Dân Việt

Người dân "tiêu"vì cây tiêu: Không "hồi sinh" những vườn tiêu chết

Đình Thắng (thực hiện) 16/03/2018 08:29 GMT+7
Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn (ảnh) - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT - về những hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan này trong việc chuyển đổi cây trồng ở Tây Nguyên.

Ở  Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai, bà con nông dân đang tiến hành chặt bỏ cây hồ tiêu, mía vì sâu bệnh, giá giảm để thay thế bằng các loại cây ăn quả. Cục Trồng trọt có nắm được thông tin này không, thưa ông?

- Đúng là người dân đang có xu hướng chuyển đổi cây tiêu sang cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn quả ở Gia Lai. Tuy nhiên diện tích chuyển đổi tập trung ở những vườn tiêu già cỗi hết thời kỳ kinh doanh, thường trên 15 năm. Người dân thấy giá tiêu xuống thấp nên chuyển qua cây khác, không tiến hành tái canh hồ tiêu.

img

Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển sang trồng bơ, sầu riêng, chanh leo... thay thế hồ tiêu ngoài quy hoạch. Ảnh: T.L

"Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên chặt bỏ tràn lan, ồ ạt hồ tiêu để trồng loại cây khác. Vườn hồ tiêu bị hỏng cây nào mình trồng cây khác thay thế vào đó, tuyệt đối không phá ồ ạt”.

Ông Nguyễn Hồng Sơn

Những vườn tiêu bị bệnh cũng được chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển sang cây trồng khác (chiếm đa số). Một số diện tích mới trồng đang trong thời kỳ kinh doanh nhưng không nằm trong quy hoạch, trồng ở đất xấu không phù hợp với cây hồ tiêu, năng suất thấp thì người dân cũng chuyển sang cây trồng khác.

Việc chuyển đổi này có ảnh hưởng đến sản lượng và sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu?

- Việc chuyển đổi này không ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng cây hồ tiêu Việt Nam, vì định hướng quy hoạch của chúng ta ổn định 100.000 - 120.000ha, trong khi hiện nay diện tích hồ tiêu đã vượt quy hoạch, đạt khoảng 152.000ha.

Trước việc phát triển quá nóng hồ tiêu, Cục Trồng trọt đã tham mưu cho Bộ NNPTNT có Chỉ thị số 132/2016 về việc tuyên truyền để bà con nông dân không tự phát trồng hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, các địa phương có các biện pháp quản lý tốt việc phát triển hồ tiều trên địa bàn. Tại cuộc họp ngày 25.1.2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã kết luận rất rõ là không trồng mới hồ tiêu, không tái canh trên diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Trồng trọt đã và đang phối hợp các địa phương trước mắt là rà soát lại quy hoạch hồ tiêu trước đây để xây dựng đề án phát triển hồ tiêu bền vững. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương không mở rộng diện tích, không tái canh trên diện tích hồ tiêu bị bệnh, kiểm soát tốt nguồn giống hồ tiêu và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 132. Từng bước cơ cấu lại ngành hàng hồ tiêu theo chuỗi giá trị, tìm kiếm các dự án ODA để hỗ trợ phát triển ngành hồ tiêu bền vững.

Đây là thời điểm để chúng ta giảm diện tích trồng cây hồ tiêu về đúng với quy hoạch đề ra, đồng thời trồng thay thế, tái canh diện tích hồ tiêu đã già cỗi để nâng cao năng suất chất lượng hồ tiêu, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con.

Vậy đối với việc chuyển đổi diện tích trồng hồ tiêu sang cây trồng khác, Cục Trồng trọt có khuyến cáo gì?

- Nếu vườn hồ tiêu nào bị dịch bệnh, chết cả vườn thì bà con có thể thay thế toàn bộ vườn bằng cây ăn quả. Tuy nhiên nếu vườn nào còn có thể giữ được một phần, bà con nên giữ, diện tích còn lại cho xen canh với cây ăn quả nhằm tạo thu nhập ổn định. Bởi trước mắt bà con sẽ vẫn có thu nhập từ hồ tiêu dù giá thấp, sau đó khi cây ăn quả đến vụ thu hoạch, bà con tiếp tục có nguồn thu từ cây ăn quả.

Bà con cần lựa chọn phương án chắc ăn nhất, đi bằng “hai chân” luôn vững vàng hơn thay vì đi một chân. Có 2 nguồn thu luân phiên vẫn tốt hơn là chỉ trồng chờ vào một nguồn thu. Phương án này đặc biệt phù hợp với những hộ có thu nhập thấp, nguồn thu từ cây ăn quả và tiêu sẽ gánh cho nhau, giảm bớt rủi ro.

Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên chặt bỏ tràn lan, ồ ạt hồ tiêu để trồng loại cây khác. Vườn hồ tiêu bị hỏng cây nào mình trồng cây khác thay thế vào đó, tuyệt đối không phá ồ ạt.

Còn đối với cây mía, đây là cây trồng hàng năm, hết vụ thì thôi, người dân sẽ không trồng nữa nếu thấy không có hiệu quả.

Từ Trung ương đến chính quyền địa phương đều nhất quán động viên bà con nông dân không trồng tái canh hồ tiêu nữa. Vì những vườn đã bị dịch bệnh lâu năm, nếu trồng tái canh khả năng tái dịch bệnh là rất cao, sẽ tăng thêm rủi ro trong bối cảnh giá tiêu đang giảm.

Với các cây hồ tiêu đã già cỗi, nếu vườn cây nằm trong vùng quy hoạch thì bà con có thể thay thế bằng cây hồ tiêu mới. Riêng với vườn cây nằm ngoài quy hoạch, thuộc khu vực đất cằn, kém chất lượng, bà con nên trồng xen canh giống cây khác.

Vậy đối với diện tích chuyển đổi, Cục Trồng trọt có khuyến cáo bà con trồng cây gì để thay thế không?

- Ở Tây Nguyên hiện có 2 loại cây trồng đang phát triển rất tốt là cây bơ và sầu riêng, ngoài ra bà con cũng có thể trồng cam, quýt hoặc cây chanh leo. Nông dân cũng đã được hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật canh tác đối với từng loại cây ăn trái ở từng vùng. Hiện nay ở Tây Nguyên trồng phổ biến sầu riêng, thị trường sầu riêng cũng đang phát triển khá tốt.

Xin cảm ơn ông!