Dân Việt

“Lên đời” khi bỏ lúa để trồng hoa, cây kiểng, có thu nhập tiền tỷ

Hồ Văn 23/03/2018 18:00 GMT+7
Trong kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của TP.HCM theo hướng nông nghiệp đô thị, tất yếu phải bỏ cây lúa cho thu nhập thấp sang cây trồng, vật nuôi có thu nhập cao hơn.

Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM đã cho thấy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã chuyển dịch đúng hướng, với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi bò sữa, trồng rau an toàn, hoa lan – cây kiểng, cá kiểng…

Bỏ lúa để trồng hoa, cây kiểng, có thu nhập tiền tỷ

img

 Hoa lan - một trong những loại cây trồng đang mang lại thu nhập cao cho nông dân TP.HCM. Ảnh: Hồ Văn

"Thường thì người dân chuyển đất lúa sang trồng cỏ không thông báo hay xin phép chính quyền địa phương. Thấy trồng cỏ lợi hơn trồng lúa nên có lẽ chính quyền cũng để dân tự làm”.

Anh Nguyễn Văn Dũng

Anh Phùng Minh Đức (39 tuổi, ngụ tại số 251/43 đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) là người đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa kiểng.

Anh Đức kể, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng lúa nước và hoa màu, thu nhập bấp bênh, kinh tế không ổn định. Năm 2013, anh Đức bàn với gia đình, quyết định chuyển đổi 1.000m² đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lan và cây kiểng.

Ban đầu, anh Đức “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh 1.000m² hoa kiểng, lan với các loại hoa màu mà lâu nay gia đình đã canh tác. Đến nay, gia đình anh đã đạt được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng hoa kiểng, bon sai, mai, lan… Tính trên 1ha diện tích, gia đình anh có thể thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Từ năm 2013 đến nay, gia đình anh luôn được Hội Nông dân các cấp công nhận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Vài năm trước, lão nông Lê Văn Sự (huyện Bình Chánh) đã biến 4 công đất ruộng lúa thành ao nuôi cá. “Lúc ấy ruộng sâu nên cấy mạ bao nhiêu chết bấy nhiêu. Bực mình, tôi cho đào ao nuôi cá” – ông nói. Giờ với 4 công mặt nước, mỗi năm ông Sự thu hoạch hơn chục tấn cá tra, phi, mè…, thu lời khoảng 100 triệu đồng. Theo ông Sự: “Nuôi cá cũng có lúc thắng, lúc thua, nhưng tính chung vẫn lời gấp chục lần trồng lúa. “Giờ ở đây, đất lúa được người ta chuyển sang đào ao nuôi cá hết rồi”.

Trong khi đó, tại ấp 6, xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi), nông dân nuôi bò sữa đã biến cánh đồng trồng lúa 60 – 70ha thành cánh đồng cỏ voi. Anh Nguyễn Văn Dũng - hộ nuôi bò sữa cho biết, trồng lúa thua lỗ, trong khi cần cỏ cho bò sữa ăn nên bà con đã lấy đất lúa trồng cỏ.

Làm lúa hiệu quả thấp

Theo báo cáo từ Sở NNPTNT TP.HCM, năm 2017 giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 19.480 tỷ đồng. Nhiều cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế rất cao như: Trồng rau, cho thu nhập từ 800 triệu - 1 tỷ đồng năm/ha; hoa lan cho doanh thu 2 tỷ đồng/năm/ha; bò sữa quy mô 20 con mang lại thu nhập 800 triệu đồng/năm; nuôi tôm sú công nghiệp cho thu 2,7 tỷ đồng/năm/ha; cá cảnh đem lại khoảng 10-15 tỷ đồng/năm/ha… Trong khi đó, việc trồng lúa nếu đạt năng suất cao nhất từ 7-8 tấn/ha thì thu nhập mang lại cũng từ 80-100 triệu đồng/năm/ha, và việc trồng lúa cũng chỉ cao nhất được 2 vụ trong năm.

Trong tháng 3.2018, Sở NNPTNT TP.HCM tiếp tục hoàn chỉnh, lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đến năm 2020, hướng đến năm 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch nông nghiệp, trọng tâm phát triển giống cây con chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học góp phần nâng cao giá trị gia tăng, lợi nhuận.

Thổ nhưỡng vùng ven không phù hợp

Một nghiên cứu về thổ nhưỡng vùng ven TP.HCM của Sở NNPTNT TP.HCM cho thấy hướng phát triển không phù hợp với cây lúa. Từ đó, Sở NNPTNT đề xuất chuyển đổi:
- Củ Chi: Vùng gò Đông Bắc: 5.500ha, đất xám, vàng đỏ, hạn chế nguồn nước; hướng phát triển: Cây ăn trái, đồng cỏ chăn nuôi. Vùng ven sông Sài Gòn: 6.800ha, đất phù sa trên nền phèn; hướng phát triển: Cây ăn trái, du lịch, rau (chủ yếu rau muống). Vùng gò Tây Bắc: 15.000ha, nguồn nước thuận lợi; hướng phát triển: Rau an toàn, hoa kiểng, bò sữa.
- Hóc Môn: Vùng gò Tây Bắc 1.500ha, nguồn nước thuận lợi; hướng phát triển: Rau an toàn, hoa kiểng, bò sữa, baba. Vùng Tây Nam 800ha, nước mặt ngọt, đang phát sinh ô nhiễm; hướng phát triển: Cây ăn trái, hoa kiểng, dứa, cá sấu.
- Bình Chánh: Phía Bắc hướng phát triển: Rau an toàn, hoa kiểng, đậu phộng, bò sữa; Vùng giữa, hướng phát triển: Rau an toàn, hoa kiểng, cây ăn trái, bò sữa.
- Nhà Bè: Vùng nuôi thủy sản kết hợp ruộng lúa (Phước Kiểng, Phước Lộc, Nhơn Đức, Long Thới): 1.000ha; Vùng chuyên canh tôm Hiệp Phước: 800ha.
- Vùng đất phèn mặn và đất mặn dưới rừng ngập mặn: Diện tích khoảng 42.840ha tập trung ở huyện Cần Giờ...