Khu công nghệ cao vẫn "xôi đỗ, lỗ chỗ"
Cụ thể, chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Ủy viên thường trực ủy ban kinh tế Quốc hội đặt vấn đề:
“Khu CNC Hòa Lạc cũng như hai khu CNC của TP.HCM và khu CNC của Đà Nẵng được kỳ vọng như những quả đấm thép của ngành KHCN. Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài, gần 20 năm, khu CNC Hòa Lạc kết quả phát triển vẫn chưa được rõ nét.
Tôi đề nghị bộ trưởng cho biết về hiện trạng và các giải pháp sắp tới mà bộ sẽ tháo gỡ, thúc đẩy khu CNC Hòa Lạc này phát triển đúng với mục tiêu đề ra của Chính phủ?”.
Trả lời câu hỏi này, bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, phải nói ngay đây là một vấn đề trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành KHCN, bộ KHCN trực tiếp với khu CNC Hòa Lạc.
Theo ông Ngọc Anh, so sánh với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm ưu tiên thì thực trạng đúng là một chặng đường rất dài, rất sốt ruột, rất lâu rồi.
Được thành lập từ năm 1998, Khu công nghệ cao Hoà Lạc được xây dựng với định hướng trở thành một thành phố khoa học và công nghệ “thung lũng Silicon” tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau 20 năm, hạ tầng kỹ thuật khu này vẫn còn rất ngổn ngang, mặt bằng cũng chưa giải phóng xong. (Ảnh Bất động sản)
“Với tình hình cụ thể như vậy, ngay trong năm 2015, giải phóng mặt bằng được 236ha trên 1630ha, quan trọng hơn, vẫn còn lỗ chỗ, xôi đỗ, đường và hạ tầng không vào được. Tình hình có thể nói sơ bộ là xưa nay một chặng đường dài, nói về Hòa Lạc vẫn là cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, việc này làm mất đi cơ hội nhiều.
Bây giờ, với sự hỗ trợ ODA Nhật Bản, toàn bộ hạ tầng chúng tôi đã nỗ lực làm một cách tốt nhất, đem lại 3 yêu tố đổi mới rất mạnh” – bộ trưởng KHCN nói về thực trạng khu CNC Hòa Lạc.
Theo ông Ngọc Anh, sự biến đổi thể hiện ở 3 yếu tố.
Một, xung quanh những thể chế cần tháo gỡ, sau 1 chặng đường dài không còn mức so sánh. Ngành KHCN và các cơ quan liên quan đã tháo gỡ được bằng Nghị định 74 và những chính sách liên quan để chủ động hơn.
Thứ hai là xúc tiến đầu tư đã khác, chuyển động luôn từ quý cuối của năm 2017. Thông tin được ông Ngọc Anh đưa ra tại phiên chất vấn, đã có 3 nhà đầu tư lớn tham gia, quan trọng hơn đều là công nghiệp CNC, có thể nói đấy là phần cứng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có tác dụng lan tỏa. Ngay trong nội khu, yếu tố nội địa của chúng ta cũng rất quan trọng. Các đơn vị làm ra được các thiết bị đầu cuối, 3500 kỹ sư phần nghiên cứu triển khai, đem lại doanh thu hơn 14 nghìn tỷ.
Thứ ba, tập trung yếu tố hạ tầng và tiềm lực đúng nghĩa của nội hàm CNC. Các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ được đẩy mạnh. Vị này cũng dẫn chứng, ngày 21.3 tới đây, Viện nghiên cứu Việt Nam – Hàn Quốc sẽ động thổ với sự tham gia của Tổng thống Hàn Quốc để phối hợp ứng dụng công nghệ cao.
“Nói một cách tổng thể, chúng ta đã thấy định hướng bám đúng kỳ vọng đặt ra. Hoàn toàn có niềm tin một vài năm tới đem lại sức sống cụ thể. Tôi tin sẽ không phải nhắc nhiều về khoảng thời gian của 17, 18 năm trước đây” – bộ trưởng KHCN bày tỏ hy vọng.
Phải công khai minh bạch
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thành công của ngành KHCN bước đầu trong một mô hình chuyển đổi phát triển từ dựa chủ yếu vào tài nguyên sang bắt đầu sử dụng có hiệu quả hơn các tài nguyên.
Thể hiện gần đây nhất, chúng ta nói rất nhiều về cách mạng 4.0, thế giới nói nhiều về nền sản xuất tương lai. Diễn đàn kinh tế thế giới công bố một nghiên cứu mới trên 100 quốc gia và nền kinh tế, xem các quốc gia nào sẵn sàng cho nền kinh tế tương lai, xét trên 4 chỉ số thì Việt Nam chúng ta có 2 chỉ số chúng ta đứng 90/90, 2 chỉ số còn lại đứng 70, 71.
Mặt bằng chung thì phấn khởi, nhưng không nên coi rằng chúng ta đã làm tất cả đều tốt. Phó Thủ tướng nhận định, KHCN là một trong số các lĩnh vực hiếm hoi trên mặt bằng chung lại tốt. Chỉ số sáng tạo và đổi mới mới công bố năm 2017, Việt Nam năm vừa rồi tăng rất nhiều, đứng thứ 47 trên thế giới, trong khi phần lớn các chỉ tiêu khác chúng ta đứng thứ 8, 90.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, một yêu cầu rất quan trọng, kỳ vọng sự đóng góp lớn của KHCN vào phát triển là phải công khai minh bạch tất cả mọi khâu, mọi chỗ liên quan đến KHCN.
Có nghĩa là chúng ta đã có định hướng đúng đắn, những năm gần đây thực sự có tiến bộ. Để đạt được kỳ vọng của đại biểu và nhân dân để ứng dụng KHCN góp phần hơn nữa tăng năng suất lao động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, có rất nhiều việc phải làm.
Trong đó có 3 việc cơ bản:
Thứ nhất phải có cơ chế thực sự thiết thực để doanh nghiệp thực sự là trung tâm, họ phải có các động lực trong kinh tế để thấy rằng họ cần phải làm KHCN, cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai phải đẩy mạnh cơ chế tự chủ, để cho các viện nghiên cứu vốn ít phải sử dụng hiệu quả, các trường đại học phải đẩy mạnh nghiên cứu…; Nhà nước thì phải tạo môi trường thực sự đồng bộ tất cả, đưa các chính sách kinh tế về doanh nghiệp làm trung tâm; về nghiên cứu khoa học buộc các thiết kế về chính sách chi tiêu khoa học chấp nhận sự rủi ro.
Thứ ba làm sao phải công khai minh bạch tất cả mọi khâu, mọi chỗ liên quan đến KHCN; phải công khai để giới khoa học phản biện, kết nối với thế giới.