Dân Việt

Giá tiêu giảm xuống đáy mới, cần làm gì để cầm trịch "cuộc chơi"?

Thiên Hương 17/03/2018 19:05 GMT+7
Đến thời điểm này, giá hồ tiêu tại các tỉnh Đông Nam Bộ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, hiện chỉ còn 57.000 – 58.000 đồng/kg. Điều đáng lo ngại là giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên có nơi đã giảm về "đáy" mới khi chỉ còn 56.000 đồng/kg, chưa bằng 1/3 so với năm 2015.

Giá tiêu hôm nay ngày 17/3 vẫn đang ở mức thấp chưa từng có, hiện chỉ dao động từ 56.000  - 58.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu thấp nhất vẫn là ở tỉnh Gia Lai khi giảm còn 56.000 đồng/kg và mức cao nhất ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), đạt 58.000 đồng/kg.

img

Giá tiêu hiện đã giảm hơn một nửa so với cùng kì năm 2017, khiến các doanh nghiệp và người dân đều lo lắng. Ảnh minh hoạ

Còn tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu đang có giá bán 57.000 đồng/kg. Ở Đắk Lăk và Đắk Nông, giá tiêu cùng ở mức 58.000 đồng/kg.

Hiện nay, thu hoạch hạt tiêu vụ mùa mới ở vùng Đông Nam Bộ đã chuyển sang giai đoạn cuối, trong khi thu hoạch hạt tiêu tại Tây Nguyên, vùng trồng tiêu trọng điểm của nước ta đang vào rộ. Vì vậy nguồn hạt tiêu vụ mới cung ứng cho các nhà kinh doanh xuất khẩu khá dồi dào và cũng khiến họ không vội vàng mua hàng dự trữ như các năm trước. 

Trước tình hình này, mới đây tại TP. HCM, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức tọa đàm về tình hình sản lượng mùa vụ hồ tiêu 2018, thị trường kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu 2 tháng đầu năm 2018 và định hướng xuất khẩu những tháng còn lại của 2018.

Có mặt tại buổi họp này là 25 doanh nghiệp hàng đầu trong xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, trong đó có những doanh nghiệp tên tuổi như Công ty Phúc Sinh, Trân Châu, Nedspice, Olam, Haprosimex, Intimex… Các ý kiến tại toạ đàm đã chỉ ra những vấn đề quan trọng, như  cung hồ tiêu của Việt Nam đã vượt nhu cầu tiêu thụ, giá thấp nhất trong nhiều năm qua đã gây khó khăn đối với người nông dân trồng hồ tiêu. Hiện giá bán đã sát giá thành, người nông dân không có lợi nhuận. 

img

Nông dân tỉnh Bình Phước thu hoạch tiêu. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt là với những người thu mua tiêu và những người mới đầu tư trồng tiêu đang bị thua lỗ nặng nề vì giá giảm quá sâu so với lúc họ đầu tư. 

Theo "vua tiêu" Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), giá tiêu hiện chỉ còn 57.000 - 58.000 đồng/kg nhưng cũng rất ế ẩm. Khi giá tiêu đang ở mức cao người nông dân đầu tư mạnh cho vườn tiêu để tăng năng suất, nhưng nay giá tiêu thấp không có lãi nên bà con ít đầu tư. 

Trước tình hình này, đối với những vườn tiêu già cỗi bà con muốn chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng khác, vì nếu cứ bám vào cây tiêu sẽ bị lỗ thêm. Đối với các vườn tiêu đẹp, chủ lực năng suất tốt bà con vẫn duy trì. 

"Nhiều người cho rằng phải qua năm 2020 giá tiêu mới có thể tăng trở lại, nên có một số hộ khó khăn muốn chuyển qua trồng cây khác" - ông Thắng cho hay. 

Trước tình hình này, 25 doanh nghiệp đã đi đến thống nhất những nhận định về mùa vụ mới 2018 và định hướng xuất khẩu trong thời gian tới như sau: 

img

Tính chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu đạt 30 ngàn tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 36,5% về lượng nhưng giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh minh hoạ

+ Mùa vụ mới 2018 cả nước đã thu hoạch trên 70% diện tích.

+ Năng suất, sản lượng giảm nhiều so với 2017 (khoảng 30-40%), nguyên nhân do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Cuối năm 2016 mưa kéo dài đến đầu năm 2017, thời điểm cây hồ tiêu chuẩn bị không tưới để ra hoa cho mùa vụ 2018.

+ Những diện tích trồng mới 2015 - 2016 tăng nhiều (do giá hồ tiêu năm 2015 quá cao lên tới trên dưới 220.000 đồng/kg) nhưng phần lớn diện tích này không thích hợp với cây hồ tiêu, năng suất thấp, nhiều vườn bị chết do sâu bệnh. Nhiều nhà nhập khẩu cũng vì lý do Việt Nam tăng diện tích nên đưa dự báo về sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2018 quá lớn để trả giá thấp.

+ Do sự tích cực khuyến cáo của các ban ngành địa phương và giá bán đi xuống, nông dân đã hạn chế lạm dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong quy trình sản xuất. Hiện tượng xuất khẩu bị khiếu nại dư lượng thuốc trừ sâu giảm rất nhiều so với 2 năm trước đây.

+ Trong thời điểm hiện tại chỉ có Việt Nam và Campuchia đang ở vụ thu hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3/2018, các nước khác đến tháng 6/2018 mới đến vụ thu hoạch. Như vậy nhu cầu tiêu thụ của các nhà nhập khẩu hồ tiêu từ nay đến tháng 6/2018 tập trung chủ yếu ở thị trường Việt Nam và Campuchia. Đây cũng là lợi thế của nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam thời điểm hiện tại trong việc điều tiết giá bán.

Vì thế, nông dân không nên bán ra ồ ạt khi giá thấp và các DN xuất khẩu không ký hợp đồng trước giá thấp khi chưa mua được hàng.

Có thể làm chủ "cuộc chơi"?

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2018 Việt Nam đã xuất khẩu 12,9 ngàn tấn hạt tiêu, trị giá 47,3 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 31,3% về trị giá so với tháng 1. 

Tính chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu đạt 30 ngàn tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 36,5% về lượng nhưng giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Với lợi thế là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới và đã có mặt tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, hồ tiêu Việt Nam đã nắm trong tay cái quyền "làm chủ" cuộc chơi trên thị trường. 

Điều này được thể hiện suốt gần 1 thập niên qua, nếu vượt qua khó khăn này hồ tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục cầm trịch cuộc chơi.