Dân Việt

'Gina tàn bạo' - biệt danh một thời của nữ giám đốc CIA được Trump đề cử

Vũ Hoàng 17/03/2018 10:18 GMT+7
Gina Haspel từng nổi tiếng với biệt danh "Gina Tàn bạo" vì vai trò bà đảm nhận trong một chương trình thẩm vấn gây tranh cãi của CIA.

img

Bà Gina Haspel, giám đốc CIA mới được Tổng thống Trump đề cử

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13.3 thông báo sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và thay thế ông bằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo. Đi kèm với đó, thay vị trí Pompeo ở CIA sẽ là cấp phó của ông, bà Gina Haspel.

Tuy nhiên, quyết định này của Tổng thống Trump lập tức làm dấy lên hàng loạt ý kiến trái chiều, bắt nguồn từ việc bà Haspel từng đóng vai trò quan trọng trong một chương trình tra tấn gây tranh cãi, theo New York Times. Bà được mệnh danh là "Gina Tàn bạo".

Với tư cách chỉ huy một nhà tù bí mật của CIA ở Thái Lan, Haspel là người giám sát và trực tiếp ra lệnh thực hiện những "kỹ thuật thẩm vấn nâng cao" đối với các nghi phạm khủng bố, chẳng hạn như trấn nước, ném tù nhân vào tường hay giam giữ tù nhân hàng giờ liền trong những chiếc hộp mô phỏng quan tài.

Một số báo cáo cho hay bà Haspel thậm chí còn đến tận buồng giam của một tù nhân để trấn áp anh ta sau khi người này bị tra tấn. Dù có quyền hạn để dừng các biện pháp thẩm vấn lại khi những tù nhân đã kiệt sức hay mất ý thức, những đoạn băng ghi âm hoặc ghi hình chính thức cho thấy Haspel chưa bao giờ làm vậy.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain miêu tả các biện pháp tra tấn nâng cao dưới thời cựu tổng thống Mỹ George W. Bush là "một trong những chương đen tối nhất của lịch sử Mỹ". Ông nằm trong số những người đầu tiên yêu cầu Haspel giải thích bản chất mối liên quan giữa bà với chương trình tra tấn khi bà tham dự các phiên điều trần phê chuẩn chức vụ tại thượng viện.

"Chương đen tối" mà ông McCain nhắc tới bắt đầu bằng vụ khủng bố 11.9.2001. Lúc bấy giờ, CIA đối diện áp lực lớn hơn bao giờ hết phải tìm ra nhiều thông tin hơn về al-Qaeda cũng như phát giác những kế hoạch tấn công khác nhằm vào nước Mỹ.

Nhà tù Mắt Mèo

Năm 2002, CIA tin rằng họ đã bắt được kẻ quyền lực thứ ba của al-Qaeda, người từng là cố vấn riêng cho Osama bin Laden. Việc khai thác tù nhân mang tên Abu Zubaydah này đặc biệt quan trọng, đến mức CIA phải thực hiện những kỹ thuật thẩm vấn nâng cao gây tranh cãi.

Zubaydah được đưa đến một nhà tù bí mật không có tên trong sổ sách của CIA ở Thái Lan với mật danh Mắt Mèo. Nơi đây trở thành địa điểm nghiên cứu những kỹ thuật thẩm vấn mà chính quyền tổng thống Barack Obama về sau thừa nhận rằng nó chỉ là tên khác của hành vi tra tấn. Tuy nhiên, dưới thời tổng thống Bush, Haspel được đảm bảo rằng những phương pháp thẩm vấn đó không những hợp pháp mà còn cần thiết trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Haspel, lúc bấy giờ là một thành viên cốt cán của trung tâm chống khủng bố CIA, nhanh chóng được bổ nhiệm làm chỉ huy nhà tù Mắt Mèo và trực tiếp giám sát việc thẩm vấn Zubaydah cùng một tù nhân quan trọng khác: Abd al-Rahim al-Nashiri, kẻ bị cáo buộc liên quan tới hàng loạt vụ khủng bố, lên kế hoạch đánh bom tàu khu trục USS Cole gần cảng Aden, Yemen, hồi năm 2000.

Những bản ghi nhớ của chính phủ tiết lộ Zubaydah bị trấn nước 83 lần chỉ tính riêng trong tháng 8.2002, vượt quá rất nhiều so với con số Bộ Tư pháp Mỹ cho phép. Thậm chí, biện pháp này vẫn được thực hiện ngay cả khi y đã chấp nhận hợp tác. Ngoài ra, Zubaydah còn khai rằng y bị ném vào tường và nhốt trong những chiếc hộp chật ních như quan tài suốt hàng giờ liền, khiến y không thể cử động.

Một báo cáo năm 2014 của thượng viện Mỹ xác nhận Zubaydah không phóng đại những hình thức tra tấn mà y phải chịu. Có lần, Zubaydah bị trấn nước tới mức "mất hoàn toàn phản ứng, bọt sùi trắng miệng". Đội y tế phải cứu chữa cho y.

"Các kỹ thuật thẩm vấn như quất roi hay ném vào tường được sử dụng kết hợp, thường xuyên đi kèm với biện pháp làm mất ngủ và ép buộc khỏa thân", báo cáo cho biết thêm.

Zubaydah, 31 tuổi, sau đó cầu xin tha thứ và thú nhận không biết gì về các kế hoạch của tổ chức.

img

Abu Zubaydah. Ảnh: Common Dreams.

Trong một cuốn sách do hai nhà tâm lý học từng thẩm vấn Zubaydah viết, chỉ huy nhà tù đã đến buồng giam y và "chúc mừng Zubaydah vì khả năng diễn xuất tuyệt vời". Người này nói: "Tốt lắm! Ta thích cách ngươi chảy nước dãi, nó làm tăng thêm phần chân thật. Ta suýt tin vào nó".

Dù vị chỉ huy được nhắc đến trong cuốn sách với đại từ nhân xưng "anh", các nhà điều tra tin rằng đây thực chất là Haspel. CIA bác bỏ mọi thông tin xấu liên quan đến hành vi của Haspel ở nhà tù Mắt Mèo nhưng không nêu rõ chi tiết vì sao.

Hàng chục đoạn video về quá trình thẩm vấn được lưu trữ tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok. Khi những mối lo âu ở Washington gia tăng trước việc chính quyền Bush sử dụng các trại giam giữ bí mật và những biện pháp thẩm vấn nâng cao, Haspel dường như đã thúc giục xóa bỏ những đoạn video này, các cựu đồng nghiệp của bà cho hay.

Về sau, giới chức Mỹ xác định Zubaydah thực chất không phải một thủ lĩnh quan trọng của al-Qaeda. Zubaydah không thể cung cấp các thông tin hữu ích đơn giản bởi y không biết.

Tranh cãi

Giờ đây, tại Washington, một cuộc tranh luận đang sục sôi quanh câu hỏi liệu Haspel quả thật là một "Gina Tàn bạo" hay là một điệp viên yêu nước chỉ biết tuân thủ mệnh lệnh từ thượng cấp.

Những người chỉ trích cho rằng cái cớ "chỉ thi hành mệnh lệnh" không đủ để biện minh cho Haspel bởi các báo cáo cho thấy bà cũng "nhiệt tình" tham gia vào việc thẩm vấn.

John Kiriakou, nhân viên CIA từng bắt giữ Zubaydah và làm việc với Haspel tại trung tâm chống khủng bố, miêu tả bà "luôn nhanh nhẹn và sẵn sàng sử dụng vũ lực". Theo lời Kiriakou, Haspel nằm trong nhóm những điệp viên đơn thuần sử dụng biện pháp tra tấn "vì thích chúng".

Như nhiều điệp viên khác, Haspel dành hầu hết thời gian trong sự nghiệp của mình hoạt động ngầm. Vậy nên, rất ít thông tin đời tư về bà được tiết lộ. Bà gia nhập CIA năm 1985 và từng tới làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia và Trung Á.

Dù những người chỉ trích nói bà phải bị đi tù vì vai trò ở cơ sở giam giữ bí mật tại Thái Lan, Haspel vẫn được đề cử làm lãnh đạo chi nhánh CIA ở London. Tại Washington, bà đã trải qua không ít vị trí quan trọng trước khi trở thành phó giám đốc CIA vào năm 2017.

Các cựu đồng nghiệp cho rằng Haspel vẫn độc thân và không có con cái. "Bà ấy kết hôn với công việc, một người cuồng công việc", ông Kiriakou nhận xét.

Trong khi các cựu giám đốc CIA ca ngợi Haspel vì khả năng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, Kiriakou lại nhớ về bà theo cách kém tích cực hơn. "Rất nhiều người trong chúng tôi gọi bà ấy là 'Gina Tàn bạo' và chúng tôi luôn giữ khoảng cách", ông nói.

Kiriakou thêm rằng Haspel "nổi tiếng là người không e sợ đưa ra các quyết định cứng rắn và có thể làm những việc mà hầu hết chúng ta không bao giờ làm".

Dù đối diện hàng loạt chỉ trích, điều quan trọng là Haspel đã vượt qua cửa của Tổng thống Trump. "Bà ấy là một gương mặt xuất chúng mà tôi hiểu rất rõ", ông nhấn mạnh.