Nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương,... giá rau xanh đang xuống thấp chưa từng thấy khiến nông dân rơi vào tình cảnh điêu đứng. Nhiều người phải cắn răng bán rẻ dù biết thua lỗ, thậm chí có người bỏ rau ngoài đồng cho thối dần để làm... phân xanh, hoặc cắt bỏ cho bò ăn. Hiện giá bán tại ruộng mỗi bó cải lớn chỉ khoảng 1.000 – 2.000 đồng, bắp cải 3.000 đồng/bắp, su hào 10.000 đồng/6 củ…
Giá bán tại ruộng mỗi bó cải lớn chỉ có giá 1.000 – 2.000 đồng, xà lách chỉ 7.000 đồng/kg, bắp cải 3.000 đồng/bắp… Ảnh: IT
Tuy giá rau trong nước đang giảm thấp ở mức kỷ lục, nhưng chúng ta vẫn nhập 3.000 tấn rau từ Trung Quốc, đây là nghịch lý nhiều người khó lý giải, một số ý kiến nghi ngại việc nhập rau từ Trung Quốc đã khiến cho giá rau trong nước sụt giảm.
Tuy nhiên khi trả lời Dân Việt về vấn đề này, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định: "Giá rau trong nước giảm mạnh không liên quan đến việc nhập khẩu rau từ Trung Quốc, tôi khẳng định điều này hoàn toàn không đúng. Việc nhập 3.000 tấn rau là không đáng kể so với lượng tiêu thụ trong nước".
Nhiều ý kiến cho rằng giá rau rớt thê thảm nhiều ngày qua một phần do rau từ Trung Quốc tràn vào trong nước.
Ông Trung cho rằng: “Việc rau một số địa phương giá thấp hoặc rớt giá theo tôi có thể do 2 nguyên nhân, thứ nhất do sự điều tiết của thị trường; thứ hai, do lượng cung trong nước quá nhiều so với nhu cầu trong một thời điểm nên thời điểm đó giá giảm".
Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra tìm hiểu vấn đề này, hầu hết các loại rau từ Thái Lan không hề nhập vào Việt Nam một kg nào, đối với rau Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái cũng không nhập vào Việt Nam, còn qua cửa khẩu Cào Cai, trong tháng 2 có nhập 3.000 tấn rau từ Trung Quốc, tuy nhiên lượng rau này không đáng kể.
Lý giải về việc rau một số địa phương giá rớt thê thảm, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân đồng loạt thu hoạch rau màu vụ đông cấp tốc để giành đất gieo cấy vụ lúa mới vì vậy nguồn cung tăng đột biến dẫn tới giá giảm. Một nguyên nhân nữa là do thời tiết, thời tiết vụ đông xuân năm nay thuận lợi để rau màu phát triển, nên năng suất tăng, khiến nguồn cung tăng.
Còn về thông tin giá rau trong nước giảm vì Việt Nam nhập khẩu rau từ Trung Quốc, ông Định cho biết, đúng là chúng ta có nhập rau từ Trung Quốc nhưng chỉ nhập các loại rau trái vụ so với Việt Nam. Chúng ta thường nhập rau của Trung Quốc vào thời điểm tháng 6,7, hay nhập các loại như khoai tây, cải thảo... Thời điểm đó, rau trong nước chưa thu hoạch nên chúng ta phải nhập để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tôi không cho rằng việc nhập rau của Trung Quốc có tác động đến giá cả rau trong nước vì chúng ta thường chỉ nhập những loại rau mà chúng ta chưa đến vụ thu hoạch”.