Trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao
Trên đường đến tham quan khu trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao của vợ chồng anh Quý, chị Cuối chúng tôi được nghe lãnh đạo Hội ND Hà Nội kể rất nhiều về cặp đôi đặc biệt này. Khác với hình dung về “cặp đôi quyền lực” từng đi xuất khẩu Đài Loan đến hàng chục năm trời ắt hẳn phải rất lắm tiền và sang chảnh, chị Cuối với mái tóc tém, ăn vận giản dị đang xắn tay vào thu hoạch ngoài ruộng rau cùng với công nhân. Gần đó, anh Quý đang hối hả chỉ huy từng toán thợ đổ đường bê tông khang trang ra đến tận ruộng rau.
Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới rộng 4.000m2 với những luống rau ngay ngắn, tươi xanh, chị Cuối phấn khởi nói: “Tất cả các thiết bị trong nhà lưới này đều được vận chuyển từ Đài Loan về. Kể cả giống rau, tôi cũng cho nhập từ Đài Loan, Nhật, Mỹ”
Chỉ tay vào khung nhà màng chị Cuối bảo, cái hay ở chỗ là toàn bộ khung nhà tuy bằng kim loại nhưng lại không hề có bất cứ một mối hàn nào mà chỉ lắp ghép với nhau bằng những cái chốt móc được nhập từ Đài Loan về. Bởi thế mà khi có gió to chúng vẫn có thể đàn hồi, xê dịch được chứ không cố định lại một chỗ để rồi bị vò cho nứt rạn, gãy vụn.
Chị Đặng Thị Cuối chăm sóc luống rau hữu cơ. Ảnh: Thu Hà
Đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng những công nghệ trồng rau mới, hoạt động trồng rau của chị Cuối thuận lợi hơn rất nhiều do không còn quá phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nơi đây cũng đã đầu tư hệ thống tưới phun để điều tiết nhiệt độ, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước.
Gần với khu nhà lưới, vợ chồng chị Cuối cũng đã đầu tư một hệ thống sau thu hoạch rất bài bản. Mỗi ngày, khoảng 2 – 3 tạ rau được tập trung về khu vực chế biến để phân loại, rửa sạch và đóng gói cẩn thận. Trên bao gói có đầy đủ các thông tin cần thiết cho người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Với giá dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại, đem bán được 4 - 5 triệu đồng/ngày, trong đó lãi chiếm 50%, 1 tháng 70 - 80 triệu đồng lãi. Thế nhưng anh chị Cuối Quý vẫn không thỏa mãn bởi đang đặt mục tiêu phấn đấu nửa năm nữa, mỗi ngày mở mắt ra là phải thu được 10 triệu đồng trong đó lãi 5 triệu đồng. Sản phẩm hiện nay làm ra không đủ cung cấp cho các đầu mối thu mua.
Từ trăn trở đến hiện thực ước mơ suốt 16 năm ròng
Trùng hợp thú vị, vợ chồng chị Cuối và anh Quý sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm 1971 và chơi thân với nhau từ tấm bé cho đến khi nên duyên vợ chồng. Lập gia đình kinh tế khó khăn, năm 2000 chị Cuối đành phải dứt áo đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan. Tại đây, chị Quý vào làm việc tại các trang trại trồng rau sạch và choáng ngợp với thu nhập khủng của ông chủ Đài Loan quy ra cũng phải hàng chục tỷ đồng tiền Việt.
“Họ chỉ có hơn 1ha đất vườn, nhưng áp dụng tiến bộ khoa học và đầu tư công nghệ cao vào trồng rau theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh. Nó khác xa so với những gì tôi vẫn nghĩ về cây rau. Ngoài trình độ sản xuất cao hơn mình rất nhiều, tôi còn bị mê hoặc bởi yếu tố chất lượng, môi trường và ý nghĩa của việc trồng rau sạch. Nước trồng rau sạch đến nỗi hơn cả nước người uống vì nhà chủ dùng nước máy để ăn nhưng cũng thứ nước ấy phải qua máy lọc mới dám đưa vào hệ thống tưới tự động cho rau. Trước mỗi mùa vụ đất đai được “khò” qua lửa để diệt sạch mầm bệnh. Phân gà được ủ trên 6 tháng cho chết hết ký sinh trùng rồi mới đem bón. Sâu nếu có được bắt bằng tay là chính chứ không mấy khi phải phun thuốc”, chị Quý bộc bạch.
Lãnh đạo Hội ND T.P Hà Nội thăm mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao của gia đình chị Cuối. Ảnh: Thu Hà
Sau 8 năm xuất khẩu chị Cuối về quê, trao đổi với chồng về công nghệ hiện đại và thu nhập khủng từ việc trồng rau ở Đài Loan. “Chồng tôi – anh Quý lúc ấy không tin bảo: “Từ thời thượng cổ đến giờ chưa ai làm nông mà giàu lên được”. Chẳng biết nói gì hơn chị mới khăng khăng rằng: “Thế thì em sẽ dắt anh đi Đài Loan để xem người ta làm nông như nào,…”
Về nước, kiên trì với quyết định của mình, sau 1 tháng cật lực làm việc, từ làm đất, chọn giống đến gieo hạt, tưới rau... những mầm xanh đầu tiên đã nhú lên ngay trên mảnh đất vốn ngổn ngang đá sỏi. Công việc cứ thế kéo từ ngày này qua ngày khác, vất vả cũng vì thế nhân lên gấp bội. Nhưng đất không phụ công người, một vườn rau sạch rộng lớn đã bắt đầu xanh tốt.
Chị Cuối bảo, khi rau thu hoạch được cũng là lúc gian nan nhất khi rau bán không ai mua. “Tôi phải mang từng bó rau ra chợ bán. Khổ nỗi trồng toàn giống rau cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan… những loại rau ấy không chỉ lạ về tên mà còn lạ về hình dáng, chả mấy người hỏi mua”, chị kể lại.
Người nào mua thì chị bán, người nào chê thì chị tặng: “Không cần mua đâu, chỉ cần chị mang về ăn thử xem có ngon không, có sạch không. Thấy rau tươi, ngon, an toàn dần dần mọi người mua tới tấp. “Tình thế lúc này đảo ngược, từ ế ẩm đến rau trồng không đủ bán. Cơ hội đây rồi, tôi cắm nhà vay 500 triệu cộng thêm vay người thân quen được tổng cộng 2,6 tỷ đồng quyết chí thuê đất để mở rộng cơ sở sản xuất trồng rau”, chị Quý kể.
Mong muốn mọi người đều được ăn thực phẩm sạch
Tháng 7.2017, được Dịch vụ nông nghiệp xã HTX Đan Phượng hỗ trợ thuê đất hơn 4ha của 52 hộ dân, mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của vợ chồng Cuối Quý chính thức đi vào hoạt động. Ngoài khoảng 4.000m2 nhà màng còn lại phần lớn là trồng ngay ngoài trời. UBND huyện Đan Phượng đã hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng, nhà sơ chế, một số quy trình kỹ thuật và tem, nhãn truy xuất nguồn gốc.
Chị cuối bảo: “Để có được rau sạch từ nhà màng không quá khó nhưng để có được rau sạch từ trồng ngoài trời thì ngoài tuân theo tạo hóa, mùa nào thức ấy còn phải chăm sóc sao cho cây có sức đề kháng tốt nhất với sâu bệnh”.
Nước sạch, không khí sạch, đất trồng cũng sạch. Trước khi trồng anh chị Cuối Quý kỳ công đem bình gas cùng vòi phun lửa ra khò qua đất một lượt để diệt mầm bệnh, bỏ phân, trộn đều rồi khò thêm một lượt nữa rồi mới trộn với phân gà ủ hoai mục để trồng rau. Nước được lọc thật sạch hơn cả nước sinh hoạt rồi mới bơm vào hệ thống tưới. Họ hoàn toàn không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Thửa ruộng nào bị sâu thì bắt, bị bệnh thì nhổ bỏ rồi lại tráng đất qua lửa để diệt hậu họa. Kỹ thuật bài bản và công phu nên rau sạch “made in” vợ chồng Cuối Quý, người dùng có thể vô tư ăn ngay tại ruộng.
Theo chị Cuối, những loại cây ăn lá, yếu tố môi trường, sinh vật gây hại là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy việc phòng trừ sâu bệnh trong trồng rau hữu cơ hết sức gian nan. Nhiều đêm anh Quý phải thức trắng đêm theo dõi chu kì hoạt động.
Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong những năm tới, chị Cuối cho biết: “Mong muốn của tôi là sẽ “phủ sóng” rau sạch đến mọi nhà, để ai ai cũng được sử dụng những thực phẩm sạch. Để làm được điều ấy, hiện tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau. Dự kiến từ năm 2018 trở đi, mỗi năm tôi quyết tâm phát triển thêm ít nhất 1ha rau sạch; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ đến tất cả các trường học. Tôi ước muốn mọi người, mọi nhà, nhất là trẻ em phải được ăn thực phẩm sạch”.
Box: Theo ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND TP Hà Nội, mô hình trồng rau hữu cơ theo công nghệ cao của anh chị Quý Cuối bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhất là những thị trường yêu cầu cao như các bếp ăn tập thể. Vì thế, Hội ND TP đã chỉ đạo Hội ND huyện Đan Phượng tiến hành tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thực tế. Trên cơ sở đó sẽ có các bước hỗ trợ nhân rộng mô hình này.