Toàn cảnh Đại hội cổ đông VPBank 2018
Tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) diễn ra chiều nay, ngày 19.3 năm 2018, nhiều nội dung quan trọng đã được các cổ đông VPBank đặt ra với lãnh đạo ngân hàng.
Một vấn đề được nhiều cổ đông VPBank quan tâm là tình hình hoạt động, kinh doanh của công ty tài chính FE Credit cũng như dư nợ và nợ xấu của công ty này bởi lĩnh vực cho vay tiêu dùng luôn tồn tại nhiều rủi ro.
Trước mối quan tâm của cổ đông, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Tất nhiên chúng ta đang kinh doanh phân khúc rủi ro nhất trên thị trường. Nhưng phân khúc này cũng không phải cái gì đó mới lạ nếu các bạn nhìn trên thế giới, mô hình vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân chúng đã rất phổ biến.
Có những giai đoạn khủng hoảng, khó khăn khi thị trường có quá nhiều công ty cho vay tiêu dùng, điều kiện cho vay vay tiêu dùng không được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng với loại hình cho vay tín chấp này.
Tại Việt Nam, thị phần của FE Credit hiện khoảng trên 50%. Hiện tại, thị trường có tổng cộng 12 công ty tài chính. Nếu nói về cho vay tiêu dùng thì đó là một khái niệm rộng bởi không chỉ có các công ty tài chính, các ngân hàng cũng tham gia. Cho vay mua nhà cũng là cho vay tiêu dùng.
Ở đây, tôi chỉ so sánh thị phần của phân khúc cho vay với rủi ro cao (unsecure) chủ yếu là các công ty tài chính. Bên cạnh FE Credit còn các đối tác khác trên thị trường như Home Credit, Prudential Finance… VPBank đã có chiến lược đứng trước tình hình như vậy.
Trong lĩnh vực này, người đi trước có những lợi thế, nhưng cũng có những bất lợi. Người đi trước có lợi thế mạng lưới, hình ảnh, hệ thống bởi cho vay tiêu dùng không phải cứ có công ty là cho vay được. Còn người đi sau có những kinh nghiệm từ người đi trước.
Đưa tiền cho người dân vay rất dễ, nhưng làm thế nào để đánh giá được trên các mô hình toán học. Không thể đánh giá từng khách hàng như mô hình vận hành 30 – 40 năm qua được, mà phải dựa trên đánh giá của từng danh mục kết hợp với đánh giá cụ thể.
FE Credit có lợi thế của người đi trước. Đó là lợi thế của người tạo ra thị trường, liên kết với các đối tác, được công nhận và tin tưởng từ khách hàng. Dù phải ứng phó trước tình trạng một số công ty mới đã giảm lãi suất và điều kiện cho vay nhưng tôi vẫn nói rằng cho vay tiêu dùng là lĩnh vực có thể tạo ra lợi nhuận cao nhưng nếu không biết cách phòng ngừa, rủi ro sẽ rất lớn”.
Theo đại diện VPBank, tổng số cho vay của FE Credit là khoảng 45.000 tỷ, tương đương 2 tỷ USD. Trong khi đó, tổng dư nợ của VPBank là gần 160 tỷ USD. Như vậy, số cho vay của FE Credit chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng dư nợ VPBank.
Bên cạnh việc củng cố mô hình quản trị rủi ro đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, một trong những biện pháp của VPBank là mở rộng khả năng hồi vốn, thu hút các nguồn vốn mới.
“Trong năm vừa qua, FE Credit đã nhận 50 triệu USD là tiền tham gia vốn từ cộng đồng tài chính quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam là một thị trường mới nổi, tỷ trọng người dân tham gia vay tiêu dùng dưới 30% nên cơ hội vẫn còn. Kể cả trong trường hợp khó khăn nhất, ngân hàng cũng đã có những dự liệu, lượng dự phòng để bảo vệ vốn ngân hàng tốt nhất có thể”, đại diện VPBank nói.
Đặt mục tiêu nâng vốn lên 27.800 tỷ đồng, chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tới 67%
Theo báo cáo của lãnh đạo VPBank, 2017 là năm cuối trong chặng đường chuyển đổi 5 năm 2012-2017 của ngân hàng với nhiều thành tựu ấn tượng. Kết thúc năm tài chính 2017, VPBank nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP cho vay và huy động tiền gửi lớn nhất trên thị trường, và là 1 trong 3 ngân hàng bán lẻ dẫn đầu về cho vay, huy động tiền gửi và số lượng khách hàng.
Đến 31.12. 2017, tổng tài sản của VPBank đạt 277.750 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 196.670 tỷ đồng; huy động vốn đạt 199.650 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của VPBank đạt 8.130 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay, tăng 65% so với năm 2016 và đạt 120% kế hoạch điều chỉnh hồi giữa năm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng trong năm 2017, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng từ 9.181 tỷ đồng lên hơn 15.706 tỷ đồng. Dấu mốc quan trọng của VPBank trong năm 2017 là việc niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu trên sàn GDCK tập trung HOSE với mức giá tham chiếu là 39.000 đồng/cổ phiếu.
VPBank dự kiến chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ tới 67%
Theo kế hoạch, năm 2018, VPBank sẽ tập trung duy trì tăng trưởng về chất và nâng cao hiệu quả đối với những phân khúc trọng yếu; hoàn thiện hạ tầng công nghệ và quản trị rủi ro đáp ứng các yêu cầu phát triển chiến lược ngân hàng số và đáp ứng chuẩn Basel II.
Bên cạnh đó, VPBank cũng liên tục tìm kiếm, lựa chọn các cơ hội kinh doanh mới để khai thác hiệu qủa đầu tư, tạo ra các kênh thu nhập mới cho tương lai.
Để thực hiện các kế hoạch này, Ban lãnh đạo VPBank trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 15.706 tỷ đồng lên hơn 27.799 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cụ thể, Ngân hàng dự kiến thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30,22% từ lợi nhuận chưa phân phối và 1,03% từ qũy dự trữ bổ sung vốn điều lệ, tổng cộng đạt 31,25% so với tổng số cổ phần phổ thông hiện tại.
VPBank cũng dự kiến mua lại số cổ phần ưu đãi cổ tức hiện nay để làm cổ phiếu Quỹ và sử dụng cổ phiếu Quỹ để chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Tổng số lượng cổ phiếu ưu đãi cổ tức đăng ký mua lại làm cổ phiếu quỹ là hơn 73 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn sử dụng được lấy từ Thặng dư vốn cổ phần (1.287 tỷ đồng) và Quỹ Đầu tư phát triển (1.201 tỷ đồng). Thời gian dự kiến vào quý III.2018.
Để tăng vốn điều lệ, VPBank sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa là 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành.
Năm 2018, VPBank cũng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên VPBank (ESOP). Tổng mệnh giá cổ phần dự kiến phát hành là gần 337 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm phát hành. Thời gian dự kiến cũng trong quý II tới.
Đợt phát hành cuối cùng để tăng vốn điều lệ sẽ được thực hiện vào quý IV.2018 thông qua việc chia cổ phiếu thưởng từ nguồn Thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của năm 2017. Tổng nguồn Thặng dư vốn dùng để chia cho cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông là trên 4.577 tỷ đồng.
Tổng tỷ lệ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng từ các nguồn trên so với tổng nguồn cổ phần phổ thông hiện nay tương đương 67%.