Nguồn chất thải khổng lồ cần xử lý
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Mỗi năm khối lượng nguồn thải sinh ra từ hoạt động chăn nuôi là một con số khổng lồ, khoảng 84,5 triệu tấn. Nhiều giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng, trong đó công nghệ khí sinh học (KSH) được đánh giá là giải pháp hữu ích nhằm giảm ô nhiễm môi trường, sản xuất năng lượng sạch và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.
Công trình khí sinh học do dự án Lcasp hỗ trợ tại Bến Tre. Ảnh: N.C
"Thể tích bể KSH là cố định, nhưng quy mô đàn vật nuôi của các nông hộ thường xuyên thay đổi. Khi lợn được giá, người dân có thể tăng số đầu lợn lên nhiều lần, dẫn đến hầm KSH bị quá tải. Khi đó nước, chất thải chăn nuôi chưa kịp phân hủy sẽ tràn ra khỏi hầm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”. TS Nguyễn Thế Hinh - |
Bà Lê Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ - cho biết: “Những năm qua, xã Hương Xạ phát triển mạnh mô hình chăn nuôi, trong đó chăn nuôi nông hộ chiếm đa số. Đời sống của người dân được cải thiện, tuy nhiên địa phương cũng phải đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Từ khi thực hiện dự án Hỗ trợ nông nghiệp cácbon thấp (Lcasp) tại xã, đã có trên 100 hộ gia đình tham gia”.
Theo bà Xuân, chương trình KSH do dự án Lcasp hỗ trợ đã giúp giảm thiểu được ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Các hộ đã sử dụng lượng KSH từ chất thải chăn nuôi để đun nấu và thắp sáng hàng ngày, tiết kiệm được đáng kể chi phí. “Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của dự án Lcasp đối với địa phương vì đã đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ chăn nuôi” - bà Xuân nói.
Hiện nay, phụ nữ chiếm tới 53,3% trong 28 triệu lao động nông nghiệp. Khi xây dựng công trình KSH, hơn ai hết phụ nữ nông thôn được hưởng lợi, giảm nhẹ độc hại và nặng nhọc trong việc đun nấu, chăn nuôi và trồng trọt… Chị Lý Thị Nga - ở huyện Mộc Châu, Sơn La - chia sẻ: “Trước khi có hầm biogas, gia đình đun bếp củi rất mất thời gian. Từ khi dùng khí biogas, buổi sáng mình có thể bật bếp rất nhanh để nấu bữa sáng, giúp tiết kiệm thời gian. Vì gia đình ít người nên mình nấu nướng cũng ít. Vì thế mình cũng chia sẻ cho cả bố mẹ và bà con hàng xóm nữa”.
Nguy cơ quá tải hầm biogas
Có thể thấy một hạn chế cơ bản của các hầm biogas là nếu xây hầm có dung tích vừa đủ so với nhu cầu sử dụng khí gas của nông hộ thì sẽ bị quá tải khi tăng quy mô chăn nuôi. Nếu xây hầm biogas có dung tích lớn, không sử dụng hết thì sẽ bị thừa khí gas, xả ra ngoài gây ô nhiễm không khí. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của công nghệ KSH.
Theo thống kê của dự án Lcasp, hầu hết các hộ dân tham gia dự án đều có xu hướng đầu tư xây lắp các công trình có biogas có dung tích nhỏ, từ 7 – 20m3, sinh ra lượng khí vừa đủ với nhu cầu sử dụng cho các hoạt động đun nấu, thắp sáng và sưởi ấm vật nuôi... Mặc dù theo lý thuyết, mỗi đầu lợn cần khoảng 1m3 hầm biogas để xử lý môi trường, tuy nhiên trên thực tế vào thời gian chăn nuôi cao điểm, các công trình KSH thường chịu tải lớn hơn nhiều lần công suất tối đa.
Ông Trần Văn Tuấn - xã Tiên Lục, Bắc Giang - cho biết: “Tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi trên địa bàn xã Tiên Lục hiện nay tập trung ở một số khu vực chăn nuôi nhiều, nhất là ở khu vực thôn Bãi Cả. Về cơ bản, các hộ chăn nuôi đều có hầm biogas. Nhưng có một thực tế là nhiều khi thấy giá lợn tăng, bà con lại tăng số lượng đàn khiến hầm biogas bị quá tải, dẫn đến phải xả thải trực tiếp ra môi trường”.