Trong một hẻm tại quận Lão Tây Môn, Thượng Hải, nhiều căn nhà bị bỏ không. Chính quyền dần phá dỡ khu vực mang tính lịch sử tại trung tâm thành phố và nhiều cư dân đã bỏ đi, để lại sau lưng dãy nhà liền kề truyền thống với những ô cửa sổ đóng kín và biển báo phá dỡ trên cửa ra vào.
Giảm dân số tại các thành phố lớn
Theo Guardian, Lão Tây Môn là một trong các khu vực tại Thượng Hải được “nâng cấp” trong cuộc chạy đua hiện đại hóa của thành phố. Quá trình tái phát triển này là lời hồi đáp cho sự tăng trưởng nhanh chóng của thành phố, và là nhân tố quan trọng đóng góp vào kế hoạch giảm tải dân số đầu tiên tại Thượng Hải và Bắc Kinh.
Giới hạn số dân được dự báo là giải pháp cho “căn bệnh của thành phố lớn”, thuật ngữ giới truyền thông sử dụng dành cho các thành phố đông dân và ô nhiễm.
Vì lý do này, cả Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh đều áp dụng chính sách hạn chế dân số vào năm ngoái. Theo đó, Thượng Hải lên kế hoạch giới hạn số dân xuống còn 25 triệu, Bắc Kinh xuống còn 23 triệu người.
Người dân sống tại Lão Tây Môn, khu vực cổ nhất Thượng Hải sắp bị phá dỡ
Các chính sách quy hoạch đô thị để kiểm soát dòng người di cư đến thành phố đang có được những hiệu quả bước đầu. Theo số liệu chính thức, cuối năm 2017, Bắc Kinh cung cấp chỗ ở cho 21,7 triệu người, ít hơn 20.000 người so với số liệu cuối năm 2016, trong khi dân số Thượng Hải giảm 10.000 người, xuống còn 24,18 triệu người.
Các yếu tố về nhân khẩu học cũng có thể đã đóng góp vào kết quả dân số giảm. Mặc dù chính sách một con, áp dụng lần đầu vào năm 1979, đã được xóa bỏ, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc năm 2017 vẫn thấp hơn các năm trước.
Trong khi đó, dân số già hóa có thể trở thành khủng hoảng, gia tăng áp lực khổng lồ lên dịch vụ công, từ chăm sóc y tế tới việc làm.
Tuy nhiên, những quy định của chính phủ có thể mới là nguyên nhân chính dẫn đến dân số giảm tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Những nỗ lực không ngừng để “làm đẹp” cả hai thành phố bao gồm việc xây mới những quận xuống cấp, tập hợp những người bán hàng rong vào một nơi, đóng cửa, chuyển địa điểm hàng trăm chợ và xây tường gạch quanh các nhà hàng, quán bar và cửa hàng không có giấy phép.
Người dân từ An Huy đến Bắc Kinh cư trú chất đồ lên xe tải sau khi bị đuổi khỏi nhà tại quận Đại Hưng, Bắc Kinh. Ảnh: Getty.
Lao động thu nhập thấp bị "trục xuất"
Dù chính phủ nói rằng họ không nhắm vào những lao động nhập cư, những người chỉ trích cho rằng các cải cách này ảnh hưởng lớn tới bộ phận người nghèo trong thành phố.
Hàng chục nghìn người nhập cư đã bị buộc phải rời khỏi Bắc Kinh khi chính phủ giải quyết tình trạng cư trú trái phép. Sau vụ hỏa hoạn tại một quận đông dân ở ngoại ô phía nam thành phố khiến 19 người thiệt mạng, chính quyền bắt đầu tiến hành phá dỡ và sơ tán trên diện rộng. Một số người chỉ có vài phút để thu dọn đồ đạc và rời bỏ căn nhà của mình.
Những người biểu tình tranh luận rằng chính quyền viện cớ vụ hỏa hoạn để đẩy nhanh mục tiêu của họ là phá hủy 38 km2 các công trình bất hợp pháp, chủ yếu là cửa hiệu và nhà của những người dân thu nhập thấp, nhằm dồn lao động di trú ra khỏi thành phố.
Cảnh tồi tàn nhìn từ trong một ngôi nhà của người di trú thuộc diện bị dỡ bỏ tại Bắc Kinh
Tại Thượng Hải, chính phủ cũng đã tiến hành tháo dỡ một loạt nhà ở giá rẻ nơi lao động trình độ thấp cư trú, còn được gọi là “những ngôi làng đô thị” và xây mới ở các vùng lân cận.
“Nơi từng là nhà của 4 gia đình giờ biến thành tầng trệt của một tòa nhà sang trọng dành cho người giàu”, Guardian dẫn lời Saskia Sassen, giáo sư xã hội học tại Đại học Columbia và tác giả của cuốn sách Expulsions (tạm dịch: Trục xuất).
“Chính quyền đang dồn người dân phải rời khỏi những thành phố lớn để tới những thành phố khác. Nhưng, không giống Thượng Hải hay Quảng Châu, những thành phố đó vắng người, nhiều công trình xây dựng và chỉ là dự án cho các công ty xây dựng kiếm tiền”.
Giáo sư Sassen đánh giá rằng các thành phố như Thượng Hải hay Bắc Kinh đang tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu thu nhập cao, nhưng lại đẩy tầng lớp có thu nhập thấp hơn ra ngoại ô.
Việc này tạo ra cơ hội kinh tế cho bất động sản tại trung tâm thành phố nhưng các căn hộ mới xây có thể là quá đắt đỏ, với giá cả gấp tới 20 lần thu nhập trung bình hàng năm của một cư dân tại đó.
Quá tải dân số - không chỉ là con số
Theo các chuyên gia, dù thế nào thì nhu cầu cho những công việc và dịch vụ trình độ thấp sẽ luôn tồn tại, nên việc người lao động di trú ra khỏi thành phố có thể sẽ gây ra vấn đề mới.
“Cải tạo đô thị không phải là điều tốt cho thành phố”, Tiến sĩ Yan Song, giám đốc chương trình của Đại học Carolina về đô thị Trung Quốc cho biết.
“Bạn sẽ thu hút được của cải nhưng lại đẩy những người thu nhập thấp hơn đi. Nhu cầu cho các dịch vụ thấp vẫn luôn thường trực, mà những người đó lại sống ở xa trung tâm thành phố, và sẽ phải tốn nhiều thời gian đi tới chỗ làm”.
Giao thông Bắc Kinh vào giờ cao điểm. Ảnh: Getty.
“Người dân đến thành phố lớn vì ở đó có dịch vụ, cơ hội và thu nhập tốt hơn, vậy nên nếu bạn không thể cung cấp những thứ đó ở nơi khác thì người dân vẫn sẽ tiếp tục tìm đến các thành phố”, Tiến sĩ Song nói vớiGuardian.
Một phần quan trọng trong kế hoạch hạn chế sự tăng trưởng thành phố bao gồm việc phân bố lại dân số tới những vùng đô thị mới, chẳng hạn như khu vực bên ngoài Bắc Kinh là Kinh-Tân-Ký (tức Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc), và quận mới Hùng An với diện tích 101 km2 gần Hà Bắc, nơi chính phủ hy vọng sẽ thu hút được các công ty công nghệ.
Những quận và trung tâm mới được thiết kế để giảm sức ép lên các thành phố đông dân. Trung Quốc cũng di dời nhiều nhà máy, trung tâm sản xuất và khu chợ tới Kinh-Tân-Ký. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng các chính sách giới hạn số dân tại thành phố đang đi lạc hướng.
“Dân số không phải là gốc rễ cho “bệnh đô thị”, mà sự yếu kém trong quản lý và kết cấu đô thị là nguyên nhân gây ra giao thông hỗn loạn, tắc nghẽn không cần thiết và tình trạng dân số quá tải”, Tiến sĩ Song đánh giá.
“Nếu dân quá đông và thiếu dịch vụ, thì tại sao bạn không mở rộng các dịch vụ công? Cung cấp thêm cơ hội, dịch vụ giáo dục, y tế, bệnh viện - đó là những gì chính phủ có thể làm, thay vì khiến người dân phải rời khỏi thành phố”.