận lợi trong quá trình thu mua, tiêu thụ và thu hút đầu tư nhà máy chế biến nông sản, phát huy được lợi thế của từng vùng. Bên cạnh đó, nhiều loại cây trồng mới sau khảo nghiệm đã được nông dân và các doanh nghiệp mạnh dạn đưa vào sản xuất đại trà như các giống rau, hoa mới, cây dược liệu, cây ca cao, mắc ca...”.

Cũng theo ông Sơn, chuyển đổi cây trồng phải gắn với phát triển chuỗi nông sản an toàn, đảm bảo đầu ra và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. Trước hết ngành nông nghiệp cần làm tốt công tác định hướng, khuyến cáo người dân chuyển đổi sang các giống cây trồng có ưu thế vượt trội, phù hợp định với hướng của tỉnh.

Chính sách hỗ trợ cũng phải thiết thực, đúng đối tượng như hỗ trợ cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; còn các đối tượng khác thì tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn…

Mục tiêu của Lâm Đồng phấn đấu năm 2020 đạt giá trị sản xuất bình quân đạt 170 triệu đồng/ha, năm 2025 đạt 220 triệu đồng/ha… Với 90.000ha đất sản xuất cho giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm, mục tiêu của tỉnh là giảm xuống 60.000ha vào năm 2020 và 15.000ha vào năm 2025 (tức chỉ còn 5% tổng diện tích sản xuất).