Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)
Ba lý do chính
Từ đầu tháng 3 đến nay, rau xanh rớt giá thê thảm, nhiều hộ dân đã chán nản không thu hoạch, bỏ rau tại ruộng. Cục Trồng trọt đã kiểm tra sự việc và có giải pháp gì không, thưa ông?
Từ đầu tháng 3 đến nay, rau xanh rớt giá thê thảm, nhiều hộ dân đã chán nản không thu hoạch bỏ rau tại ruộng. Ảnh: I.T
Trong vài ngày qua, giá su hào đã cải thiện hơn, mỗi củ su hào có giá từ 1.000 -1.200 đồng, mỗi sào nông dân Hải Dương trồng 2.000 củ, thu từ 2 triệu đồng trở lên, chi phí sản xuất 1 sào khoảng 1 triệu đồng, như vậy nông dân đã có lãi. Thời gian tới giá sẽ tiếp tục nhích lên theo đúng quy luật, nên nông dân đang tập trung chăm sóc cho lứa rau còn non để thu hoạch bán. |
- Chúng tôi đã nắm được tình hình và đã đi kiểm tra ở một số địa phương. Ngày 15.3, Bộ NNPTNT cũng đã có công văn chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ thực vật để cùng các địa phương tiến hành tổng rà soát lại cơ cấu diện tích rau còn trên đồng ruộng để có những khuyến cáo hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Chúng tôi đang phối hợp với các cục liên quan để triển khai tổng rà soát cơ cấu diện tích rau ở các địa phương.
Qua kiểm tra nắm tình hình ở địa phương, ông có thể lý giải vì sao thời điểm này rau ở các địa phương dư thừa rớt giá sâu như thế?
- Từ đầu tháng 3 đến nay giá rau sụt giảm mạnh, chúng tôi nhận thấy có 3 lý do chính khiến rau dư thừa và sụt giá. Thứ nhất, năm nào cũng vậy thời điểm bắt đầu cấy lúa xuân, nông dân sẽ dọn vườn, đối với vùng rau không chuyên canh (2 lúa, 1 vụ đông), nông dân phải giải phóng ruộng để chuyển sang cấy lúa xuân. Và cứ đến thời điểm đó giá rau năm nào cũng giảm trong giai đoạn ngắn khoảng 15 ngày.
Lý do thứ hai, tranh thủ giá rau đang cao ở thời điểm lứa thứ hai của rau vụ đông, một số nông dân tranh thủ trồng lứa thứ nhất rau vụ xuân từ rất sớm (sớm hơn 1 tháng) để tận dụng bán giá cao. Vì vậy thời điểm thu hoạch rau vụ xuân lại trùng với thời điểm thu hoạch của rau vụ đông lứa thứ hai nên lượng rau thu hoạch tăng lên ở cùng một thời điểm, chính vì vậy rau tiêu thụ bị dồn ứ.
Nguyên nhân thứ ba là thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, thời tiết ấm lên nên một số rau nhiệt đới xuân hè (rau dền, muống, mồng tơi…) để thay thế cho các loại rau vụ đông, xuân (su hào, bắp cải, súp lơ, củ cải…) phát triển rất nhanh. Đến đầu tháng 3 đã có sản phẩm trên thị trường nên một số rau vụ đông tiêu thụ chậm lại.
Chính vì các nguyên nhân trên dẫn tới tình trạng dồn ứ các sản phẩm ở một số thời điểm cục bộ.Tuy nhiên, theo thống kê của các tỉnh, diện tích dồn ứ này không còn lớn. Ở Hà Nội còn 1.150ha, Hải Dương khoảng 100ha, các tỉnh khác còn hơn 10ha, vậy nên sản lượng tồn rất thấp, sản lượng gây thừa nghiêm trọng không xảy ra.
Đối với diện tích rau trồng mà nông dân không thu hoạch do rau củ đã già chất lượng giảm nên không bán được, người dân đã đổ bỏ, trường hợp này xảy ra ở vùng su hào ở huyện Mê Linh (Hà Nội) với diện tích còn khoảng 10ha, vùng su hào ở Hưng Yên khoảng 11ha.
Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến rau trong nước dư thừa và sụt giá là do rau ngoại nhập, cụ thể là rau từ Trung quốc tràn vào trong nước. Quan điểm của ông thế nào?
- Thông thường chúng ta vẫn thấy rau su hào, bắp cải trong vụ xuân một phần có yếu tố chi phối của thị trường rau Trung Quốc. Bởi vì khi nhiệt độ tăng cao, chất lượng rau ôn đới như su hào bắp cải giảm, lúc đó rau từ Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam bởi những vùng rau như tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có nhiệt độ thấp hơn, rau chất lượng hơn. Vì vậy, song song với điều chỉnh cơ cấu, chúng ta cần có các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp, nếu không hàng Trung Quốc tràn vào lấn át rau của chúng ta.
Các loại rau ôn đới như su hào, bắp cải, súp lơ chỉ phù hợp với nhiệt độ lạnh, mặc dù chúng ta đã có các giống rau ôn đới chịu nhiệt, tuy nhiên với nhiệt độ lên tới 30 độ C, chất lượng rau sẽ giảm đi rõ rệt, đặc biệt rau bị xơ, ăn không ngon, người tiêu dùng sẽ tự đào thải.
Số lượng rau Trung Quốc tràn vào Việt Nam bao nhiêu phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của chúng ta. Nếu rau nhiệt đới của chúng ta như rau muống, dền, mồng tơi không đủ số lượng cung cấp và giá cả cao sẽ bị rau Trung Quốc áp đảo, cạnh tranh.
Hiện nay, một số loại rau nhiệt đới của chúng ta có giá còn cao như rau muống, dền, mồng tơi, bình quân từ 15.000-17.000 đồng/kg, nếu giá giữ ở mức đó chắc chắn rau Trung Quốc sẽ có cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam, vì giá bắp cải, su hào Trung Quốc chỉ 7.000-10.000 đồng/kg.
Để kiểm soát rau Trung Quốc tràn vào, chúng ta không thể cấm hoặc dựng hàng rào kỹ thuật, như vậy sẽ vi phạm các quy định hiệp định thương mại đã ký kết. Chúng ta chỉ có thể tăng cường kiểm tra kiểm dịch chất lượng sản phẩm, nếu sản phẩm nào không đạt thì không cho xuất sang.
Sản xuất theo tín hiệu thị trường
Đối với tình trạng rau được mùa, giá sụt giảm như thời gian qua, Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan sẽ đưa ra những giải pháp gì để khắc phục?
- Thực tế, chúng ta đã có kế hoạch chi tiết để sản xuất rau, không thể có cơ cấu mùa vụ nào khác được bởi hai nhóm rau ôn đới và nhiệt đới đã rất rõ ràng về thời vụ. Cần khuyến cáo nông dân luôn có liên kết trong sản xuất, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân và có những thông tin cảnh báo kịp thời về thị trường để nông dân sản xuất đủ đáp ứng.
Một trong những giải pháp chúng tôi cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện là nông dân cần tham gia vào chuỗi sản xuất, nông dân cùng liên kết lại với nhau thành tổ đội sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã. Điều đó giúp nông dân sản xuất chủ động, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ được lý kết trước khi vào vụ. Nếu liên kết sản xuất, nông dân sẽ không rơi vào tình cảnh bấp bênh về giá, sản xuất ra không biết bán cho ai.Nhiều vùng rau tập trung, chuyên canh ở Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc đã có liên kết, còn nhiều tỉnh khác chưa có liên kết. Tính ra, trong số 190.000ha sản xuất rau vụ đông, diện tích liên kết chỉ chiếm 40%.
Hiện nay tỷ lệ chế biến rau còn rất thấp, rau củ tươi chủ yếu tiêu thụ nội địa, chính vì vậy áp lực tiêu thụ trong nước rất lớn. Nhận thấy được điểm yếu này, Bộ NNPTNT đã rất tích cực tạo điều kiện thúc đẩy phát triển vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến. Theo dự kiến năm nay chúng ta sẽ có 8 nhà máy chế biến được xây dựng với công suất từ 1-1,2 triệu tấn, trước mắt tập trung sản phẩm cây ăn quả. Chính vì vậy thời gian tới việc dồn ứ rau củ quả trong một thời điểm cũng sẽ giảm dần.
Về lâu dài, chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ xuân và vụ hè để có những điều chỉnh, cảnh báo về cung cầu thị trường từ đầu để nông dân tránh được tình trạng xảy ra như thời gian vừa qua.
Xin cảm ơn ông!