Dân Việt

Xăng E5: Người tiêu dùng cần gì?

Giang Thanh – Đằng Giang 18/03/2018 07:00 GMT+7
Vừa qua, công ty Saigon Petro đề xuất bộ Công thương cho phép bán lại xăng A92 – vốn đã ngừng cung cấp từ ngày 1.1.2018. Dư luận lại “dậy sóng”.

Doanh nghiệp bán E5 ít lãi

Lý do đề xuất cho xăng A92 quay lại thị trường, là sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các doanh nghiệp có tăng lên so với năm 2017, nhưng tỷ trọng chiếm rất thấp. Tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn có hệ thống phối trộn xăng E5, xăng E5 chỉ khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại là xăng A95 chiếm khoảng 70%. Trước đó, xăng A92 chiếm hơn 65%, các doanh nghiệp không có hệ thống phối trộn chỉ kinh doanh thuần tuý xăng A95, nên tỷ lệ xăng E5 nói chung trên toàn thị trường còn thấp hơn.

Theo số liệu về sản lượng xăng A92, mức tiêu thụ bình quân từ năm 2017 trở về trước là 500.000 m3/tháng. Nếu tính lượng tiêu thụ xăng E5 chỉ bằng 50% A92, 50% A92 còn lại chuyển sang A95 và mức chênh lệch giá giữa E5 và A95 là 1.600 đồng/lít, chỉ riêng trong tháng 1 và 2.2018 mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỉ đồng/tháng. Bởi vì, hiện xe máy có nhu cầu sử dụng xăng A92/E5 nhiều và không cần thiết phải sử dụng xăng A95.

Để kiểm chứng thông tin, sáng 12.3 – ngày đầu tuần – có mặt ở cây xăng góc ngã tư Trương Định – Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM, chúng tôi nhận thấy con số mà doanh nghiệp trên đưa ra có vẻ không hợp với thực tế. Cụ thể, trong khoảng một giờ đồng hồ ghi nhận ở cây xăng trên, lượng người đi xe máy vào đổ xăng được chia đều cho E5 và A95. Ngoài lực lượng chạy xe ôm công nghệ, truyền thống với các loại xe số, không ít người chạy xe tay ga đắt tiền cũng chọn E5. “Tôi thấy có cái gì đó không ổn lắm ở việc chúng ta cứ bàn cãi suốt về việc xăng E5 dễ gây hỏng cái này, cái kia, nhưng nói thực sự dùng vài tháng qua xe tôi vẫn chạy tốt, chứ máy có yếu đi tí nào đâu”, chị Hoa, nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản ở quận 3, chủ chiếc xe Vespa đời mới, nói.

img

Tỷ lệ hoa hồng bán A92 cao hơn bán E5, nên doanh nghiệp luôn muốn bán trở lại xăng A92. Ảnh:TL

Cũng theo chị Hoa, lẽ thường khi một sản phẩm tung ra thị trường không ổn, người phản ứng đầu tiên phải là khách hàng. Nhưng lần này “chủ hàng” phản ứng thật là điều lạ. Giải thích, chủ một cây xăng ở Phú Nhuận (xin giấu tên) cho rằng đọc kỹ phản ứng của công ty xăng dầu trên, rõ ràng họ vì họ là chính. “Mà ai kinh doanh cũng vậy thôi”, vị chủ cây xăng nói và cho biết thêm: quay lại thời cho bán hai loại xăng song song là A92 và E5, tỷ lệ hoa hồng bán A92 cao hơn bán E5, nên doanh nghiệp luôn muốn lợi nhiều nhất. “Kế đến, làm ăn muốn ít bị lệ thuộc, trong khi đó xăng E5 phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối chuyên phối trộn. Đây cũng là một lý do nữa để các doanh nghiệp và đại lý xăng dầu muốn quay lại bán A92”,  chủ cây xăng nói.

Người tiêu dùng cần gì?

Theo ông Quý, quản lý một cây xăng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM, lượng E5 bán ra đạt tỷ lệ hơn 60%. Ông cho rằng có thể do địa bàn huyện Bình Chánh nhiều xe số, với lại đa phần là công nhân và lao động nhập cư, nên nhiều người chọn xăng E5 vì giá rẻ hơn. Ông Quý đề xuất để người tiêu dùng chọn xăng E5 ngày càng nhiều hơn, nhất quyết các cơ quan quản lý nhà nước cần làm được hai việc. Đó là đánh tan tâm lý hoài nghi của dư luận và đưa giá xăng E5 về mức giá cạnh tranh hơn nữa so với xăng A95, bởi mức chênh lệch 8% không thấm vào đâu so với những người tiêu dùng khá giả hơn.

Nói là phải “đánh tan” tâm lý nghi ngại, theo ông Quý là vì thực tế cho thấy nhiều hãng xe máy và ô tô đã khẳng định xăng E5 không khác biệt về mức tiêu hao nhiên liệu và công suất so với xăng A92, và việc sử dụng xăng E5 không ảnh hưởng đến chế độ bảo hành xe cộ. Thế nhưng, trên không ít tài khoản facebook của người tiêu dùng lại viết với nội dung kiểu như: “Xe mình chạy cảm giác yếu đi, vượt xe khác khó hơn so với khi đổ A92 hay A95”, hay “Xăng E5 thấy đi tốn và không thoát máy lắm”. Thông tin khoa học phải được cơ quan chứng minh nào đưa ra, sau khi tiến hành những thí nghiệm cụ thể trên một quy mô lớn.

Vấn đề cốt lõi nhất khi người tiêu dùng quyết chọn xăng E5 ngoài chuyện vì môi trường, yếu tố quyết định là sự chênh lệch giá. Theo ông Quý, việc kéo giá E5 xuống thấp theo tính toán đề xuất của Saigon Petro lại hợp lý. Cụ thể, Saigon Petro đề xuất: nên áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng. Bên cạnh việc tăng thuế bảo vệ môi trường, xăng A95 từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít, cũng cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 xuống thêm 500 đồng/lít, hoặc tính mức giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5, không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay. Mục tiêu là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 khoảng 2.000 – 2.500 đồng/lít.

“Hy vọng chuyện xăng E5 giống như câu chuyện mũ bảo hiểm. Tức ban đầu ai cũng phản đối, nhưng sau thấy lợi. Có được việc đó là nhờ mũ bảo hiểm giờ không đắt như khi mới ra, và hơn cả là truyền thông, đã cho dư luận thấy rõ vì lợi ích của việc đội mũ”, ông Quý nói.