Lý do chính mà các doanh nghiệp của Việt Nam đưa ra chính là trong một thời gian ngắn không thể thu gom đủ số lượng hàng hóa trên với mẫu mã, tiêu chuẩn, chất lượng… đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng.
Còn đối với các loại rau, mặc dù thời gian sản xuất ngắn nhưng từ quy trình canh tác đến thu hái, sơ chế, bảo quản… của chúng ta cũng chưa tốt nên đã từng có những đơn hàng bị EU cảnh báo như húng quế, mướp đắng…
Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: I.T
Một lãnh đạo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận xét: Ngành rau quả Việt Nam đã có một năm cực kỳ thành công với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng trưởng hơn 40%, trong đó trái cây chiếm tỷ lệ lớn.
Đáng chú ý các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe nhất thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều đã mở cửa cho quả tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, dù cơ hội và tiềm năng là rất lớn nhưng do chúng ta thiếu một chính sách riêng biệt cho lĩnh vực trồng trọt rau quả nên dù có nhiều loại rau quả đặc sản thật nhưng chủ yếu được trồng manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng lại không đồng đều.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngoài sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì các vùng trồng hoa quả cũng thiếu tính liên kết, thiếu quy trình canh tác nên khó truy xuất nguồn gốc dẫn tới không tạo được niềm tin cho những khách hàng “khó tính”.
Không chỉ có các loại hoa quả xuất khẩu được vào những thị trường khó tính mà ở Việt Nam đã có những vùng trồng các loại rau “đếm lá” tính tiền. Đó chính là câu chuyện về việc trồng lá tía tô xanh tại trang trại của Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm ở Lương Tài (Bắc Ninh) được xuất khẩu đi Nhật Bản với giá 500-700 đồng mỗi lá.
Điều đáng nói là các loại lá tía tô này bắt đầu cho thu hoạch sau một tháng gieo trồng. Đại diện Tập đoàn May Hồ Gươm từng tiết lộ, lá tía tô để xuất khẩu phải đảm bảo đúng 3 kích thước, được phân loại và đưa vào kho lạnh.