Dân Việt

Còn ai “nhúng chàm” cùng cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa?

Kiều Minh 15/03/2018 06:40 GMT+7
Làm sáng tỏ câu hỏi “còn ai “nhúng chàm” cùng ông Nguyễn Thanh Hóa?” sớm bao nhiêu thì niềm tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc làm trong sạch bộ máy được củng cố sớm bấy nhiêu.

Vụ án cựu Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa bảo kê cho đường dây đánh bạc lên tới cả nghìn tỷ đồng có thể gây bất ngờ, nhưng không phải là chuyện mới.

Bởi bản chất câu chuyện này từng được chỉ thẳng tại nhiều diễn đàn phòng chống tội phạm qua đúc kết mang tính hệ thống: “Có tình trạng tham nhũng trong chính các cơ quan phòng chống tham nhũng”. Có khác chăng chỉ là “có tội phạm trong cơ quan phòng chống tội phạm”.

img

Dmitry Zakharchenko và một phần số tiền tham nhũng.

Ngay ở nước Nga vào cuối tháng 2 vừa rồi, người ta phát hiện trong nhà ông Dmitry Zakharchenko - Cục phó Cục An ninh kinh tế và Chống tham nhũng Bộ Nội vụ Nga một khoản tiền trị giá 120 triệu USD và 2 triệu euro. Số tiền nặng tới 1,2 tấn này, theo phán đoán ban đầu, có thể là tiền ông Dmitry được “trả công” khi giúp đỡ cựu lãnh đạo của công ty viễn thông lớn thứ hai tại Nga bỏ trốn khỏi cuộc điều tra vụ hối lộ 800 triệu Rúp...

Còn ở ta, theo những tài liệu điều tra ban đầu, ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã “nhúng chàm” khi đàng hoàng đặt bút ký vào một bản “hợp đồng” để nhận 20% hoa hồng từ chính những kẻ điều hành đường dây đánh bạc qua mạng với giá trị lên tới cả nghìn tỷ đồng, mỗi tháng.

Vai trò của cựu Thiếu tướng công an trong đường dây này thế nào, số tiền ông nhận được từ 20% hoa hồng là bao nhiêu…, những câu hỏi này sẽ sớm được cơ quan chức năng làm rõ. Nhưng chắc chắn một điều, niềm tin của người dân vào lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao nói riêng và tội phạm nói chung đã ít nhiều suy suyển.

Tôi cũng phần nào đồng tình với quan điểm của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an khi ông cho rằng, trường hợp của ông Nguyễn Thanh Hóa - một cán bộ công an bị tha hóa - chỉ là cá biệt.

Vụ án của ông Hóa, dù động trời tới mức nào, cũng không thể che lấp bao chiến công thầm lặng của lực lượng công an nhân dân. Lại càng không thể khiến người ta quên được sự hy sinh của hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ công an cả trong thời chiến và thời bình để bảo vệ an ninh trật tự cho nhân dân, cho đất nước…

img

Trong công cuộc đấu tranh với tội phạm, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống...

Và đương nhiên, lại càng không thể coi vụ án của ông Hóa là một hiện tượng phổ biến của ngành công an, dù rằng trước ông Hóa, đã có những vị lãnh đạo cùng ngành, thậm chí với thứ bậc cao hơn, từng bị phanh phui vì liên quan tới tội phạm.

Lực lượng công an nhân dân đã và sẽ phải luôn là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân - như chính khẳng định của Chủ tịch Quốc hội tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ dạy Công an nhân dân 6 điều ngày 11.3 vừa qua.

“Công an nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào phải giữ mình thực sự trong sạch, vững vàng…”, đây là điều mà lực lượng công an phải luôn nhớ nằm lòng. Vì chính họ, với chức trách, nhiệm vụ được giao, đã bị đặt giữa lằn ranh vô cùng mong manh giữa xấu và tốt, giữa tội phạm và người bảo vệ pháp luật.

Việc phòng chống tội phạm buộc lực lượng công an phải tiếp xúc, thâm nhập vào giới tội phạm để hiểu rõ hơn, nắm bắt rõ hơn bản chất đối tượng. Đó là cơ hội và cũng là phép thử cao nhất với bản lĩnh người công an trước mọi cám dỗ.

Nhưng phải làm gì để những “cá biệt” Nguyễn Thanh Hóa không thể và không có cơ hội trở nên “phổ biến” trong lực lượng công an?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải giải được một mệnh đề khác: Khi vị Cục trưởng C50 câu kết với tội phạm một thời gian dài, hệ thống giám sát của đơn vị ông, của ngành công an và của tổ chức Đảng nơi đó đã vận hành ra sao? Tổ chức nào đã kiểm tra, giám sát vị Cục trưởng này? Bằng phương thức nào mà không thể phát hiện ra hành vi sai trái?

Trò chuyện với người viết, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng và từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư đánh giá: Trong trường hợp này, phải chăng, hệ thống giám sát của tổ chức Đảng và ngành tại C50 đã tê liệt?

Hệ thống giám sát ngang - dọc trong lực lượng công an phải nói là dày đặc. Nhưng lý do nào mà vị Cục trưởng vẫn ung dung “bảo kê” cho tội phạm hoạt động mà không bị phát giác, cho đến khi Công an tỉnh Phú Thọ phá một vụ án nhỏ và tình cờ lần ra manh mối của “cá lớn”. Không thể nói gì khác ngoài kết luận: Hệ thống giám sát đã không hoạt động. Hoặc có cũng rất hình thức.

Ông Vũ Quốc Hùng cũng đề nghị phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm cấp trên của vị cựu Thiếu tướng trong vụ việc này, khi đã không thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra cấp dưới của mình.

“Một mình ông Hóa liệu có thể bảo kê cho cả đường dây đánh bạc khủng hoạt động, hay còn những ai trong lực lượng đã “nhúng chàm” cùng ông này mà chưa bị phát hiện?”, ông Hùng đặt dấu hỏi.