Được đầu tư hàng tỷ đồng và khánh thành gần 10 năm nay, nhưng hệ thống xử lý nước thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) vẫn nằm “ngủ đông”, toàn bộ nước thải được đưa xuống hầm rút mà chưa qua xử lý, còn chất thải rắn thì được đốt lộ thiên.
Bà N.T.D. (đường Sư Vạn Hạnh, Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) bức xúc nói: "Bà con ở đây đều dùng nước giếng sinh hoạt, mà bệnh viện cho nước thải y tế chảy xuống đất khiến chúng tôi rất lo lắng, không biết sử dụng nước ngầm có an toàn không.
Mỗi tuần 2 - 3 lần, TTYT lại đốt rác thải, lúc đó tôi thấy khói màu đen bay cao phía trong hàng rào của bệnh viện. Nếu ai lại gần khoảng 100m là ngửi thấy mùi khét lẹt, khó thở, buồn nôn. Những người bán quán nhậu sát khu vực lò đốt rác thì rơi vào cảnh ế ẩm vì gió cuộn bay mùi vào quán”.
Hệ thống xử lý nước thải y tế “đắp chiếu” gần 10 năm, dân hoang mang vì nguy cơ ô nhiễm
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Minh Cẩn – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm y tế Chư Sê cho biết: “Hệ thống xử lý nước thải y tế của trung tâm thi công xong gần 10 năm nhưng chưa được sử dụng, vì toàn bộ các khoa đều không có đường ống kết nối vào để xử lý.
Tất cả các đường dây điện, đường ống ngầm, bể ngầm trong khu xử lý nước thải trung tâm đều đã bị chuột cắn, mục nát. Chúng tôi cũng đã kiến nghị các cấp và ngành y tế của tỉnh cần sớm có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, đưa vào hoạt động”.
Không chỉ riêng huyện Chư sê mà qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai, tại TTYT huyện Chư Prông, hệ thống xử lý nước thải y tế được hoàn thành từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn không hoạt động vì chưa có hệ thống thu gom và đấu nối từ các khoa.
Ở nhiều huyện khác, vệ sinh môi trường tại bệnh viện cũng chưa đảm bảo, nhất là khu vực lò đốt rác, do ống khói chưa đạt chuẩn theo quy định. Tại 20 trạm y tế và ban y tế dự phòng, nước thải y tế vẫn được đổ xuống hầm rút mà chưa qua xử lý, chất thải rắn y tế (ống nhựa, thủy tinh, kim tiêm) vẫn đốt thủ công hoặc chôn lấp tại chỗ.
Ngoài ra, một số TTYT đã phối hợp với các doanh nghiệp để vận chuyển và xử lý rác thải y tế, nhưng lại không có sự kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải y tế.
Nhiều kho chứa chất thải rắn lây nhiễm cũng không được che đậy
Theo báo cáo kết quả giám sát tình hình xử lý chất thải y tế, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do hệ thống xử lý chất thải, nước thải của một số TTYT đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, nhiều hệ thống xử lý nước thải đầu tư không đồng bộ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hiển - chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế tỉnh Gia Lai) cho biết: “Do đầu tư không đồng bộ nên mới xảy ra tình trạng trên, thời gian tới sẽ khắc phục bằng việc kết nối lại hệ thống thu gom nước thải chung cho các bệnh viện.
Ngoài ra, Sở Y tế đang xin nguồn kinh phí của tỉnh để đầu tư, sửa chữa các hệ thống xử lý nước thải, chất thải ở các TTYT theo đúng quy chuẩn. Dự kiến cuối năm nay sẽ tiến hành đầu tư thêm hệ thống thu gom nước thải cho TTYT ở các huyện. Đồng thời, sẽ đấu nối hệ thống nước thải của các khoa, phòng và đưa ra bể trung tâm để xử lý”.