Đó là thông tin được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với chủ đề "Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.HCM nhanh, bền vững" tổ chức ngày 17.3.
Thu hút đầu tư nước ngoài là điểm nhấn đột phá mạnh mẽ nhất của phát triển kinh tế TP.HCM năm 2017. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, kết thúc tháng Giêng âm lịch, hôm qua (tức ngày 29.1 âm lịch) thành phố đã tổ chức phiên họp đặc biệt khi HĐND thành phố thông qua 6 nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Quốc hội về Chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
2 năm qua, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng tốt và có những chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2016 kinh tế tăng trưởng 8,05%, thì năm 2017 tăng 8,25%. Năm 2018 sẽ phấn đấu tăng trên 8,3%.
Năm 2017, quy mô kinh tế TP.HCM đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Tính bình quân, mỗi ngày thành phố thu hút đầu tư 1.000 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố thu thuế hơn 348.000 tỷ đồng, bình quân thu 1.100 tỷ thu mỗi ngày (trừ chủ nhật).
Các doanh nghiệp trình bày khó khăn với lãnh đạo thành phố. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Nhân, mặc dù xây dựng đường xá chưa tăng đột phá, cải cách hành chính cũng chưa nhiều, giải pháp đầu tư cũng chỉ mới bắt đầu khả quan, nhưng đầu tư nước ngoài là yếu tố đột phá tốt nhất.
Hai năm 2016-2017, TP.HCM thu hút đầu nước ngoài từ trực tiếp và gián tiếp là 10,06 tỷ USD. Trong khi 5 năm trước (2011-2015), khu vực trên chỉ đạt 10,36 tỷ USD. Đây là những con số có ý nghĩa giúp TP.HCM giữ được tăng trưởng khá, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, đó làm niềm tin mà nhà đầu tư đã tạm ứng để thành phố đột phá. Họ tin rằng thành phố sẽ còn chuyển biến, họ tin Nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ tiếp tục giúp thành phố đột phá nhiều nữa.
"Đây là tín hiệu tốt những cũng là thách thức lớn. TP.HCM xin hứa với cộng đồng doanh nghiệp đã, đang và sắp đầu tư vào đây; lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, đồng hành để cải cách thể chế và tạo ra các giải pháp đột phá trong giai đoạn 2018-2020”, ông Nhân chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục cải cách hành chính và tạo cơ chế đầu tư thông thoáng hơn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đại diện khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, Chỉ thị 494 khi triển khai còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đứng ngoài hoặc chỉ là thầu phụ các dự án ngay trên sân nhà.
Hiệp hội Doanh nghiệp kiến nghị thành phố cần nghiên cứu các quy định riêng về cách thức mời gọi đầu tư công theo hướng ưu tiên thành phố, không đặt nặng điều kiện tham gia đấu thầu.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, nhiều cơ quan chính quyền vẫn còn tồn tại thái độ văn hóa ứng xử chưa tốt, còn quan liêu. Bà Chi đề nghị TP.HCM nên có ý kiến với Trung ương về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt để các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng khả năng cạnh tranh.
Thách thức lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp quy mô lớn ở TP.HCM còn rất thấp, khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, chuyển hướng nhiều hơn cho đầu tư nhà ở giá rẻ, trung bình, nhà ở xã hội để góp phần giải quyết bức xúc về chỗ ở do gia tăng dân số cơ học. Chính quyền thành phố cũng cần tháo gỡ nhiều hơn các vướng mắc thủ tục hành chính để nhà đầu tư hoàn thành nhanh các dự án.
Nhiều ý kiến đóng góp khác từ đầu tư cảng biển, du lịch, đến VSATTP... cũng được các đại biểu đặt ra. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ cầu thị lắng nghe các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Một trong những thách thức lớn nhất của thành phố hiện nay là số doanh nghiệp quy mô lớn quá ít, chỉ chiếm 1,4%. Trong khi đó số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới 88%, số còn lại là vừa và nhỏ.
“Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thành phố tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến đóng của doanh nghiệp nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động sáng tạo, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh trên, góp phần vào chương trình đột phá của thành phố", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp cũng phải chủ động sáng tạo, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý thời gian tới, chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng chống toàn cầu hóa còn cao. Việt Nam phải tỉnh táo vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đặc biệt là tận dụng lợi thế từ hiệp định CPTPP.
5 nội dung TP.HCM cam kết sẽ thực hiện trong thời gian tới: 1) Tiếp tục đồng hành cùng doanh cải thiện môi trường đầu tư, giảm 30% các cuộc họp, tăng cường đi trực tiếp xuống doanh nghiệp nắm bắt tình hình. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 70% dịch vụ trực tuyến mức độ ba. 2) Hỗ trợ các doanh nghiệp vươn tầm thế giới. 3) Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghệp. 4) Cải cách cơ chế chính sách đặc thù góp phần làm cho doanh nghiệp lớn mạnh, không cản trở lưu thông hàng hóa. 5) Bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, hạn chế mức tối đa chỉ thanh kiểm tra 1 lần duy nhất trong năm. |